Trong một buổi chiều Hà Nội chuyển mình bằng cơn gió mùa đầu Đông, một người nam bước lên lầu 2 với dáng đi có phần nữ tính. Dương Tú Anh – người tiền chuyển giới chia sẻ giai đoạn đấu tranh tâm lí trước khi thực hiện các phẫu thuật trên cơ thể. Hai giờ đồng hồ với những cuộc trò chuyện chẳng đầu nhưng kết thúc là ánh mắt đượm buồn của Tú Anh nhìn thẳng về hàng cây trước quán. Cô mở đầu câu chuyện bằng công việc hỗ trợ tư vấn tâm lí, xét nghiệm HIV cho nhóm người quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới tại Hà Nội. Với mức lương chỉ từ 4 – 5 triệu đồng/ tháng, Tú Anh lo cuộc sống gia đình, những nhu cầu của một nữ giới thông thường. Ở giai đoạn tiền chuyển giới, cô nàng 28 tuổi suy nghĩ nhiều về câu chuyện làm phẫu thuật hay không? Với cô, bước đường đó đã bước sẽ không thể quay đầu. Một người chuyển giới nữ phải trải qua các bước kiểm tra tâm lí, tiêm hoặc uống hóoc môn nữ nhằm giảm lượng tiết tố nam trong cơ thể, kiểm tra tâm lí lần 2 trước khi tiến hành phẫu thuật ngực, các bộ phận phụ trên cơ thể. Khi tất cả mọi thứ ổn định, bác sĩ yêu cầu gặp bệnh nhân để kiểm tra lần cuối trước khi thực hiện phẫu thuật bộ phận sinh dục. |
Quá trình đấu tranh tâm lí của người chuyển giới không chỉ là giai đoạn từ nhỏ cho đến trưởng thành. Ngay trong quá trình thực hiện phẫu thuật, họ vẫn còn những bức bối, lo ngại. |
Dương Tú Anh trong những bước đầu của hành trình tìm về bản ngã, khi mọi thứ vẫn ở hai ngã rẽ, cô thể hiện những mâu thuẫn trong suy nghĩ và tâm lí. “Nhiều người chuyển giới thực hiện phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục, họ hối hận vì cơ thể giảm tuổi thọ, gia đình chối bỏ, từ mặt con”, cô nàng sinh năm 1992 khắc khoải nói về những đấu tranh tâm lí của bản thân. Tưởng chừng những đấu tranh về giới và khao khát sống thật trong nhiều năm qua của Dương Tú Anh sẽ chiến thắng tất thẩy mọi rào cản cuộc đời. Nhưng với cô, điều khó khăn nhất là đối diện với bản ngã chính mình. Khi trái tim của người phụ nữ luôn khao khát sống với chính cơ thể, đấu tranh ngay cả khi cuộc đời bất công với mình. Nhưng lí trí mang nặng nghĩ suy, chồng chéo nỗi đau và rào cản gia đình, xã hội. Vì vậy, mọi thứ khiến Dương Tú Anh mắc kẹt trong cuộc đời của một Ladyboy – người có tâm hồn phụ nữ sống trong thân xác đàn ông. Dương Tú Anh nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi chứng kiến nhiều người chuyển giới phẫu thuật xong với những giằng xé và hối hạn. Khi đời sống tình dục không được thỏa mãn, gia đình không chấp nhận kéo theo những tổn hại về sức khỏe. Khát khao được làm phụ nữ lớn nhưng gia đình, cuộc sống chưa phải đã chiều lòng mình”. |
Khi nhắc về mẹ, đôi mắt cô nàng tiền chuyển giới trùng xuống như một nhắc nhở bản thân không được làm người thân buồn. Đối với Tú Anh, việc mẹ chấp nhận và thương con người thật của mình là điều may mắn. Vì vậy, việc chuyển giới là một cú sốc đối với bà. “Tôi đã nhìn thấy mẹ khóc quá nhiều lần và sẽ không muốn một lần nào để mẹ rơi nước mắt vì mình. Mẹ nào cũng lo cho con, chuyển giới sẽ kéo theo bệnh tật, giảm tuổi thọ, kinh tế có đủ duy trì thuốc đến cuối đời hay không?”, Dương Tú Anh nghẹn ngào nói về mẹ trong những ngày lo cho con. Ở tuổi này hay bất kì tuổi nào khác, những ám ảnh về sự kì thị của bạn bè, xã hội đối với Dương Tú Anh quá lớn. Đôi lúc cô vẫn nghĩ về những ngày tháng bị bắt nạt tại trường học, nhiều người hàng xóm bày tỏ ánh mắt hiếu kì với cuộc sống người chuyển giới nữ. |
Hành trình tìm về hạnh phúc của người chuyển giới không phải công khai, ăn mặc thành phụ nữ và làm một bộ ngực xinh xắn là sẽ hạnh phúc. Đối với Dương Tú Ánh, những vướng bận về gia đình và mặc cảm xã hội đương thời tồn tại trong suy nghĩ. Có thời điểm, cô mong muốn sống trong hình hài người phụ nữ, nhưng có lúc cô muốn dừng lại cuộc đời của một Ladyboy. Ngoài công việc tư vấn chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBTQI+, Dương Tú Anh quản lí nhóm người mẫu Venus Model bao gồm bốn cô nàng tiền chuyển giới cùng hai người đồng tính nam. Trong những dịp lễ tôn vinh người phụ nữ, cô cùng “hội chị em” tất bật biểu diễn, cùng nhau vui vẻ và dành thời gian cho gia đình. Nhiều năm trở lại đây, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình đã quan tâm tới Tú Anh trong những ngày tôn vinh phụ nữ. Mẹ cô hay nói vui: “Chúc mừng con gái vui vẻ, mãi hạnh phúc…”. Vẫn là hình ảnh thân nhân nhưng lòng cô cứ nhói lên từng cơn, bởi ngày hôm ấy, nghe được từ lòng mẹ tiếng thương con, yêu và chấp nhận bản ngã của cô. Ở giai đoạn tiền chuyển giới, Dương Tú Anh vẫn ấp ủ những dự định và mong muốn được sống với chính mình. Cô nói: “Trái tim đã mong muốn làm phụ nữ nhưng điều kiện tài chính, gia đình chưa cho phép”. Trưởng nhóm người mẫu Venus Model luôn tìm kiếm những nhà tài trợ, tổ chức giúp mình thực hiện mong muốn. Tại sao không tự thực hiện ước mơ bằng khoản tài chính hiện tại? Dương Tú Anh trả lời: “4 – 5 triệu một tháng đủ ăn là may lắm rồi. Mong ước chuyển giới chắc phải còn xa lắm”. Một phần lí do để cô tìm kiếm nhà tài trợ cho ước mơ của mình bởi muốn níu giữ tuổi thanh xuân và sắc trẻ người con gái. |
“Ai chẳng mơ ước sống trong thời hoàng kim của tuổi trẻ, khi người ta có thể lụa là, váy vóc với làn da căng mọng, ánh mắt không hằn vết thời gian”, Tú Anh nghẹn ngào tâm sự về mong ước thực hiện phẫu thuật chuyển giới ở tuổi còn trẻ. Ở ngưỡng cửa tuổi 30, Dương Tú Anh chưa tự tin về khả năng tài chính và những trách nhiệm về gia đình gánh vác trên vai. Với cô, mẹ vẫn là lựa chọn hàng đầu chứ không phải mong muốn bản thân. Cô đã tự hứa nhiều lần: “Sẽ không để mẹ khóc thêm một lần nào nữa”. Vì vậy, giấc mơ về một hình hài mới cứ ở lại, mặc thời gian tua nhanh hay xã hội ngày càng khắc nghiệt hơn với người chuyển giới. Giúp đỡ cộng đồng LGBTQI+ trong vấn đề sức khỏe, cô tìm thấy niềm vui trong công việc. Có những hoàn cảnh theo Dương Tú Anh nói: “Bạn có biết cảm giấc bất lực nhìn bạn bè, người trong cộng đồng không có được cuộc sống trọn vẹn. Khi tôi có một bệnh nhân nhiễm HIV, mẹ bạn ấy bỏ vào miền Nam sống, giấy tờ khai sinh chẳng có, tấm bằng học nghề dở dang… Đi làm chẳng cơ quan nào xác nhận. Bạn ấy cũng đang đối mặt với bệnh tật và những điều khó khăn khác hơn tôi”. Có một trường hợp khác về người chuyển giới khiến Dương Tú Anh luôn nêu cao trách nhiệm bản thân với cộng đồng LGBTQI+. Đó là người bạn cô quen vài năm, hằn trên cơ thể vết những đòn roi từ gia đình, cha nhốt lên phòng thờ tổ tiên để xám hối. Một lần trốn ra khỏi nhà, người bạn đó vào Sài Gòn, lang thang chẳng có tiền bạc. Dương Tú Anh nói thêm: “Người bạn đó giờ theo gánh hát lô tô trong Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi gọi điện hỏi bao giờ về Hà Nội. Bạn nói: Em không về đâu, em sợ lắm. Gia đình mà chối bỏ thì chẳng có nơi nào chấp nhận nổi mình. Ở đây là hạnh phúc rồi”. Bởi những bất công và định kiến của phần ít bộ phận trong xã hội đẩy người LGBTQI+ trong hoàn cảnh thương tâm nhất. Nhưng với họ, ý trí và khao khát sống thật sẽ chiến thắng tất cả khó khăn, áp đặt của người đời dành cho. 20/10 của những cô nàng trong gánh hát lô tô xuôi đường các tỉnh miền Tây hay người tiền chuyển giới như Tú Anh đều đặc biệt hơn. Bởi đâu đó, hàng triệu người phụ nữ Việt Nam vẫn được nhận lời chúc từ bố, chồng, bạn trai… với niềm chân thành và tình yêu lớn lao nhất. “Có chăng, lời chúc của người ta dành cho mình vẫn còn sự đắn đo, suy nghĩ có nên hay không? Như vậy đã phải là sự công nhận hay chưa”, Dương Tú Anh nghẹn ngào tâm sự. |