Bà cụ từ thiện
Năm mươi năm qua, chân Cầu Ông Lãnh (quận 1, TP.HCM) luôn ghi dấu chân cụ bà Trần Thị Thành (70 tuổi). Người dân ở đây thường gọi bà với cái tên thân mật bà Thành bán chuối hay bà Thành từ thiện. Cái tên ấy đã “chết” với bà năm mươi năm qua.
Kể về cuộc sống của mình, bà cụ Thành cho biết, tôi ngồi ở cái góc này đến nay đã năm mươi năm rồi đấy. Bà vốn là người Bến Tre, cuộc sống ở quê nhà khốn khó, bà lên Sài Gòn mưu sinh, sau đó lập gia đình rồi sinh được hai người con. Các con của cụ nay đã trưởng thành, có gia đình riêng cả. Từ trước giải phóng, cụ đã đã gắn bó với công việc này từ lúc khu vực chợ Cầu Ông Lãnh sững sững trước mặt còn còn mang tên là Cầu Muối, sau mới đổi tên thành Cầu Ông Lãnh như hiện nay.
Năm nay bà đã 70 tuổi nhưng bà vẫn miệt mài hàng đêm với những nải chuối. Với chỉ những nải chuối đơn giản này, bà đã một mình gồng gánh các con của mình khôn lớn, thành người. Và đến khi con cái đã yên bề gia thất, bà lại làm để duy trì cuộc sống của mình và để không phải phụ thuộc vào con cái.
Tiền bán chuối bà cụ Thành dùng để giúp đỡ những trẻ em mồ côi |
Bà tâm sự: “Không phải là con cái mình không hiếu thảo, nhưng với tôi, làm việc từ hồi nào đến giờ thành quen rồi nên giờ bảo ở không nghỉ ngơi tôi không chịu được. Với tôi, còn đi được, còn lao động được thì phải tự kiếm tiền chứ không muốn phụ thuộc vào con cháu. Công nhận rằng, đi làm tuy có cực nhưng đó cũng là niềm vui, vì ngồi ở đây thường xuyên được nói chuyên với khách rồi nhìn dòng người qua lại trên đường cũng vui. Giờ mà ngồi một chỗ tuổi già cô đơn lắm cậu”.
Hình ảnh cụ già bảy mươi tuổi lầm lũi buổi chiều với những nải chuối tiêu góc chân cầu đã quá quen thuộc với bà con nơi đây. Thấy cụ bà tuổi đã xế chiều nhưng mỗi chiều tối lại dăm ba nải chuối đóng ở góc chân cầu, nhiều người qua đường cảm cảnh thương tình ủng hộ.
Từ lúc con cái an cư lạc nghiệp, cụ bôn ba với “nghề” không chỉ để mưu sinh mà còn có tiền để đi làm từ thiện, giúp đỡ các trẻ em mồ côi ở mái ấm Tre Xanh trên địa bàn quận 1. Tấm lòng của bà Thành bán chuối khó nghèo ai ai cũng biết. Thế nên, mọi người càng thương cảm với cụ và thi thoảng lại tới đây ủng hộ tấm lòng nhân ái của bà cụ.
Khi anh Thông vui vẻ chào bà cụ ra về, người viết hỏi: “Mỗi ngày bán chuối như vậy, cụ thu lại được bao nhiêu tiền ạ?”. Cụ Thành tươi cười: “Cũng tùy từng ngày cháu. Ngày nào may mắn bán được nhiều thì kiếm được 20.000-30.000 đồng. Ngày Rằm hay Lễ Tết có khi được cả 50.000 hay 70.000 đồng, nhưng cũng có ngày không bán được thì được khoảng 10.000”, cụ bà thật tâm.
Vất vả nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc
Để có đồng tiền giúp những cảnh đời bất hạnh, bà cụ Thành phải chắt chiu trong từng khoản sinh hoạt phí của mình. Muốn mua cái áo, manh quần hay những vật dụng cá nhân bà đều tằn tiện hoặc con cái giúp. Còn những đồng tiền kiếm được bà giành hết cho công việc từ thiện.
“Có đến những nơi đó anh mới thấy các cháu đáng thương lắm. Các em phần lớn bị cha mẹ bỏ lại, mỗi em đều có những hoàn cảnh đặc biệt, đáng thương. Đến đó, nhìn thấy các em, những cháu bé khôi ngô, tuấn tú, xinh xắn dễ thương lòng lại không cầm được cảm xúc. Đời đã để cho các em quá nhiều bất công, thiệt thòi, nên tôi thầm nghĩ làm được gì đó hữu ích, hỗ trợ cho các em thì nên làm và phải làm, vì đó là trách nhiệm của mình chứ không của riêng ai”, bà Thành chia sẻ.
Dù vất vả, sức khoẻ đã yếu nhưng bà cụ Thành luôn cảm thấy hạnh phúc với việc mình đang làm |
Mỗi lần đến mái ấm, gặp gỡ các cháu dễ thương và được các cháu gọi là “bà” một cách trìu mến, bà thấy cuộc đời ý nghĩa lắm. Bà đến vuốt tóc từng đứa và nói chuyện, tâm sự và an ủi chúng làm sao ý thức rèn luyện để sau này thành người có ích cho xã hội, không nên nhìn về bản thân mà có những tư tưởng bất mãn rồi sinh ra tệ nạn.
Vài ba chục ngàn mỗi ngày kiếm được từ việc bán chuối là không đủ, vì bà còn phải trả tiền thuê nhà và nhiều khoản sinh hoạt phí khác nên mỗi buổi sáng, bà lại đi khắp các con phố gần nhà lượm ve chai để kiếm thêm thu nhập. Bà Thành bảo rằng, mình già rồi ăn uống chẳng hết bao nhiêu nhưng các cháu ấy thì còn cần nhiều lắm.
Thấy công việc thiện tâm cụ Thành làm, nhiều người thấy thương cũng thường góp cho cụ khi là hộp cơm, khi là gạo, đường, bột ngọt để cụ chăm sóc bản thân. Bởi hằng ngày, dù đã già, cụ cũng chỉ lo chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, còn sức khỏe bản thân mình cụ lại chẳng màng đến. Những vật phẩm người ta biếu cụ, cụ cũng gom góp lại cùng với số tiền mình làm được cụ lại giành hết cho các em mồ côi.
Vì bản thân không có khả năng nên tâm nguyện lớn nhất của tôi là có những nhà hảo tâm sẽ rộng tay xây dựng những ngôi trường, những mái ấm để dung nạp và có nhiều thầy cô tình nguyện đến để chỉ dạy cho các trẻ mồ côi, để các cháu có điều kiện để đến trường đi học như bao đứa bạn cùng trang lứa.