Liên quan đến sự việc bà Nguyễn Thị Nga (SN 19/7/1976 tại Thái Nguyên) – Thẩm phán TAND TP Thái Nguyên sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo quan điểm của Luật sư Cường, đây là một vụ việc khiến dư luận quan tâm bởi chất lượng của thẩm phán sẽ quyết định tới tính đúng đắn của các bản án, quyết định của tòa án khi thẩm phán đó tham gia xét xử các vụ án hình sự dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại...
Để giải quyết hậu quả pháp lý thì trước tiên cần có những căn cứ để xác định bằng tốt nghiệp THPT mà việc cán bộ khi sử dụng là bằng giả hay thật. Nếu ở trường học phổ thông nơi cấp bằng tốt nghiệp đó không có hồ sơ gốc, không thể hiện là người được cấp bằng tốt nghiệp đó đã được đào tạo tại ngôi trường này, đồng thời kết luận giám định của phòng kĩ thuật hình sự công an cấp tỉnh xác định chữ ký và con dấu trong bằng tốt nghiệp đó không phải là "ký và đóng trực tiếp"... thì khi đó có đủ căn cứ để xác định bằng tốt nghiệp của vị cán bộ đó là giả mạo.
Thông thường một thẩm phán tòa án thì sẽ đồng thời là công chức, đảng viên, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định pháp luật. Vì vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định với cán bộ đó đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để được học tập làm việc, bổ nhiệm thì người này sẽ bị xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật theo luật công chức (cách chức) và phải chịu trách nhiệm pháp lý trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành.
TAND TP Thái Nguyên (Nguồn: Internet) |
Bộ luật hình sự hiện hành quy định:
Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Như vậy, BLHS quy định hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan tổ chức để lừa dối cơ quan chức năng đều bị xử lý về một tội là tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại điều 267 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên việc xử lý hình sự hay không, xử lý với ai thì cần phải điều tra xem xét kỹ lưỡng. Nếu có căn cứ xác định có người đã làm là tài liệu còn dấu tao bằng tốt nghiệp THPT đó thì người làm giả tài liệu này sẽ bị xử lý về tội làm ra tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, những người giúp sức, xúi giục, chủ mưu trong việc này đều bị xem xét xử lý việc cùng một tội danh.
Còn đối với người có tên trong giấy tờ giả thì chỉ bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 267 BLHS nếu có căn cứ chứng minh là người này biết rõ đó là tài liệu giả nhưng vẫn cố ý "sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng". Vụ việc này cần phải tiếp tục xác minh, làm đó để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỉ luật đối với công chức, hành vi sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ không hợp pháp tùy theo mục đích sử dụng để làm gì (để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức; hay sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; được dự thi nâng ngạch công chức; hay sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị) thì sẽ có hình thức kỷ luật tương ứng, có thể bị cảnh cáo, cách chức hay buộc thôi việc.
Như tin đã đưa, TAND TP Thái Nguyên nhận được đơn thư tố cáo bà Nga đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, ông Nguyễn Văn Chung – Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và trường Đại học Luật Hà Nội thông báo về vụ việc này.
Trả lời về chuyện có hay không bà Nga đã đỗ tốt nghiệp Trường THPT Đồng Hỷ, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên khẳng định năm 1994 bà Nga đã thi trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đến ngày 7/9, ông Lê Tiến Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội kiêm Thứ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 2673/QĐ-ĐHLHN thu hồi bằng tốt nghiệp Đại học số hiệu B36704 hệ chính quy, chuyên ngành Tư Pháp, hạng Trung Bình đối với bà Nguyễn Thị Nga.