5 cách làm đồ chơi Trung thu cho bé cực kỳ đơn giản 2022

Còn điều gì ý nghĩa hơn khi bé được nhận những món đồ chơi Trung thu do chính tay bố mẹ mình làm ra. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo ngay những cách làm đồ chơi Trung thu cho bé siêu đơn giản trong bài viết sau.

Mách bạn 5 cách làm đồ chơi Trung thu cho bé tại nhà 2022

Đèn lồng, mặt nạ, đũa thần,... đều là những món đồ chơi quá đỗi quen thuộc với các bé trong mỗi mùa Trung thu. Thay vì chọn mua đồ chơi sẵn cho các con, bố mẹ có thể thử tự tay chuẩn bị và làm nên những món quà đặc biệt này bằng những nguyên liệu đơn giản để dành tặng cho các bé con nhà mình. 

Cách làm đèn ông sao

Đèn ông sao là một loại lồng đèn rất phổ biến trong mỗi dịp Rằm tháng 8. Sự xuất hiện của những chiếc đèn ông sao như đang báo hiệu một mùa Tết Trung thu nữa lại về. Đây là một món đồ chơi truyền thống được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích và sử dụng để rước đèn phá cỗ cho mùa trăng tròn tháng 8 hàng năm.

Bố mẹ có thể tự tay làm những chiếc đèn ông sao cho bé ngay tại nhà với các nguyên liệu dễ kiếm và cách làm cực kỳ đơn giản. 

Vật liệu cần có:

- 5 que tre nhỏ dài 5cm

- 10 que tre nhỏ dài 25 – 30cm (có thể thay đổi chiều dài của que tre để làm đèn lớn hơn hay nhỏ hơn, các que cần phải bằng nhau để đèn cân xứng)

- Dây buộc hoặc thép buộc

- Giấy bóng kính nhiều màu

- Giấy màu trang trí

- Hồ dán, kéo

- Thanh que làm cán đèn

Chi phí dự kiến:

Chi phí chuẩn bị các loại nguyên liệu để làm 1 chiếc đèn ông sao rơi vào khoảng 20.000 - 30.000 đồng.

Cách làm chi tiết:

Bước 1: Tạo hình ngôi sao bằng cách xếp 5 que tre dài theo hình ngôi sao 5 cánh rồi dùng dây thép buộc cố định lại ở 5 đỉnh và phần ngũ giác ở giữa ngôi sao. Lặp lại các thao tác trên để tạo hình thêm một ngôi sao khác.

Bước 2: Chồng khít hai ngôi sao lên nhau rồi buộc lại thật chặt ở 5 đỉnh cho cố định lại, đảm bảo chúng không bị bung ra. 

Bước 3: Dựng 5 que tre ngắn vào trong 5 góc của hình ngũ giác ở giữa hai ngôi sao rồi buộc lại thật chắc để tạo khoảng phồng ở giữa. 

Bước 4: Dán giấy bóng kính bằng hồ dán hoặc keo vào hai bên mặt ngôi sao. Khi dán cần kéo giấy bóng kính thật căng, tránh để bị chùng giấy. Có thể dán mỗi cánh sao một màu khác nhau để đèn ông sao thêm phần sinh động. 

Bước 5: Cắt bỏ phần giấy bóng còn thừa bên ngoài sau khi dán xong. Có thể sử dụng giấy màu cắt thành các hình thù dễ thương để dán lên bề mặt giấy bóng kính của ngôi sao nhằm tạo nên những điểm nhấn đặc biệt. 

Bước 6: Gắn một thanh que dài để làm cán đèn rồi gắn thêm một ngọn nến vào bên trong là chiếc đèn ông sao rực rỡ đã hoàn thành.

 Ảnh: Homegift

Cách làm mặt nạ 

Mặt nạ cũng là một loại đồ chơi không thể thiếu khi đến Trung thu. Mỗi chiếc mặt nạ mang một hình thù khác nhau đều ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt.

Nếu ngày xưa mặt nạ Trung thu chủ yếu là hình ảnh chú Cuội, chị Hằng, chú Tễu, ông Địa,... thì ngày nay chúng đã được biến tấu với nhiều khuôn mặt khác như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hay hình của các con vật ngộ nghĩnh.

Với những thao tác đơn giản, bố mẹ hoàn toàn có thể tự tay chuẩn bị cho các bé nhà mình những chiếc mặt nạ đa sắc màu để đón Trung thu. Bố mẹ cũng có thể rủ các con tham gia chung để gắn kết tình cảm gia đình trong bầu không khí lễ hội rộn ràng năm nay. 

Vật liệu cần có:

- Băng keo hai mặt

- Bút vẽ

- Dây thun

- Giấy bìa màu cứng

- Kéo

- Màu tô

Chi phí dự kiến:

Chi phí chuẩn bị các loại nguyên liệu để làm mặt nạ chơi Trung thu cho bé rơi vào khoảng 30.000 - 50.000 đồng.

Cách làm chi tiết:

Để làm mặt nạ chơi Trung thu cho bé, bố mẹ có thể áp dụng các bước thực hiện cực kỳ đơn giản sau đây:

Bước 1: Vẽ mặt của những con vật lên trên tấm bìa màu cứng với kích thước phù hợp khuôn mặt nhỏ xinh của bé. 

Bước 2: Vẽ mắt, mũi, miệng, râu,... của con vật rồi đục rỗng phần mắt của mặt nạ. 

Bước 3: Tô màu các chi tiết nhỏ để giúp mặt mạ trông bắt mắt và sinh động hơn. 

Bước 4: Cắt rời mặt nạ thành hình vẽ cụ thể. Sau đó, ở hai bên của mặt nạ, đục thêm hai lỗ nhỏ đối xứng cách lề khoảng 1,5cm rồi luồn dây thun qua hai lỗ này và ướm thử cho vừa vặn với đầu của bé thì cố định lại bằng nút thắt. 

 Ảnh: VinID

Cách làm đèn giấy Kirigami

Những chiếc đèn lồng luôn là một “người bạn” đồng hành không thể thiếu của các bạn nhỏ khi đi “rước” trăng trong đêm Rằm. Ánh sáng phát ra từ bên trong chiếc lồng đèn sẽ tạo nên một không gian lung linh và ấn tượng cho đêm hội phá cỗ của bé.

Thay vì sử dụng các thiết kế đèn lồng giấy truyền thống, bố mẹ có thể thử làm cho bé một chiếc đèn giấy Kirigami 3D độc đáo. Để làm được chiếc đèn đặc biệt này, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và thực hiện những bước hướng dẫn sau đây.

Vật liệu cần có:

- Đèn nến hoặc đèn LED

- Giấy bìa màu mỏng

- Giấy bìa trắng

- Keo dán, kéo, dao trổ

- Ly thủy tinh hình tròn: 3 chiếc với chiều cao khác nhau

- Mẫu giấy in hình các bông hoa

Chi phí dự kiến:

Chi phí chuẩn bị các loại nguyên liệu để làm mặt nạ chơi Trung thu cho bé rơi vào khoảng 35.000 - 50.000 đồng.

Cách làm chi tiết:

Để làm nên một chiếc đèn giấy Kirigami hoàn chỉnh, bạn có thể áp dụng cách làm sau đây:

Bước 1: Kê mảnh giấy được in các mẫu hoa lên trên bìa cứng rồi dùng dao rọc giấy trổ từng chi tiết theo mẫu in sẵn.

Bước 2: Sau khi rọc xong, vừa nâng vừa gấp nhẹ nhàng từng cánh hoa để tạo hình ảnh 3D một bông hoa đang nở rực rỡ. 

Bước 3: Bọc giấy màu xung quanh những chiếc ly thủy tinh rồi dán cố định hai mép giấy lại với nhau. Lưu ý: Chiều cao giấy phải cao hơn miệng ly khoảng 1cm.

Bước 4: Bọc thêm một lớp giấy họa tiếp vừa được “trạm trổ” bên ngoài lớp giấy màu ở trên ly. 

Bước 5: Cho nến hoặc đèn LED vào bên trong ly là hoàn tất một chiếc đèn Kirigami lung linh cho đêm rằm Trung thu. 

 Ảnh: Hướng Dẫn

Cách làm đũa thần cho bé

Những chiếc đũa thần sẽ khiến cho các bé gái trông giống những nàng tiên nhỏ bé trong đêm Rằm tháng 8, giúp bé trở nên hào hứng và thích thú hơn khi tham gia rước đèn cùng bạn bè cùng trang lứa.

Bố mẹ có thể làm những chiếc đũa thần handmade cùng với con để tạo cho bé những kỷ niệm vui vẻ trong những mùa trăng tròn thơ ấu. Những nguyên liệu làm đũa thần tương đối đơn giản và dễ kiếm. Cụ thể:

Vật liệu cần có:

- Bông để nhồi

- Hạt cườm đen nhỏ

- Kim chỉ

- Vải nỉ hoặc vải cotton

Chi phí dự kiến:

Chi phí chuẩn bị các loại nguyên liệu để làm đũa thần cho bé rơi vào khoảng 25.000 - 40.000 đồng.

Cách làm chi tiết:

Những chiếc đũa thần handmade được làm đơn giản với công thức như sau:

Bước 1: Vẽ hình một ngôi sao lên giấy bìa cứng rồi cắt rời ra và đặt lên tấm vải để cắt miếng vải thành hình ngôi sao đó. Thực hiện hành động tương tự để tạo ra thêm một ngôi sao khác cùng kích thước. 

Bước 2: Đặt hai miếng vải chồng lên nhau rồi may liền hai ngôi sao này lại rồi lộn mặt trong của ngôi sao ra ngoài. Lưu ý: Không may hết khuôn ngôi sao mà cần chừa lại một khoảng trống để nhồi bông vào bên trong và may kín lại.

Bước 3: Cắt thêm hai miếng vải có kích thước bằng nhau rồi mai liền lại và cũng lộn ngược mặt phải ra ngoài để làm cán của đũa phép. Tương tự, chừa lại một đoạn nhỏ để cho bông vào bên trong ruột rồi may kín phàn này lại.

Bước 4: May ráp phần cán đũa với ngôi sao, có thể cho thêm một chút keo dán để cố định chắc chắn hai phần này lại với nhau. 

Bước 5: Đính thêm các hạt cườm nhỏ màu đen để làm mắt và may thêm 2 đường mũi chéo để làm miệng cho ngôi sao. Có thể thắt thêm một chiếc nơ vào cán để ngôi sao thêm phần xinh xắn. 

 Ảnh: Làm Thủ Công Handmade

Cách làm thuyền giấy thả đèn

Những chiếc thuyền giấy nhỏ xinh mang theo ước mơ của các bạn nhỏ trôi về “cung Trăng” cũng sẽ là một “câu chuyện” đặc biệt cho Trung thu. Với món đồ chơi nhỏ bé, đầy màu sắc này, Trung thu của bé sẽ trở nên sinh động và đáng nhớ hơn bao giờ hết. 

Vật liệu cần có:

Những gì bạn cần chỉ là các loại giấy A4 đủ màu sắc. 

Chi phí dự kiến:

Chi phí cho 10 tờ giấy màu A4 khoảng 10.000 đồng.

Cách làm chi tiết:

Các bước làm thuyền giấy thả đèn cho bé vào đêm rằm Trung thu như sau:

Bước 1: Chia tờ giấy A4 làm 4 phần theo chiều dọc rồi gấp hai phần hai bên vào giữa. 

Bước 2: Gấp 4 góc vào giữa và tiếp tục lặp lại thao tác này một lần nữa.

Bước 3: Gấp hai cạnh hai bên vào giữa

Bước 4: Nhẹ nhàng lộn ngược giấy lại để tạo hình chiếc thuyền hoàn chỉnh. Dùng tay nhẹ nhàng miết các nếp gấp để mũi và khoang thuyền được thẳng nếp. 

 Ảnh: VinID

Gợi ý địa chỉ mua vật liệu làm đồ chơi Trung thu 2022

Có thể thấy, những vật liệu làm đồ chơi Trung thu cho bé chỉ là các loại văn phòng phẩm rất dễ tìm mua tại các cửa hàng hoặc các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... Để có thể tự tay chọn lựa ra loại vật liệu ưng ý, bố mẹ có thể ghé đến một số địa chỉ sau:

1. Tại Hà Nội

- Cửa hàng văn phòng phẩm Hồng Hà: Tầng 1, TTTM 25 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm┃Ki ốt 14 – 15 – B10 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, Quận Đống Đa┃114 An Trạch, phường Cát Linh, Quận Đống Đa┃55 Tr­ương Công Giai, Quận Cầu Giấy

- Nhà sách Phương Nam: Tầng 3, TTTM The Garden đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm┃Tầng trệt, TTTM Lotte số 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, Quận ba Đình┃Phố 19/12, Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm

- Nhà sách Fahasa: 338 Xã Đàn, phường Phương Liên, Quận Đống Đa┃Km10 đường Nguyễn Trãi, phường Mộ Lao, Quận Hà Đông┃Tầng 2 LOTTE MART, Số 229 Tây Sơn, Quận Đống Đa

2. Tại TP HCM

- Kitty Sài Gòn: 273 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh

- Haru Store: 18/8F Trần Quang Diệu, Phường 14, Quận 3

- Nhà sách Fahasa: 60 - 62 Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1┃364 Trường Chinh, phường 13, Quận Tân Bình┃387 - 389 Hai Bà Trưng, Phường 8, Quận 3┃4 Tô Ngọc Vân, phường Linh Tây, Quận Thủ Đức

- Nhà sách Kim Đồng: 248 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1┃Kios M08, đường sách Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận 1

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.