Cụ thể, 4 phương châm "tại chỗ" đã được Viettel duy trì xuyên suốt trong công tác phòng, chống thiên tai bao gồm: chỉ huy - nhân lực - phương tiện - hậu cần. Đây cũng là lần chuẩn bị phòng chống bão có quy mô lớn nhất của Viettel từ đầu năm đến nay.
Ông Đào Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel cho biết: "Trong thiên tai, thông tin liên lạc là một trong những công cụ tối quan trọng. Là doanh nghiệp về viễn thông của quốc gia có hạ tầng mạng lưới sâu rộng nhất, chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo các biện pháp để giúp các cơ quan chỉ đạo điều hành thông suốt ứng phó với bão. Đồng thời, giúp cho người dân không bị mất liên lạc, cô lập trong bối cảnh mưa bão".
Để thực hiện phương án này, Viettel đã thành lập 9 đoàn tiền phương do chỉ huy các Tổng Công ty làm trưởng đoàn đã có mặt và chỉ đạo trực tiếp tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam từ ngày 17/9.
Đội ngũ gần 300 đội kỹ thuật tham gia trực tiếp và dự bị được huy động từ tất cả các địa phương khác đáp ứng yêu cầu về các mức độ ứng cứu thông tin. Tổng số nhân sự kỹ thuật Viettel tham gia phòng chống bão Noul lên tới gần 1.500 người, có mặt ở tất cả các vị trọng yếu để đảm bảo dịch vụ từ tuyến xã/phường trở lên.
Các đơn vị của Viettel đã bố trí gần 20 xe thu phát sóng cơ động, bổ sung gần 300 máy phát điện, đồng thời tổ chức lực lượng đo kiểm, dự trữ đầy đủ nhiên liệu, vật tư thiết bị dự phòng...
Bên cạnh đó, các tuyến cáp trục quốc gia, cáp liên tỉnh, liên huyện để đảm bảo an toàn cho hạ tầng mạng truyền dẫn của Viettel đã được củng cố đảm bảo. Các kịch bản ứng cứu thông tin được xây dựng, tính toán chi tiết cho các trường hợp tỉnh bị cô lập, mất điện…
Bão số 5 có tên quốc tế là Noul. Lúc 10 giờ ngày 18/9, bão đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.