Các nhà đầu tư ngày càng thận trọng khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Theo báo cáo Triển vọng châu Á - Thái Bình Dương 2023 của JLL, khối lượng đầu tư bất động sản ở châu Á được dự báo sẽ giảm tới 10% trong năm.
Tuy nhiên, ông Roddy Allan, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho rằng bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nền kinh tế dự kiến sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, những người tham gia thị trường nên suy nghĩ xa hơn giai đoạn này để tận dụng các cơ hội ở phía trước.
Dưới đây là những thị trường/phân khúc được cho rằng sẽ hoạt động tốt hơn hết trong năm nay.
Một trong những lĩnh vực giành được sự ưu ái của các nhà đầu tư là lĩnh vực đa gia đình (multifamily - khu căn hộ cho thuê đa gia đình) của Nhật Bản. Phân khúc này nổi lên nhờ sự suy yếu của đồng Yên và lãi suất cực thấp.
Các giao dịch gần đây đã thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Nhật Bản. Đơn cử, Hines - nhà phát triển bất động sản của Mỹ đã mua 11 bất động sản đa gia đình vào tháng 12/2022. Thương vụ là một phần trong kế hoạch đạt giá trị tài sản 1 tỷ USD tại Nhật Bản trong vòng 3 - 5 năm của công ty này.
Hai tháng trước, công ty đầu tư bất động sản TE Capital Partners của Singapore cũng đã chính thức xác định thương vụ mua lại 16 khu nhà ở cho thuê ở Tokyo với giá 100 triệu USD".
Ông Sungmin Park, Giám đốc nghiên cứu thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết, các nhà đầu tư dự kiến sẽ đầu tư vào các danh mục đầu tư lớn ở Nhật Bản, nhiều cơ hội đầu tư hơn có thể xuất hiện trong năm.
Sự quan tâm đến lĩnh vực đa gia đình của Trung Quốc cũng đang tăng lên, đặc biệt là các dự án phố biến với giới rẻ.
Sherril Sheng, Giám đốc nghiên cứu tư vấn của JLL cho biết, các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đa gia đình. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty địa phương để mua lại các dự án chuyển đổi thành đa gia đình.
Tháng 9 năm ngoái, Brookfield đã mua lại một dự án căn hộ dịch vụ ở quận Yangpu của Thượng Hải với giá 180 triệu USD từ các nhà phát triển của Trung Quốc đang nợ nần chồng chất là Tập đoàn R&F Quảng Châu và Tập đoàn KWG Group Holdings.
Thượng Hải đã chứng kiến 15 giao dịch trong khối liên quan đến các dự án nhà ở cho thuê trị giá 938 triệu USD, tăng 265% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của JLL.
Bất chấp những cơn gió ngược đang gia tăng, nhu cầu bất động sản logistics được dự đoán sẽ vẫn ổn định trên khắp Trung Quốc Đại lục sau khi các hạn chế về Covid-19 được nới lỏng vào tháng 12/2022.
“Việc nới lỏng các hạn chế sẽ cho phép các cơ sở hậu cần hoạt động với công suất cao hơn và chắc chắn hơn về mức sản xuất trong tương lai. Việc mở cửa trở lại sẽ không chỉ giảm bớt tồn đọng chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu, mà còn giúp thu hút dòng vốn lớn hơn vào đất nước”, ông Peter Guevarra, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết.
Dấu hiệu cho thấy sự phục hồi và nhu cầu bền vững của ngành này đã xuất hiện. Theo Guevarra, tại Thượng Hải, các công ty 3PL, công ty thương mại điện tử và nhà bán lẻ đã tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, các nhà sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới cũng đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng về không gian hậu cần.
Theo dữ liệu của JLL, lĩnh vực hậu cần tại Úc sẽ tiếp tục củng cố triển vọng vững chắc trong 2023. Mặc dù áp lực về tỷ lệ trống đang gia tăng nhưng nhu cầu vẫn mạnh và tỷ lệ trống vẫn ở dưới mức trung bình trong dài hạn tại các thị trường trưởng thành.
“Những điều kiện thị trường này khiến các thành phố được yêu thích của Úc trở thành những thành phố có tốc độ tăng trưởng giá thuê hàng đầu vào năm 2023.
Việc thiếu nguồn cung cơ bản tại các không gian đắc địa ở các địa điểm chính như Sydney và Melbourne, cùng với áp lực lạm phát dự kiến sẽ gây áp lực tăng giá thuê trên toàn quốc”, ông Peter Guevarra nhận định.