VSIP kinh doanh ra sao trong 6 tháng đầu năm?

6 tháng đầu năm nay, VSIP báo lãi sau thuế 442,3 tỷ đồng, tương đương giảm 55,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính của doanh nghiệp, theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 442,3 tỷ đồng, tương đương giảm 55,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp cũng giảm từ 7,45% ở kỳ trước về mức 3,13%.

LNST của VSIP từ năm 2021 - 6T/2023. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC DN). 

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của VSIP đạt mức 24.478 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng giảm 3,5% còn 14.149 tỷ đồng.

Xét về tổng nợ phải trả của doanh nghiệp, tại thời điểm cuối quý II, VSIP ghi nhận 10.329 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 5% so với đầu năm, qua đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 0,67 ở đầu năm lên 0,73.

Trong tổng nợ phải trả, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp đạt 990 tỷ đồng, tương đương giảm gần 4% so với đầu năm.

 Tình hình tài sản - nguồn vốn của VSIP từ năm 2021 - 6T/2023. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC DN). 

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX), VSIP hiện đang có 1 lô trái phiếu mã VJCH2128001 đang lưu hành với tổng giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu là 7 năm, ngày phát hành là 20/7/2021, ngày đáo hạn là 20/7/2028, lãi suất cố định của trái phiếu là 9%/năm.

VSIP cho biết, toàn bộ số tiền của đợt phát hành trên sẽ được đơn vị dùng để đầu tư vào các dự án VSIP III - Bình Dương, VSIP Nghệ An và tăng quy mô hoạt động vốn cho doanh nghiệp.

Cập nhật tới cuối tháng 3/2022, doanh nghiệp đã hoàn thành giải ngân vốn cho các mục đích trên.

Nói thêm thông tin về doanh nghiệp, VSIP là công ty liên doanh giữa Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) và Tập đoàn Sembcorp Industrial Parks của Singapore, với mục đích hoạt động là xây dựng và phát triển khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. 

Đến nay, VSIP đã có 14 khu công nghiệp hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô 11.000 ha. 

Ngày 29/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore đã tham dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore. Tại buổi làm việc, hai bên đã công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại nhiều địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao cho đại diện VSIP quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án VSIP mới gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận.

Hai Thủ tướng cũng đã thực hiện nghi thức khởi công các dự án mới của VSIP gồm VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) và khu công nghiệp VSIP Thái Bình, do VSIP làm nhà đầu tư.  

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.