VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'

Theo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".

Sáng 19/3, sau hai tuần làm việc, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người khác liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) bước sang phần tranh luận. Quá trình xét xử, trừ bị cáo Lan, những người khác đều thừa nhận hành vi phạm tội.

Do số lượng bị cáo đông, tính chất vụ án đặc biệt phức tạp, nên VKS phải mất ít nhất một ngày mới công bố xong bản luận tội - đưa ra quan điểm đề nghị cuối cùng.

'Chủ mưu, cầm đầu hàng loạt hành vi phạm tội'

Đại diện VKS xác định, việc đưa vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm ra xét xử là không có vùng cấm, đặc quyền, ngoại lệ... nhằm củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước.

Bị cáo Lan với vai trò Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập và điều hành hàng loạt công ty trong hệ sinh thái. Lợi dụng chính sách Nhà nước trong việc tái cơ cấu ngân hàng, bị cáo đã thâu tóm 3 ngân hàng thương mại cổ phần (Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa). Từ năm 2012 đến tháng 10 năm 2022, bà này đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có "quyền lực" chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi như: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc ngân hàng chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Nhằm che giấu thực trạng yếu kém của SCB, để ngân hàng không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, tiếp tục được tái cơ cấu, bà Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) 4 lần đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra) 5,2 triệu USD; đưa tiền quà cho các thành viên trong đoàn thanh tra. "Hành vi phạm tội của bị cáo Lan cùng đồng phạm và đoàn thanh tra đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước trong quản lý kinh tế, gây mất niềm tin của người dân, nên cần xử lý nghiêm minh", đại diện VKS nêu quan điểm.

Trong đó, VKS xác định, bà Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo đã chỉ đạo việc lập các công ty ma, nâng khống tài sản đảm bảo, lập hồ sơ khống để rút tiền SCB. Việc đưa tài sản vào SCB chỉ là phương thức thủ đoạn nhằm tiếp tục rút tiền của SCB.

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'

Trong 10 năm, bà Lan đã chỉ đạo các bị cáo là cán bộ chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm này còn gần 1.300 khoản vay gây thiệt hại 677.000 dư nợ gốc và lãi. Tuy nhiên, trên cơ sở xem xét theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, sau khi cấn trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo, cơ quan công tố xác định bị cáo Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB.

Thiệt hại của vụ án được xác định tổng cộng hơn 498.000 tỷ đồng. Trong đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại 64.000 tỷ đồng từ năm 2012 đến năm 2017. Từ năm 2018 đến 2022, bà Lan và đồng phạm chiếm đoạt của SCB 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng.

"Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức. Quá trình điều tra và xét xử không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới, hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không có khả năng thu hồi, nên cần loại bỏ ra khỏi xã hội", VKS nhận định, đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan "mức án nghiêm khắc nhất".

Các bị cáo cấp dưới là người đã giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn như: Đinh Văn Thành; Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc; Trương Khánh Hoàng, cựu quyền tổng giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB... Nhóm bị cáo này bị VKS đề nghị "cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội".

Trong đó, bị cáo Đinh Văn Thành đã bỏ trốn trước khi vụ án được khởi tố và bị đưa ra xét xử vắng mặt. "Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án có đủ căn cứ xác định bị cáo Thành đã giúp sức tích cực cho bà Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn", VKS nêu. Từ năm 2012 đến tháng 10/2017, ông Thành ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 42.770 tỷ đồng. Từ tháng 2/2018 đến tháng 12/2020, Thành đã ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 189.103 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 99.677 tỷ.

 

  Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. (Ảnh: Thanh Tùng).

Trước đó, quá trình xét hỏi, hầu hết bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc. Họ khẳng định tất cả là "làm theo chỉ đạo của bà Lan, dù là Chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc cũng chỉ là người làm thuê". Họ làm việc với niềm tin và "lòng trung thành tuyệt đối" vào bà Lan, tin rằng tài năng của bà sẽ tái cơ cấu SCB thành công. Một số người khác cho rằng, do áp lực phải làm theo những chỉ đạo sai từ cấp trên, buộc phải xin nghỉ việc trước khi vụ án bị phát hiện.

Là người bị thẩm vấn sau cùng, bà Lan cho biết "tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng", song không thừa nhận cáo buộc đã "thâu tóm SCB, sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính" để phục vụ Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo cho rằng được mời tham gia ban cố vấn hợp nhất 3 ngân hàng (Thương mại cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa), chỉ biết đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB, còn việc tái cơ cấu thế nào là do người của SCB thực hiện, bà không giữ chức vụ gì nên không tham gia điều hành.

Bà Lan khẳng định không sở hữu 91,5% cổ phần SCB như cáo buộc mà chỉ sở hữu gần 5% cổ phần ngân hàng. Đến năm 2022, thêm hai con gái của bà sở hữu, tổng cộng là 15%. Số cổ phần còn lại là của bạn bè trong và ngoài nước chứ không phải của bà. Theo sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, bà thuyết phục bạn bè trong và ngoài nước sở hữu 65% cổ phần nhằm hợp nhất thành công. Những người này thuê ai đứng tên bà không biết, và do Tạ Chiêu Trung (thành viên HĐQT SCB) quản lý...

Tuy nhiên, bà Lan đồng ý ủy quyền toàn bộ số cổ phần của mình, gia đình và bạn bè cho NHNN để tiện quản lý, điều hành SCB.

 

  Các bị cáo ở khu vực liên thông 2 phòng xử lớn nhất của TAND TP HCM, sáng 19/3. (Ảnh: Thanh Tùng).

Tương tự, bị cáo phủ nhận cáo buộc tuyển chọn người thân tín, cho hưởng chế độ lương thưởng cao để dễ chi phối, chỉ đạo các cán bộ chủ chốt tại SCB và nhân viên tại Vạn Thịnh Phát để lập hồ sơ, phương án vay khống, rút tiền nhà băng. Bà nhiều lần lặp lại quan điểm "vì SCB cần tiền để cơ cấu, nên chỉ biết đưa tài sản vào". Hồ sơ, phương án, giải ngân thế nào bà không biết mà do người của SCB thực hiện.

Bà Lan cũng cho rằng không lập 1.000 công ty "ma" để hợp thức hóa việc làm hồ sơ vay SCB mà bà chỉ cho một số công ty mượn tài sản để thế chấp vay tiền ngân hàng. Bà cũng không chỉ đạo người móc nối với các công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.

Về 108.000 tỷ đồng tiền mặt tài xế chở về văn phòng làm việc tại trụ sở của tập đoàn và nhà riêng, bà thừa nhận, song cho rằng do Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) chỉ đạo. Đối với cáo buộc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB, bà Lan nói bản thân đã đưa rất nhiều tài sản, rất nhiều tiền vào ngân hàng. "Chả lẽ tôi đi chiếm đoạt tiền của tôi sao?", bà này nói.

Với cáo buộc chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) 4 lần đưa cho cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn - Trưởng đoàn thanh tra SCB số tiền 5,2 triệu USD và các thành viên khác trong đoàn thanh tra để "làm mờ" sai phạm, bà Lan cũng phủ nhận.

Cũng như nhiều bị cáo khác, tỷ phú Hong Kong Chu Lập Cơ (chồng bà Lan, bị truy tố ở khung hình phạt 10-20 năm tù) khai đã ý thức được hành vi sai phạm khi làm việc với cơ quan điều tra. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT nắm giữ 99,26% cổ phần của Công ty cổ phần Times Square Việt Nam - một trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông đã hai lần ký văn bản (năm 2012 và 2017) đồng ý cho vợ mượn Tòa nhà Times Square "nhằm cấu trúc lại SCB". Tuy nhiên, ông không biết việc vợ sử dụng tài sản này để thế chấp cho nhiều khoản vay trái phép dẫn đến gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng cho SCB. Ông đồng ý thông qua con gái, sử dụng các tài sản của gia đình để khắc phục hậu quả vụ án.

 

  Một số bị cáo ở cuối khu vực liên thông. (Ảnh: Thanh Tùng).

Là cháu ruột của bà Lan, Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị truy tố ở khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình) cũng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập và sử dụng 52 công ty "ma", 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay tại SCB. Bị cáo đã giúp bà Lan chiếm đoạt gần 1.100 tỷ đồng.

Vân khai, ngoài là cháu ruột còn được bà Lan nhận là con; sống với bà từ nhỏ, được cho ăn học, làm việc... nên làm theo chỉ đạo của bà với "lòng tin tưởng tuyệt đối". Bị cáo thừa nhận biết cô ruột là chủ thực sự của SCB, chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng này.

Với loạt tội danh bị truy tố, bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án bị đưa ra xét xử ở khung hình phạt từ 7 đến 20 năm, tù chung thân, hoặc tử hình. Trong đó, bị cáo Lan và 12 bị cáo thuộc nhóm tội Tham ô tài sản (hơn 304.000 tỷ đồng) đối diện khung hình phạt 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo cáo buộc, đến năm 2022, nhóm của bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó, bà Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB tổng cộng 498.000 tỷ đồng gồm gốc và lãi từ năm 2012 đến 2022.

Quá trình xét xử, bà Lan đề nghị tòa xem xét lại số tiền thiệt hại trong vụ án; đồng ý đưa toàn bộ tài sản của gia đình vào khắc phục hậu quả vụ án, song muốn được định giá lại toàn bộ tài sản đang bị kê biên vì cho là "quá thấp".

Trong khi đó, đại diện SCB không đồng ý việc các cơ quan tố tụng xác định tổng số tiền thiệt hại mà bà Lan và đồng phạm gây ra cho ngân hàng là 498.000 tỷ đồng. SCB đề nghị HĐXX xác định bà Lan và các bị cáo phải bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (xử sơ thẩm) là hơn 760.000 tỷ đồng (hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỷ đồng lãi) và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.

Những tài sản khắc phục hậu quả

Ngoài hình phạt tù đối với các bị cáo, VKS cũng đưa ra quan điểm giải quyết số tài sản "khổng lồ" mà cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, để khắc phục hậu quả.

Có tổng cộng 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Lan, bao gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5...; 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh) liên quan tới thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu; 857 triệu cổ phần của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ tại SCB; hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô...

Gần 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD của bà Lan, Trương Huệ Vân; 14,5 triệu USD bà Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư; hơn 100 tỷ đồng nhóm cán bộ thanh tra nhận hối lộ...

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng - một phần trị giá trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ.

Nhà chức trách cũng phong tỏa gần 2.000 tỷ đồng, gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

 

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.