Truyền hình thực tế có cần 'sứ mệnh' thân thiện? |
Thừa kịch tính, thiếu chuyên môn
Sự bùng nổ của các game show, chương trình thực tế trong suốt thời gian qua như Vietnam’s Next Top Model, Gương mặt thương hiệu, The Voice, Gương mặt thân quen, Vietnam Idol… đã mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khán giả trong “bữa ăn tinh thần” mỗi ngày. Tuy nhiên, việc tăng trưởng về số lượng và giảm mạnh về chất lượng chính là một trong những lí do lớn nhất khiến nhiều chương trình giảm sút về rating sau mỗi mùa phát sóng. Để khắc phục tình trạng đó, thay vì tập trung phát triển chuyên môn, nhiều nhà sản xuất lại quyết định dùng chiêu trò, tạo kịch tính để thu hút khán giả.
Không thể phủ nhận, những chiêu trò của nhà sản xuất bước đầu đã tạo được hiệu quả nhất định trong việc lôi kéo một bộ phận người hâm mộ dõi theo chương trình. Tuy nhiên, chính vì lạm dụng kịch tính quá đà cũng như sự yếu kém về tính chuyên môn đã làm cho chất lượng giảm sút và việc khán giả bỏ game show giữa chừng là chuyện hiển nhiên.
Việc lạm dụng yếu tố quảng cáo như một cách "trả nợ" nhãn hàng cũng khiến khán giả mất cảm tình với một số game show, chương trình giải trí hiện nay. |
Nếu như ở mùa đầu tiên, những cái tên như Gương mặt thương hiệu, Gương mặt thân quen, The voice… nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả thì khi đến mùa 2, vẫn là hình thức thi đó, vẫn là format cũ với mức độ sáng tạo còn hạn hẹp của đội ngũ biên tập đã khiến người xem mau chán. Đó là chưa kể đến việc nhiều chương trình bị giảm sút mạnh về chất lượng, thiếu yếu tố hấp dẫn và không có sự mới mẻ trong cách khai thác thí sinh. Tất nhiên, giữa “cơn bão” truyền hình thực tế với sự xuất hiện dày đặc của các game show mới, khán giả càng có quyền lựa chọn điều hấp dẫn nhất với bản thân và việc “bấm nút, chuyển kênh” hay “ném đá” những chương trình kém thu hút là điều dễ hiểu.
Điển hình như câu chuyện của Gương mặt thương hiệu - The Face 2017, nếu như công chúng mong đợi sự “chặt chém” lẫn nhau mang tính chuyên môn giữa các huấn luyện viên cũng như mức độ thử thách ngày càng khó cho thí sinh thì điều đó lại không được nhà sản xuất đặc biệt quan tâm. Ban đầu, yếu tố drama được đẩy cao khi The Face 2017 cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Minh Tú - Lan Khuê, nhưng mọi thứ nhanh chóng “giảm nhiệt” về sau. Các HLV vẫn chưa khiến khán giả truyền hình cảm thấy thoả mãn về chất lượng chuyên môn trong những phần thị phạm cho thí sinh. Thậm chí nhiều người còn cho rằng The Face giống như một bộ phim được phân vai sẵn chứ không phải là một chương trình mang tính thực tế. Chưa kể, việc lộ kết quả như một “thói quen” thường thấy ở game show truyền hình không mang lại sự tò mò cho khán giả, ngược lại khiến chương trình càng nhạt hơn.
Những thử thách của The Face mùa 2 có phần lặp lại ở mùa 1, thí sinh thiếu cá tính nổi bật, đặt nặng yếu tố catwalk quá nhiều... là lí do khiến chương trình kém hấp dẫn. |
Đó là chưa kể đến việc các thử thách không những không được nâng cao mà còn lặp lại khiến cho tính bất ngờ của chương trình không đảm bảo. Thử thách diễn xuất xuất hiện nhiều lần trong sự nhàm chán, các phần thi catwalk đều đặn qua mỗi tập. Mới nhất là quảng cáo sữa tắm, chụp hình trên không… của The Face được xem là tiến bộ hơn mùa giải trước nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng vay mượn từ các chương trình mang format nước ngoài.
Không riêng gì The Face, Gương mặt thân quen cũng dần đi vào lối mòn khi các thí sinh tham gia chương trình không đảm bảo được độ “hot” như những mùa đầu tiên và việc lặp đi lặp lại các nhân vật hóa thân như Mỹ Tâm, Phương Thanh, Lệ Quyên… đã khiến cho nhiều người đặt nghi vấn về sự tồn tại của chương trình ở mùa sau khi sức hút giảm dần.
Vietnam Idol cũng dần “chết yểu” giữa hàng loạt các cuộc thi tài năng khi thừa thí sinh nhưng thiếu cá tính, thậm chí những Quán quân các năm gần đây đều “mất hút” trong showbiz như Ya Suy (mùa 4), Nhật Thuỷ (mùa 5), Janice Phương (mùa 7)…
Việc thiếu những thí sinh có cá tính nổi bật, đi kèm là lối mòn ý tưởng, cũng như việc cạnh tranh giữa các game show khác khiến Vietnam Idol "chết yểu", các Quán quân - Á quân sau cũng cuộc thi cũng ít được biết tới. |
Tỷ lệ nghịch với sự giảm sút của trình độ chuyên môn là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các chiêu trò do chính nhà sản xuất và các thí sinh, các giám khảo bắt tay thực hiện. Việc lựa chọn giám khảo thiếu trình độ chuyên môn như ở Bước nhảy hoàn vũ, Biến đổi hoàn hảo…, hay việc để các huấn luyện viên tố cáo nhau như ở The Face, Be A Star…, những câu chuyện về lời qua tiếng lại trên sóng truyền hình đã trở thành một công thức quen thuộc mà bất kì nhà sản xuất nào cũng muốn áp dụng để tăng rating, thu hút quảng cáo.
Sau nhiều mùa ẩm ương, Vietnam's Next Top Model 2017 được đánh giá là thành công khi có sự đổi mới, đi sâu vào chất lượng chuyên môn, khai thác vừa đủ kịch tính. Đó cũng là 1 trong những điều mà cách game show hiện nay đang thiếu. |
Mới đây nhất, chuyện Hồ Ngọc Hà bị Minh Hằng tố chèn ép cho vai trò huấn luyện viên The Face từng gây không ít tranh cãi từ phía khán giả. Bên cạnh những phản hồi về tính đúng sai của hai nghệ sĩ trẻ, hầu hết mũi nhọn đều hướng đến nhà sản xuất. Không ít ý kiến cho rằng, chính nhà sản xuất là người “giật dây” cho màn đấu tố này để tăng sự thu hút cho chương trình của mình.
Nói về Vietnam’s Next Top Model hay Cuộc đua kì thú, bên cạnh những nghi vấn về việc lộ kết quả trong khi cuộc thi chưa kết thúc thì sự tranh cãi quyết liệt qua lại của các thí sinh đã dần khiến người hâm mộ ngán ngẫm về mức độ văn hóa của chương trình này. Nếu như màn tranh cãi quyết liệt giữa Trang Trần với Hiếu Nguyễn, Hương Giang Idol với Criss Lai được xem là “thương hiệu” của Cuộc đua kì thú những mùa gần đây thì việc lời qua tiếng lại, thậm chí là những hành động như hất nước vào mặt, ném sách của các thí sinh Next Top trong “nhà chung” đã tại nên kịch tính cho mùa giải.
Bài học lớn cho các nhà sản xuất
Lí do lớn nhất khiến truyền hình thực tế không còn nhận được sự yêu mến của khán giả chính là sự bất tương xứng giữa nguồn cung và cầu. Trong khi nhu cầu của khán giả là mong muốn có những chương trình hấp dẫn về nội dung mà ở đó, giám khảo là những người đầy đủ chuyên môn để nhận xét thí sinh thì việc “ngồi nhầm ghế” không còn là chuyện quá xa lạ trong các game show hiện nay. Chưa bàn đến việc họ có ảnh hưởng và hiệu quả như thế nào khi ngồi "ghế nóng", nhưng chỉ riêng việc thiếu chuyên môn đã khiến công chúng mất thiện cảm và bỏ lửng chương trình.
Nếu như các game show truyền hình hiện nay có sự phát triển về số lượng thì công chúng càng có lí do để khắt khe hơn trong việc lựa chọn. Khán giả sẽ đặt yêu cầu cao đối với các chương trình giải trí mới, đặc biêt là về mặt nội dung. Vậy nên việc sử dụng yếu tố chiêu trò, drama trong các cuộc thi được xem là “con dao hai lưỡi”, bởi nó có thể thu hút được sự chú ý nhưng cũng là cái “giết chết” nhà sản xuất nếu họ lạm dụng quá nhiều. Khán giả truyền hình đủ thông minh để có thể biết được đúng sai để chọn lựa những chương trình phù hợp.
Việc khán giả từ chối nhiều chương trình truyền hình hitrìnhện nay được xem là bài học đắt giá cho các nhà sản xuất. Để có thể tạo ra nội dung hấp dẫn người xem, drama là điều không thể thiểu bởi công chúng luôn mong chờ những yếu tố bất ngờ, độc đáo mà mỗi chương trình mang đến. Tuy nhiên, về lâu về dài thì đó không phải là một phương án tốt. Hơn hết, tập trung đầu tư nội dung sẽ là điều mà nhà sản xuất phải đặt lên hàng đầu. Bởi sẽ không ai bỏ ra một thời gian dài để xem “rác” trên sóng truyền hình cả.
Quán quân truyền hình thực tế: Người 'im thin thít', kẻ 'lặn mất tăm' Từng dành chiến thắng tại những chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nhưng sau khi rời khỏi cuộc thi nhiều người lại ... |
Trẻ em sẽ thế nào nếu vô tình xem người nổi tiếng 'choảng' nhau trên truyền hình? Nhiều chuyên gia cho rằng, các bậc phụ huynh nên có sự kiểm soát khi cho con trẻ xem các chương trình truyền hình thực ... |
Nhiều game show đang 'xả rác' vào khán giả truyền hình Ồn ào, hỗn tạp, thiếu chuyên môn, thiếu tôn trọng khán giả… là vài trong số nhiều nhận xét mà khán giả dành cho một ... |