Ẩn hoạ từ bệnh đái tháo đường thai kỳ

Thai phụ bị đái tháo đường có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi dẫn đến trường hợp trẻ bị chết lưu đột ngột, tăng tỉ lệ dị tật thai, trẻ sơ sinh dễ bị suy hô hấp…

Mất con vì chủ quan

an hoa tu benh dai thao duong voi phu nu mang thai
Thai phụ cần đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong suốt thai kỳ.

Chị Trịnh Thị T. (25 tuổi, quê Tiền Giang) mang thai lần đầu, trong gia đình mẹ chị T. bị tiểu đường. Khi thai ở giai đoạn khoảng 23 - 24 tuần, người bệnh được bác sĩ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường.

Kết quả cho thấy đường huyết lúc đói là bình thường, tuy nhiên chỉ số đường huyết 1 giờ sau uống đường là tăng cao và 2 giờ sau uống đường tăng rất cao. Người bệnh được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK).

Được bác sĩ đề nghị đến chuyên khoa Nội tiết để điều chỉnh lượng đường nhưng người bệnh chủ quan không điều trị. Khi thai khoảng 34 - 35 tuần người bệnh đến tái khám và được phát hiện đa ối, thai to.

Dù được chỉ định sử dụng Insulin đường chích ngay để điều chỉnh lượng đường nhưng không kịp. Ngay chiều ngày hôm đó, người bệnh không cảm thấy thai máy nữa, siêu âm kết quả cho thấy thai vừa chết lưu ở tuần thai thứ 34 - 35, cân nặng 3.5 kg (theo tiêu chuẩn quốc tế thai nhi 34 – 35 tuần chỉ nặng 2.2 – 2.3 kg).

Một trường hợp khác là chị Nguyễn Anh T. (35 tuổi ở TP HCM) có thai lần 2, trong gia đình có cha chị T. bị tiểu đường. Khi thai được 12 tuần, người bệnh đến kiểm tra đường huyết thường quy thì kết quả bình thường.

Tuy nhiên từ tuần 20 đến tuần 24, người bệnh đột ngột tăng cân nhanh, 4kg/4 tuần. Khi thai được 24 tuần, người bệnh thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường. Kết quả chị T. được chẩn đoán ĐTĐTK.

Chỉ 1 tuần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, đường huyết của người bệnh đã trở về bình thường mà không cần chích Insulin. Những tuần lễ tiếp theo, người bệnh vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn kiêng và được theo dõi đường huyết mỗi tuần, cân nặng không tăng trung bình 1 - 1.5kg/4 tuần. Đến tuần 39, người bệnh sinh thường một bé trai khỏe mạnh, cân nặng 3.3 kg. Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai.

BS CKII. Lê Thị Kiều Dung – Trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đái tháo đường trong thai kỳ là bệnh lý nội khoa thường gặp nhất khi có thai, do thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ trong thai kỳ đưa đến tăng đề kháng với Insulin làm cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu.

an hoa tu benh dai thao duong voi phu nu mang thai
Bác sĩ Dung tư vấn cho bệnh nhân cách phòng tránh đái tháo đường thai kỳ.

Những nguy hiểm của bệnh đái tháo đường thai kỳ

Theo bác sĩ Dung, đối với thai phụ bị ĐTĐTK việc tăng cân quá mức (> 2kg/ tháng) gây béo phì sau sinh rất khó lấy lại vóc dáng thon gọn. Đa ối chiếm tỉ lệ khá cao (27 – 30%), lượng ối quá nhiều làm tử cung to nhanh có thể gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ. Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.

Ngoài ra, tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật gấp 4 lần. Nhiễm trùng dễ xảy ra và thường nặng nề hơn, nhất là viêm thận, bể thận. Chuyển dạ kéo dài, sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh. Tỉ lệ mổ lấy thai cao hơn và những nguy cơ do phẫu thuật cũng tăng. Rối loạn lượng đường trong máu nặng có thể đưa đến hôn mê.

Khoảng 20% thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ bị đái tháo đường thực sự sau sinh, bệnh có diễn tiến mãn tính suốt phần đời còn lại. Vì vậy việc tầm soát bệnh rất cần thiết, bác sĩ Dung nhấn mạnh.

Đối với thai nhi, gia tăng tỉ lệ dị tật thai nếu bị ĐTĐ từ trước khi có thai mà không được điều trị đúng cách. Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (hoặc quá to, hoặc quá nhỏ). Thai to gây sinh khó và sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay...

Chưa hết, thai nhi có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao. Tỉ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2 – 5 lần. Bé sơ sinh dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin. Bé sơ sinh dễ bị hạ đường huyết, hạ calci, vàng da nặng và có thể hôn mê. Khi lớn lên bé dễ bị béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp.

Bác sĩ Dung đưa ra lời khuyên, khi có thai nên ăn đủ chất từ các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi… nhưng không nên ăn nhiều. Thai phụ cần hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt là không nên uống nhiều nước mía có nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ.

chọn