Vốn chủ sở hữu của Hòa Bình giảm hơn 1.400 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trượt xa kế hoạch

Năm 2022, Hòa Bình báo lỗ sau thuế 1.141 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm như lo lắng của cổ đông. Khoản lỗ trên cũng kéo theo vốn chủ sở hữu của Hòa Bình tại cuối năm 2022 giảm hơn 1.400 tỷ đồng.

“Trượt” kế hoạch kinh doanh năm như lo lắng của cổ đông

Trong báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa công bố, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 3.218 tỷ đồng, với việc kinh doanh dưới giá vốn, công ty báo lỗ gộp 426 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 256,6 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính trong kỳ của công ty âm 112,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 24,2 tỷ đồng, do doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ 116,7 tỷ đồng từ bán các khoản đầu tư.

Cùng với đó, chi phí lãi vay tăng cao cũng kéo theo chi phí tài chính của công ty tăng 112%, đạt 164 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 230%, đạt 496 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 358,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này ở mức 23 tỷ đồng.

Kết quả, Hòa Bình báo lỗ sau thuế quý IV/2022 hơn 1.202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 19 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 24% so với năm 2021, đạt 14.123 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.141 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 97 tỷ đồng.

 KQKD năm 2022 của Hòa Bình. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp).

Năm 2022, Hòa Bình đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, tăng 261% so với kết quả năm 2021. Như vậy, đối chiếu với kết quả trên, công ty đã không thực hiện được mục tiêu lợi nhuận năm.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra vào cuối tháng 4/2022, cổ đông công ty từng lo ngại về việc “trượt” kế hoạch kinh doanh năm.

Khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty ông Lê Viết Hải từng khẳng định: “Tôi xin khẳng định sự quyết tâm, ý chí của nội bộ Tập đoàn đối với quyết định đầu tư ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu chiến lược mà HĐQT đề ra là sau 10 năm phải đạt được doanh thu 437.000 tỷ đồng, lãi 21.800 tỷ đồng. Con số này là căn cứ vào doanh thu 2021 nhân lên 25 lần.

Kết quả kinh doanh của công ty trong quá khứ 5 năm tăng 5 lần. Trong quá khứ đã như vậy thì tại sao trong tương lai không phát triển được như vậy. Sau khi mổ sẻ kỹ thì chúng tôi thấy đây là một kế hoạch khả thi”.

Vốn chủ sở hữu giảm hơn 1.400 tỷ đồng

Xét về dòng tiền của Hòa Bình, khoản lỗ trên cũng kéo theo dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 884,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước dương 612 tỷ đồng.

Bên cạnh đó dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 613,9 tỷ đồng, con số này ở kỳ trước âm 101,5 tỷ đồng, do tăng tiền chi mua, xây dựng tài sản cố định và các tài sản khác cũng như tăng tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Ngược lại, nhờ tăng hơn 978 tỷ đồng tiền thu từ đi vay cũng như ghi nhận thêm 257,6 tỷ đồng tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp chủ sở hữu nên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty dương hơn 1.218 tỷ đồng, cùng kỳ âm hơn 20 tỷ đồng.

Do các yếu tố trên, dòng tiền thuần trong kỳ của công ty âm 240,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 490,3 tỷ đồng.

Tổng tài sản tính tới cuối quý IV/2022, của Hòa Bình tăng nhẹ so với đầu năm, đạt 16.926 tỷ đồng, chiếm hơn 71,5% tổng tài sản của công ty là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 12.110 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, chủ yếu do tăng các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng (đạt 6.773 tỷ đồng) và tăng khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (đạt 3.661 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, giá trị lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này âm gần 1.144 tỷ đồng kéo theo vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2022 của Hòa Bình giảm 35% (tương đương 1.414 tỷ đồng), còn 2.643 tỷ đồng. 

Tổng nợ tài chính tính tới cuối quý IV/2022 của công ty tăng 20,3%, đạt 6.132 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu, phần lớn do tăng 671,7 tỷ đồng khoản vay dài hạn từ trái phiếu.

 Danh mục trái phiếu của Hòa Bình tính tới cuối quý IV/2022. (Nguồn: BCTC doanh nghiệp).

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.