Quân nhân đeo mặt nạ tẩy độc hiện trường vụ cháy Rạng Đông: Sáng 12/9, Bộ tư lệnh Hóa học và Bộ tư lệnh Thủ đô huy động 60 cán bộ, chiến sĩ tham gia nhiệm vụ tẩy độc hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông.
Liên quan vụ cháy tại Công ty Rạng Đông gây rò rỉ chất nguy hại ra môi trường, hôm 12/9, Binh chủng Hóa học và các đơn vị liên quan đã đến hiện trường để thực hiện quy trình tẩy độc.
Trước thắc mắc của nhiều độc giả về việc ai phải chịu chi phí tẩy độc, làm sạch môi trường, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng doanh nghiệp xảy ra cháy phải chi trả toàn bộ.
Viện dẫn Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2014, luật sư cho rằng trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường thuộc về tổ chức, cá nhân gây ra thảm họa đó. Với vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, doanh nghiệp này có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra, xác định thiệt hại.
Binh chủng Hóa học tẩy độc nơi xảy ra vụ hỏa hoạn. (Ảnh: Việt Linh).
Ngoài ra, Rạng Đông phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trong đó có cả khoản chi phí cho việc khắc phục sự cố theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan. Sau khi giải quyết xong mọi việc, công ty cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ra sự cố mà không tự thỏa thuận về trách nhiệm thì UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan phải làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng. Sau khi cơ quan quản lí Nhà nước có kết luận, tổ chức hay cá nhân gây ra sai phạm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Có cùng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nói vụ hỏa hoạn tại kho của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường. Theo quy định của pháp luật, công ty này có trách nhiệm khắc phục hậu quả đối với môi trường và bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho toàn bộ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng, bị thiệt hại từ sự cố môi trường này.
Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường và các Điều 585, 589, 590, 601, 602 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, thanh toán mọi chi phí cho hoạt động khắc phục sự cố môi trường.
Rạng Đông cũng phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về tài sản và thiệt hại về sức khỏe cho những người dân, doanh nghiệp, đơn vị xung quanh bị ảnh hưởng và cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường.
Hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông. (Ảnh: Việt Linh).
Còn luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội) chỉ ra rằng việc rò rỉ ra chất nguy hại ra môi trường sau vụ cháy là tình thế cấp thiết. Môi trường là của toàn dân và Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân. Do vậy quân đội hay cơ quan có liên quan sẽ làm công việc tẩy độc theo chức năng chuyên môn nhằm bảo vệ người dân.
"Không cần phải chờ Công ty Rạng Đông thuê hay đồng ý mới được tẩy độc mà phải làm sạch môi trường trước rồi yêu cầu trả chi phí sau", luật sư Giáp nói.
Theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự, ông Giáp cho rằng với các vụ cháy lớn, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để tìm nguyên nhân và xác định trách nhiệm.
Trích dẫn Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư Giáp cho rằng khi có đủ các căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm, tố giác của cá nhân hay tổ chức, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc cơ quan Nhà nước kiến nghị, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án.
Vụ cháy xảy ra tối 28/8 thiêu rụi một xưởng sản xuất và kho chứa thành phẩm với hàng triệu bóng đèn của Công ty Rạng Đông.
Sau đó, UBND quận Thanh Xuân thông báo môi trường quanh nhà máy bị cháy ở ngưỡng an toàn. Công ty Rạng Đông cũng thông báo họ sử dụng hợp chất amalgam thay thế thủy ngân lỏng để sản xuất bóng đèn từ năm 2016.
Ngày 4/9, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết nồng độ thủy ngân quan trắc được ở một số điểm trong nhà máy Công ty Rạng Đông và xung quanh vượt ngưỡng an toàn từ 10 đến 30 lần. Lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường trong vụ cháy có thể lên đến 27,2 kg.