Những bức ảnh LGBT từ hàng trăm năm qua: Đồng tính chưa bao giờ là bệnh và thời nào cũng có cả | |
Đừng để kiến thức LGBT là sự xa lạ với trường học |
Buổi trưa ngày hôm ấy, tôi nhận được cuộc điện thoại của một chàng trai đến từ Sài Gòn. Với âm giọng đang vỡ, chàng trai ấy tự xưng là Thế Anh. Thế Anh đã bắt đầu ngỏ lời với tôi bằng rất nhiều câu hỏi đầy trăn trở: “Chị ơi, làm thế nào để mẹ có thể chấp nhận em là con trai. Mẹ em không hiểu và cho rằng người chuyển giới là ăn chơi, đua đòi.”
Có lẽ, đã phải trải qua rất nhiều cách thuyết phục mẹ. Có lẽ, đang ở trong một trạng thái rất rối bời, cảm giác như tuyệt vọng rơi xuống vực thẳm, chàng trai ấy mới “đường cùng” tìm đến câu trả lời cho bài toán của mình khi gọi đến tôi… một người xa lạ.
Phải rất lâu sau, Thế Anh mới đủ bình tĩnh để kể lại cho tôi nghe về cuộc đời “đơn phương độc mã” trên hành trình tự tìm lại mình, tự khẳng định vị thế của mình trong xã hội, tự tin bước lên bằng cả mồ hôi và những giọt nước mắt.
Chàng trai chuyển giới Thế Anh. |
Thế Anh giới thiệu ngắn gọn về cuộc đời mình, sinh năm 1995, quê ở Quảng Trị, là một chuyển giới nam. Thế Anh kể cho tôi nghe về hành trình mà em tự nhận ra “mình không hoàn toàn giống các bạn cùng trang lứa”.
“Ngày còn nhỏ, vì ba thích con trai nên em từ một đứa con gái bỗng “bất đắc dĩ” trở thành cậu con trai của ba. Ba thường mua quần áo con trai về cho em mặc, mua đồ chơi con trai cho em chơi và tự định hình “em là con trai”. Bản thân em từ nhỏ cũng luôn nghĩ mình là con trai. Và tóc em chưa bao giờ dài quá ngang vai, lúc nào cũng ngắn ngủi y như các bạn con trai cùng lứa.
Thế Anh từ nhỏ đã được cha mặc định như một cậu con trai. |
Khi học lớp 12, em bắt đầu có cảm xúc với bạn gái. Cảm giác ấy khó tả lắm. Em thấy tim mình đập liên hồi, em run đến nỗi khó nói, khó đi khi nhìn thấy hình ảnh của bạn nữ đó. Cảm giác dằn vặt trong người liên tục xuất hiện trong đầu. Em luôn cảm nhận mình là con trai nhưng vẫn ý thức được mình được cha mẹ ban cho hình hài là con gái. Ở thời điểm đó, em chưa biết chuyển giới là gì?
Em chỉ biết “em là con gái sinh học và đi thích con gái”. Em sợ các bạn trong lớp nghĩ em bệnh hoạn. Em sợ… chỉ dám về nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con thích con gái!”.
Đến khi lớn lên, em mới hiểu được, mình là người chuyển giới nam. Em đã thú nhận với mẹ tất cả. Ban đầu, mẹ phản ứng rất dữ. Sau đó, mẹ chỉ nói:‘Con không được thay đổi gì với hình hài bố mẹ cho, dù con thích con gái cũng được.’”
Trong tiếng giọng khàn khàn, chàng trai Quảng Trị kể cho tôi về những tháng ngày em phải “đơn độc” tự sống, tự vươn lên: "Vì mẹ em đã cố gắng rất nhiều. Năm vào Đà Nẵng theo học, em đã vừa làm vừa học. Để có thể trang trải cho cuộc sống, em đã làm việc không hề quản ngại khó khăn. Năm thứ 2, em quyết định bỏ đi học nghề vì em không hề muốn theo đuổi những kiến thức viển vông.
Thi thoảng mẹ mới về thăm em một lần trong 2 năm. Rồi, em tự xin việc vào một công ty để làm. Em biết nếu em không chứng minh được bản thân mình, em chỉ làm mẹ buồn. Em cố gắng rất nhiều và trở thành trưởng phòng kinh doanh được sếp và đồng nghiệp tín nhiệm.
Ngày trở vào Sài Gòn tiếp tục phát triển sự nghiệp, em vẫn giữ quan điểm phải “cố gắng hết mình”.
Thế Anh muốn chứng minh với mẹ mình đã trưởng thành và bước đi đúng đắn. |
Nhưng…
Khi em giới thiệu người yêu với mẹ, nói với mẹ đang ở Sài Gòn làm thì mẹ bảo: “Em hư hỏng. Em chơi bời.” Mẹ nói em rất nhiều, mẹ không thể chấp nhận em như bây giờ. Mẹ nghĩ em đã bị người xấu tha hóa. Mẹ nhắn tin bảo: “Con hãy quay trở lại như ngày xưa”.
Em đã buồn và khóc. Nếu mẹ không chấp nhận em thì em không biết phải làm sao… vì cuộc đời này em sống không chỉ sống cho mình mà muốn mẹ không bao giờ thất vọng về mình.”
Phải rất lâu sau đó, Thế Anh mới đủ bình tĩnh để nói hết những suy nghĩ của mình với tôi. Em muốn nói rất nhiều về quãng thời gian đơn độc một mình tự kiếm sống nơi đất khách quê người. Em muốn kể về ngày tháng nhớ mẹ… Nhưng em không muốn mẹ buồn, tự trách mình vì đã rời xa em vì miếng cơm manh áo. Em nói, em chỉ mong mẹ hiểu em đã cố gắng và chọn một con đường đi đúng.
Chàng trai trẻ mong muốn mở một salon cắt tóc và dạy nghề miễn phí cho người cùng giới. |
“Ngày em nói với mẹ có người yêu, mẹ chỉ dặn dò từ nơi xa: “Con phải có công việc ổn đinh, phải nuôi được mình. Nếu người yêu bỏ đi, con còn đứng được lên.” Giờ đây, mẹ cứ khóc và áp đặt suy nghĩ rằng: “Em chơi bời lêu lổng.” Mẹ ở xa nên cứ nghĩ giới tính, tình yêu, công việc của em là “sai”, là cái gì đó rất xấu. Mẹ đâu biết rằng, em đã vượt qua rất nhiều để cố gắng chứng tỏ mình với xã hội. “
Cả một cuộc điện thoại kéo dài, chàng trai ấy nhắc đi nhắc lại một câu nói khiến tôi nhớ mãi: “Em phải làm thế nào để mẹ hiểu và ủng hộ em”. Câu nói ấy là nỗi lòng trăn trở của rất nhiều bạn LGBT. Câu nói ấy là lời khát khao cháy bỏng từ trong trái tim của những người LGBT “mong mãi mãi là đứa con bé bỏng được cha mẹ nâng niu, yêu thương như những ngày còn bé”. Họ có thể sẵn sàng chấp nhận sự xa lánh của xã hội nhưng họ không bao giờ muốn đối mặt với sự “bỏ rơi” của cha mẹ. Chỉ cần cái gật đầu đồng ý, nụ cười hạnh phúc của cha mẹ thì những đứa con LGBT mãi mãi cảm thấy mãn nguyện khi sinh ra trên cõi đời này.
Trước khi cuộc điện thoại kết thúc, chàng trai ấy có nói với tôi rằng: “Em sẽ không nhắc với mẹ chuyện tình yêu nữa, em sẽ khẳng định mình trước. Sang năm tới, em sẽ mở một salon tóc và nhận dạy miễn phí cho các bạn LGBT. Em sẽ tiếp tục kiếm tiền và khẳng định mình. Em muốn mẹ hãy thương và ủng hộ em như ngày còn nhỏ.”
*XEM THÊM*
Chuyện tình 'nhận lời yêu trước đợi có tình cảm sau' của cặp đồng tính nữ