Vincom Retail lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng trong quý I, tăng hơn 170% so với cùng kỳ

Quý I, Vincom Retail đạt doanh thu thuần tăng 42% so với cùng kỳ nhờ mở mới 3 TTTM trong năm 2022 và ngành bán lẻ hồi phục. Cùng với việc tiết giảm giá vốn, chi phí bán hàng, công ty báo lãi tăng hơn 170% so với quý I/2022.

CTCP Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, theo đó, doanh thu thuần đạt 1.943 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Trong đó, công ty cho biết, doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung dịch vụ liên quan tăng mạnh do ngành bán lẻ phục hồi tốt sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, cùng với việc mở mới 3 trung tâm thương mại trong quý II/2022. 

Trong quý, giá vốn và các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ. Do đó, công ty lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng, tăng 171% so với quý I/2022 và tăng 23% so với quý IV/2022. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ khi Vincom Retail bắt đầu công bố báo cáo tài chính. 

 KQKD quý I/2023 của Vincom Retail. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC).

So sánh với kế hoạch kinh doanh năm nay của Vincom Retail là lãi sau thuế 4.680 tỷ đồng, như vậy, sau quý I, công ty đã thực hiện được 22% chỉ tiêu đề ra. 

Bên cạnh đó, so sánh với kế hoạch lãi sau thuế 5.200 tỷ đồng của Vincom Retail trong kịch bản 2 là các động lực phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, công ty đã thực hiện gần 20% chỉ tiêu.  

Nhờ lãi lớn, dòng tiền thuần trong quý vẫn dương hơn 275 tỷ đồng sau khi công ty chi tiền tăng hàng tồn kho (249 tỷ đồng); chi tiền mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác (1.926 tỷ đồng), chi tiền trở nợ gốc thuê tài chính (5,3 tỷ đồng),...

Tại thời điểm cuối tháng 3, lượng tiền và tương đương tiền của Vincom Retail ở mức gần 7.295 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm, phần lớn là các khoản tiền gửi và đầu tư khác với kỳ hạn 1 - 3 tháng, lãi suất 5,1 - 8,5%/năm.

Ngoài ra, công ty cũng có gần 98 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn vào tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn 6 - 12 tháng, lãi suất 5,7 - 10,7%/năm. Công ty cho biết, đây là kinh phí bảo trì cho một số dự án căn hộ và nhà phố thương mại, sẽ được chuyển về cho Ban Quản trị Tòa nhà. 

Về phần hàng tồn kho, giá trị tồn kho của Vincom Retail tại thời điểm cuối tháng 3 đạt hơn 1.427 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, chủ yếu là tăng tồn kho tại các hạng mục nhà phố thương mại để bán đang xây dựng dở dang (1.399 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty cũng có 18,9 tỷ đồng tồn kho thành phẩm bất động sản, giảm 23% so với đầu năm. 

Khoản chiếm gần 60% trong tổng tài sản của Vincom Retail tại thời điểm cuối tháng 3 là bất động sản đầu tư với giá trị 26.176 tỷ đồng (đã trừ giá trị hao mòn lũy kế). Đây chủ yếu là các trung tâm thương mại do Vincom Retail và các công ty con sở hữu, vận hàng hoạt động cho thuê mặt bằng và cung cấp các dịch vụ liên quan, là nguồn thu đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. 

Tại thời điểm cuối tháng 3, tổng tài sản (tổng nguồn vốn) của Vincom Retail ở mức 44.259 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm.

Vốn chủ sở hữu là 34.442 tỷ đồng, chiếm 78% tổng nguồn vốn doanh nghiệp, chủ yếu là vốn cổ phần đã phát hành và phần lợi nhuận sau thuê chưa phân phối. Dư nợ tài chính ở mức 3.196 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. 

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.