Xót xa nông dân cắt hoa đem đi đốt

Ba ngày qua, nhiều nông hộ tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), nơi chuyên canh hoa hồng lớn nhất cả nước, nhận được thông báo tạm ngừng thu mua loại hoa này từ các chủ vựa kinh doanh hoa, do thị trường tiêu thụ gần như đã “đóng băng”.
Xót xa nông dân cắt hoa đem đi đốt - Ảnh 1.

Hoa hồng tươi rói bị đem đốt vì không tiêu thụ được.

Sau gần 1 tuần tích trữ hàng nghìn bông hồng tươi rói trong kho lạnh, ngày 29/3, anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ một đầu mối lớn chuyên thu mua hoa tại huyện Lạc Dương buộc phải cho người mở kho, đem tất cả số hoa tích trữ trên đi tiêu hủy, tắt máy làm lạnh để giảm chi phí sử dụng điện.

Một tuần trước đó, giá hoa hồng các loại tại huyện Lạc Dương xuống rất thấp, chỉ từ 300-500 đồng/bông. Để chia sẻ với người trồng hoa trong lúc khó khăn, dù thị trường tiêu thụ lúc này đã rất chậm, anh Mạnh vẫn duy trì mua hàng nghìn bông hồng rồi trữ vào kho lạnh, chờ ngày thị trường bình ổn là đưa hàng đi TP HCM tiêu thụ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hoành hành, diễn biến phức tạp và tiếp tục kéo dài, thị trường hoa ngày càng ế ẩm, từ vài ngày qua gần như đã “đóng băng”.

Xót xa nông dân cắt hoa đem đi đốt - Ảnh 2.

Hoa hồng bị ném ra đống rác.

Chủ các vựa hoa lớn như gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, nhiều loại hoa không thể xuất đi được. “Chưa biết thị trường tiêu thụ hoa ngày nào mới bình ổn trở lại, nếu cứ trữ trong kho hoa sẽ bị hư, chi phí vận hành kho sẽ tăng do tiêu thụ rất nhiều điện!..”, anh Mạnh chia sẻ.

Cũng theo anh Mạnh, hiện nay người dân đang có tâm lí dự trữ các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu về ăn, uống và hạn chế ra ngoài. Rất ít người còn giữ được thú chơi hoa như thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh Covid-19. 

“Bình thường, việc cưới xin, hội nghị, khai trương, hiếu hỉ... là những sự kiện tiêu thụ hoa rất lớn thì nay các sự kiện này cũng đã tạm dừng!..”, anh Mạnh nói.

Xót xa nông dân cắt hoa đem đi đốt - Ảnh 3.

Một đống hoa hồng các loại bị người dân ném bên đường tại thị trấn Lạc Dương để tiêu hủy.

Ông Nguyễn Văn Bình, ngụ tại thị trấn Lạc Dương, có hơn 3.000m2 hoa hồng, cho biết nhiều tuần qua, giá hoa hồng xuống rất thấp, các đầu mối chỉ mua hoa loại 1 với giá 300 - 500 đồng/bông, nhưng với số lượng rất hạn chế. Ngày 28/3, gia đình ông Bình và nhiều hộ khác nhận được thông báo của chủ vựa hoa tạm ngừng thu mua loại hoa này. 

Theo ông Bình, không ít nông hộ tại huyện Lạc Dương cắt hoa gửi xuống các chợ đầu mối tại TP HCM bán dưới dạng kí gửi hầu hết đều bị trả về, do thị trường không tiêu thụ được.

Để vớt vát phần nào, vài ngày qua, nhiều gia đình đã đem hoa ra TP Đà Lạt bán dạo bên vỉa hè với giá lẻ 1.000 đồng/bông, nhưng lượng hoa bán được không nhiều. Thị trường hoa ế ẩm trong mùa dịch Covid-19 đã đẩy hàng trăm gia đình tại huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt đang vào cảnh khó khăn.

Xót xa nông dân cắt hoa đem đi đốt - Ảnh 4.

Cảnh đổ bỏ hoa xảy ra nhiều nơi ở huyện Lạc Dương.

Chiều 29/3, tại một số vùng trồng hoa hồng ở thị trấn Lạc Dương, người dân đã đem hoa ra đốt hoặc ném bỏ tại bãi rác, vì các đầu mối đã tạm ngừng thu mua. Nhiều loại hoa khác như hoa cúc, lily, đồng tiền... vài ngày qua cũng đã bắt đầu lâm vào tình trạng ế ẩm, rất khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên thu mua, vận chuyển hoa Đà Lạt đi TP HCM, Lào và Campuchia tiêu thụ, cho biết hiện doanh nghiệp này không thể xuất khẩu hoa sang Lào và Campuchia, do dịch Covid-19 khiến các nước thắt chặt quản lí cửa khẩu, không thể thông quan. Ở trong nước, lượng tiêu thụ hoa đã giảm ít nhất 80% so với tháng trước, và có nguy cơ sẽ tiếp tục giảm nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành và lan rộng.

Doanh nghiệp của ông Toản cũng vừa tiêu hủy hàng nghìn bông hoa do trữ trong kho lạnh quá lâu mà chưa tiêu thụ được.


chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.