Sự thoái trào của nhạc “quái tính” – xu hướng tất yếu?
Năm 2002, Hà Trần gần như được coi là một trong những ca sỹ Việt tiên phong của dòng nhạc thể nghiệm với album "Nhật thực". Có thể nói, "Nhật Thực" như một cú hích lớn trong trong showbiz Việt thời bấy giờ, mang đến cho nhạc Việt một luồng gió hoàn toàn mới từ ca từ, giai điệu, phong cách hòa âm phối khí đến cả cách trình diễn. Sự kết hợp của bốn cá tính trong mạnh mẽ trong nghệ thuật : Ngọc Đại – Đỗ Bảo – Hà Trần – Vi Thùy Linh, đã tạo ra một sản phẩm âm nhạc gần như chư hề có trước đó, vừa mang màu sắc tự do phóng khoáng của Indie Pop, vừa đậm màu sắc tâm linh ma mị, với sự kết hợp hoàn hảo của âm nhạc điện tử và dân gian đương đại.
| |
Bìa album "Nhật Thực" của Hà Trần. |
Thành công ngoài mong đợi của "Nhật Thực" đã gây nên một hiệu ứng mạnh mẽ trong công chúng, mở ra một thời kì mới với những cái nhìn cởi mở và tự do hơn trong âm nhạc. Rồi từ đó, như một hiệu ứng tất yếu, thị trường âm nhạc đón nhận hàng loạt những sản phẩm âm nhạc mang tính chất thể nghiệm khác.
Những cá tính âm nhạc nổi trội của nhạc Việt gần như đã đồng loạt xuất hiện trong giai đoạn này như: Tùng Dương, Lê Minh Sơn, Linh Dung, Mai Khôi… cùng những sản phẩm âm nhạc rất “quái”, rất “độc” bởi những quãng hòa thanh trúc trắc, lời ca nhiều tầng nghĩa và những cách biểu diễn cũng vô cùng khác lạ. Nhạc Việt như đạt đến đỉnh cao, “dám chơi, dám chịu” của những thể nghiệm và sáng tạo vượt bậc. Nhiều sản phẩm âm nhạc đỉnh cao cũng xuất hiện và ghi dấu trong giai đoạn này như: "Đường xa vạn dặm" của Quốc Trung, "Khu vườn yên tĩnh" của Hồng Nhung…
Tuy nhiên, trong nghệ thuật, để tạo ra những điều “dị biệt” thì đòi hỏi phải có cá tính mạnh mẽ, tư duy và thẩm mỹ âm nhạc vượt lên khỏi đám đông, với cái “điên” từ bản chất, không phải tỏ ra “điên” hay cố để khoác cho được cái vỏ “dị biệt”. Điều đó đồng nghĩa với việc không phải sản phẩm âm nhạc thể nghiệm nào cũng được đánh giá cao, ngoài ra những sản phẩm na ná như vậy thì rất nhiều.
Dần dần, khán giả bị “bội thực” với quá nhiều những sự “gống mình” để “lạ”, để “độc” của nhiều nghệ sỹ, vàthực tế, những gương mặt thực sự ghi dấu ấn lại thì không nhiều.
Thoái trào
Năm 2004, Ngọc Đại dấn bước làm Nhật Thực 2, tuy nhiên phản ứng của dư luận là khá rụt rè và chương trình không có được thành công như mong đợi. Tới 2010, Ngọc Đại có sự xuất hiện trở lại cùng Đại Lâm Linh với những ca khúc nhạc thể nghiệm thuộc hàng “dị biệt” nhất của làng nhạc Việt lúc bấy giờ.
Việc sử dụng những âm thanh, những tiếng hú hút, thể nghiệm “quãng tam cung” bị cho là đầy ma quái và nhục dục khiến cho khán giả Việt gần như “lên đồng” bởi những tò mò, thích thú, pha lẫn sợ hãi và e dè. Tuy nhiên, những dự án âm nhạc với Đại Lâm Linh như là dấu son cuối cùng cho sự nghiệp âm nhạc của Ngọc Đại, những lần sau này sự xuất hiện của ông luôn kèm theo những thị phi và sự xuống dốc cả về âm nhạc lẫn sức khỏe.
Nhóm Đại Lâm Linh biểu diễn gây tranh cãi trên sân khấu Bài hát Việt. |
Không nằm ngoài sự thoái trào đó, một trong những sản phẩm mới đây nhất là “Bản nguyên” của Trần Thu Hà, dù được đầu tư công phu về chất lượng âm nhạc, truyền thông nâng đỡ nhiều nhưng album vẫn không tạo được thành công như mong đợi. Đến “Bóng tối Jazz” của cô cùng Tùng Dương, Giáng Sol thì có vẻ chiều tai khán giả hơn, nhưng sức lan tỏa cũng không được mạnh mẽ đúng như kì vọng.
Giai đoạn đầu những năm 2000 cho đến nay cũng là giai đoạn đánh dấu sự đi xuống của Rock Việt, những đêm nhạc hầm hố với những gào thét, cuồng nhiệt cũng thưa thớt dần, thay vào đó người ta hướng đến những dòng nhạc gần gũi hơn, dung dị hơn. Cùng với đó là những sự trỗi dậy của Bolero, nhạc tình, nhạc xưa… buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi lớn, phải chăng âm nhạc đang ở trong giai đoạn chuyển mình tất yếu để có những bước tiến mới?
Khán giả đói khát những điều bình dị và những người tiên phong mới
Trong guồng quay không mệt mỏi của xã hội nói chung và nghệ thuật nói riêng, một sự việc khi đạt đến tầm bão hòa, thì sẽ dần bị thoái trào, và âm nhạc không nằm ngoài cái guồng tất yếu đó.
Khi mà cuộc sống đang đầy rẫy những sự mỏi mệt, những áp lực thì ta bắt đầu mong mỏi những sản phẩm giải trí mang tính tính cực, bình an và gần gũi với cuộc sống hơn, thay vì những sản phẩm nghệ thuật cá tính đến mức dị biệt như trước.
Để nói về những hiện tượng thành công của showbiz Việt những năm gần đây, không thể kể đến Lê Cát Trọng Lý. Năm 2008, Lý xuất hiện như cơn mưa trong trẻo vàsâu lắng giữa lúc âm nhạc Việt đang bão hòa những sự ồn ào, nổi loạn. Nhạc của Lý rơi trúng điểm rơi với những điều mà khán giả đang khát: Sự tĩnh tại, sự độc lập, cái sâu lắng trong trẻo, cái “chậm” của Thiền.
Lê Cát Trọng Lý được yêu thích bởi phong cách âm nhạc đơn giản nhưng sâu sắc, nhiều triết lí. |
Có thể thấy, xu hướng mới của nhạc Việt, đó là sự giản đơn bình dị sẽ thay thế dần những phức tạp và cầu kì không cần thiết trong âm nhạc. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chấp nhận những điều dễ dãi và qua loa, mà chúng ta hãy “tối giản” nghệ thuật ở mức “chạm đến trái tim” khán giả, không cầu kì, không tô vẽ. Như trong một buổi phỏng vấn, Lê Cát Trọng Lý đã nói :“Khi bạn sáng tác và làm nhạc, nếu nhạc của bạn khó hiểu, thì đó là hạn chế của bạn, vì nó sẽ khó tiếp cận với công chúng hơn”.
Trong giới Underground, sự xuất hiện của những gương mặt Indie trẻ tuổi như Ngọt, như Thái Vũ… chúng ta sẽ thấy một thế hệ nghệ sỹ Underground trẻ tuổi, thanh lịch, văn minh, khiêm nhường và vừa phải, không bụi bặm, gai góc hay xăm trổ đầy mình như người ta vẫn liên tưởng đến của những nghệ sỹ Underground trước đây. Thế nhưng chính những sự giản dị, thanh lịch nhưng văn minh và hiện đại ấy của những nghệ sỹ trẻ đã chính phục trái tim khán giả.
Hay như trong một gameshow âm nhạc thu hút được khá nhiều tài năng âm nhạc trẻ là Sing my song, thì hai ca khúc được gần như được lan tỏa mạnh nhất sau cuộc thi là “Đi đâu để thấy hoa bay” của Hoàng Dũng và “Ông bà tôi” của Lê Thiện Hiếu, với những nét giai diệu và cả ca từ rất dung dị, đơn sơ, cách phối nhạc hiện đại, mới mẻ nhưng rất dễ tiếp cận.
Trong Vpop, hàng loạt các nghệ sỹ bắt đầu tối giản hơn với các sản phẩm âm nhạc của mình, bằng những hòa thanh đơn giản hơn, cách hòa âm phối khí, dàn dựng hình ảnh cũng nhẹ nhàng, tinh tế hơn chứ không cố “gồng mình” như trước nữa.
Hà Anh Tuấn với See sing share đang thu hút được một lượng lớn khán giả, các nghệ sĩ khác cũng manh nha học theo nam ca sĩ này. |
Một trong những trường hợp thành công nhất có lẽ phải kể đến Hà Anh Tuấn. Nối tiếp thành công trong See sing share mùa 1, khán giả vừa đón nhận dự án See sing share mùa 2 của Hà Anh Tuấn với tất cả sự yêu thương nồng hậu. Có thể thấy, Hà Anh Tuấn luôn tự tạo được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả bằng việc nương theo thị hiếu của công chúng, nắm bắt một cách tinh tế và nhạy cảm những gì khán giả đang mong chờ, không nằm ngoài việc lựa cho khéo, cho vừa những gì mà Tuấn có.
Rồi một loạt các Hit đình đám được tìm kiếm rất nhiều như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của” Lê Cát Trọng Lý, “Hà nội 12 mùa hoa” của Giáng Sol.. . hay hàng loạt các ca khúc nhạc xưa được cover lại với lối đơn giản và tinh tế hơn đã phần nào minh chứng cho xu hướng của nhạc Việt đang nghiêng theo trào lưu tối giản hóa âm nhạc.
Chưa thể khẳng định những xu hướng mới là tốt hay xấu, tuy nhiên, với một thị trường âm nhạc đầy biến động, hi vọng khán giả Việt sẽ có sự chọn lọc kĩ lưỡng hơn và công bằng hơn với mỗi sản phẩm âm nhạc. Để công chúng không còn chỉ nghe nhạc bằng tai, mà còn nghe bằng mắt, nghe bằng sự hiểu biết và cả tâm hồn.
Lan Anh