Virus corona đã thổi bay 144 tỉ USD ngành dịch vụ của Trung Quốc chỉ trong một tuần

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra trong kì nghỉ Tết Nguyên đán khiến các gia đình Trung Quốc quyết định huỷ bỏ các chuyến du xuân và ở nhà. Điều này đã khiến ngành công nghiệp không khói ở đất nước tỉ dân bốc hơi 144 tỉ USD chỉ sau một tuần.

Các nhà kinh tế ước tính đại dịch do virus corona gây ra đã làm cho các nhà hàng, ngành du lịch và điện ảnh Trung Quốc thiệt hại hơn 1.000 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 144 tỉ USD. 

Virus corona đã giết chết hơn 400 người, với tốc độ lây lan khủng khiếp hơn cả đại dịch SARS năm 2003, đã khiến một phần lớn đất nước Trung Quốc rơi vào bế tắc. Người dân bị buộc phải ở nhà, hạn chế việc đi lại, tránh tụ tập đông người,… điều này đã dẫn tới việc các ngành công nghiệp dịch vụ thất thu. 

Nhà hàng và các hãng bán lẻ Trung Quốc thất thu vì virus corona

Các nhà hàng ăn uống và các hãng bán lẻ tại Trung Quốc đã ghi nhận doanh thu giảm hẳn một nửa trong kì nghỉ Tết Nguyên đán năm nay so với cùng kì năm ngoái, theo Ren Zepomh, Giám đốc kinh tế của Evergrande Think Tank. 

Quản lí một nhà hàng ở Quảng Châu nói với phóng viên Nikkei, rằng trong kì nghỉ Tết hàng năm, mỗi ngày cửa hàng anh đạt doanh thu trung bình khoảng 500.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên năm nay, cửa hàng này đã thất thu hàng triệu tệ vì virus corona. 

Virus corona khiến ngành dịch vụ của Trung Quốc bốc hơi 144 tỉ USD chỉ trong một tuần - Ảnh 1.

Các nhà hàng ăn uống và các hãng bán lẻ tại Trung Quốc đã ghi nhận doanh thu giảm hẳn một nửa trong kì nghỉ Tết Nguyên đán năm nay so với cùng kì năm ngoái. (Ảnh: Reuters).

Haidilao International Holding, công ty sở hữu chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc, vừa qua cũng cho biết họ sẽ đóng cửa tất cả các nhà hàng của mình tại đại lục đến hết cuối tuần này. Hiện Haidilao đang sở hữu hệ thống 550 nhà hàng lẩu, tại 116 thành phố ở Trung Quốc. 

Không chỉ Haidilao đóng cửa các nhà hàng của mình vì dịch bệnh, Jiumaojiu Group - một tập đoàn Hong Kong hiện có hơn 300 địa điểm ăn uống tại Trung Quốc đại lục, cũng nói rằng họ sẽ tạm ngừng kinh doanh đến hết ngày 9/2. 

Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang trở nên trì trệ, Hiệp hội các ngành công nghiệp tại Quảng Châu cũng đã kêu gọi giảm hoặc miễn tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng cho các doanh nghiệp, để “cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn”. 

Theo đó, Hiệp hội đã kêu gọi các chủ đất miễn tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng trong tháng 2, và giảm một nửa tiền thuê trong hai tháng tiếp theo. 

Wanda Group, công ty bất động sản hiện đang sở hữu hơn 300 Trung tâm mua sắm trên cả nước, đã miễn gần 4 tỉ nhân dân tệ tiền thuê địa điểm cho các cửa hàng dịch vụ. 

Hai công ty phát triển nhà ở và dịch vụ là Red Star Macalline và China Resources Land của Trung Quốc, đều thông báo sẽ miễn tiền thuê văn phòng một tháng cho các doanh nghiệp. 

Virus corona khiến ngành dịch vụ của Trung Quốc bốc hơi 144 tỉ USD chỉ trong một tuần - Ảnh 2.

Giá thuê văn phòng, địa điểm thường chỉ chiếm từ 10 - 15% doanh thu, trong khi chi phí lao động có thể lên tới 20 - 30%. (Ảnh: New York Times).

Tuy nhiên, các biện pháp này được đánh giá là vẫn không đủ để giảm bớt áp lực tài chính đang đè nặng lên các công ty dịch vụ ở Trung Quốc. Giá thuê văn phòng, địa điểm thường chỉ chiếm từ 10 - 15% doanh thu, trong khi chi phí lao động có thể lên tới 20 - 30%.

Quản lí nhà hàng tại Quảng Châu nói, sau kì nghỉ việc đầu tiên anh làm là sẽ vay tiền ngân hàng để trả lương cho nhân viên. “Nếu nhà hàng không thể nhận được hỗ trợ tài chính, có thể bị phá sản”, người này nói. 

Uỷ ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đã ra thông báo yêu cầu các ngân hàng không được cắt giảm các khoản vay, đồng thời tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với các nhà bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, hậu cần và các công ty du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Dịch vụ du lịch và công nghiệp điện ảnh Trung Quốc bị ngừng trệ

Ngành công nghiệp du lịch và điện ảnh Trung Quốc đang gặp khó khăn hơn sau khi các công ty du lịch được yêu cầu ngừng tất cả các tour du lịch, các địa điểm du lịch lớn bị đóng cửa và tất cả 8 bộ phim dự kiến sẽ trình chiếu trong kì nghỉ Tết, cũng đã bị hoãn chiếu vô thời hạn.

Được biết kì nghỉ Tết thường là thời điểm vàng đem lại doanh thu khủng cho các nhà làm phim Trung Quốc. Trong kì nghỉ Tết năm ngoái, các ngành điện ảnh Trung Quốc đã thu về 5,9 tỉ Nhân dân tệ, chiếm 10% tổng doanh thu của cả năm 2019. 

Trong khi đó, mùa phim Tết năm nay được dự đoán sẽ mang về doanh thu phòng vé khoảng hơn 7 tỉ nhân dân tệ, nếu được chiếu đúng kế hoạch.

Trong 7 ngày nghỉ Tết năm ngoài, ngành du lịch Trung Quốc đã đạt khoảng 513,9 tỉ Nhân dân tệ. 

Virus corona khiến ngành dịch vụ của Trung Quốc bốc hơi 144 tỉ USD chỉ trong một tuần - Ảnh 3.

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc thất thu 7 tỉ nhân dân tệ doanh thu phòng vé trong kì nghỉ Tết năm nay vì corona. (Ảnh: Wipo).

Doanh thu từ bán hàng, du lịch, phim ảnh, ăn uống,… trong kì nghỉ Tết chiếm gần 7% GDP quý I/2019. 

“So với năm 2003, khi dịch SARS khiến kinh tế Trung Quốc bốc hơi 2 điểm phần trăm hàng quý, thì tỉ lệ tiêu dùng trong GDP ngày nay cao hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là dịch bệnh sẽ có tác động lớn hơn đến nền kinh tế”, Ren Zepomh nói.

Vị Giám đốc kinh tế của Evergrande Think Tank nhẩm tính, trong trường hợp tốt nhất giả định dịch bệnh nhanh chóng được ngăn chặn, và sẽ chấm dứt vào tháng 4/2020, thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến trong cả năm cũng sẽ chỉ ở mức 5,4% so với 6,1% năm 2019. 

“Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất, dịch bệnh kéo dài hơn so với dự kiến, tăng trưởng năm 2020 Trung Quốc sẽ chỉ dừng ở mức dưới 5%”, vị Giám đốc dự báo.

Trong khi đó, Wei Shangjin, Giáo sư tại ĐH Kinh tế Columbia, và là cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á lại có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. 

Wei ước tính tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm 2020. Ông cho biết phần lớn tổn thất của ngành bán lẻ trực tiếp sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng trong mua sắm trực tuyến, khi Trung Quốc đang bước vào kỉ nguyên của thương mại điện tử. 

“Trong đại dịch SARS năm 2003, nhiều nhà kinh tế đã quá tiêu cực khi đánh giá quá cao tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế. Nhưng thực tế không phải vậy”, vị giáo sư cho biết.