Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo hồ sơ tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Rạch Nhum do CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Asean (Asean Land) lập, đồng thời làm chủ đầu tư.
Dự án này có diện tích hơn 16,2 ha, thuộc ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Phía bắc giáp dự án Việt Resort của Công ty TNHH MTV Ha Ta Việt An; phía nam giáp Khu du lịch Rạch Vẹm của CTCP Thương mại – Du lịch và Xây dựng TTC; phía đông giáp đường vòng quanh đảo và phía tây giáp biển.
Về pháp lý, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Rạch Nhum được Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 3/2018, đến tháng 12/2018 được phê duyệt báo cáo ĐTM.
Tháng 2/2020, dự án bắt đầu điều chỉnh chủ trương đầu tư, đến tháng 8/2021 được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Tháng 2/2022 vừa qua, dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Về quy mô phục vụ, sau khi hoàn thành toàn khu du lịch có lượng khách và phục vụ khoảng 950 người/ngày.
Trong cơ cấu diện tích, dự án sẽ dành 12.547 m2 ở khu vực phía tây cho khu hành lang bảo vệ bờ biển, là không gian dành cho các hoạt động ngoài trời, tụ tập đông người của du khách.
Tiếp đến là Khu mặt nước Rạch Nhum quy mô khoảng 30.112 m2, nằm ở vị trí trung tâm của dự án. Đây là khu mặt nước cảnh quan chính, các khu chức năng chính của dự án đều bám theo Rạch Nhum này.
Khu khách sạn có quy mô khoảng 11.168 m2, nằm ở phía tây bắc của khu quy hoạch, là công trình điểm nhấn bám theo Rạch Nhum. Mật độ xây dựng 35%, chiều cao 5 tầng.
Khu biệt thự du lịch nghỉ dưỡng rộng khoảng 17.163 m2, mật độ xây dựng 37-40%, chiều cao tối đa 3 tầng, nằm ở phía bắc và nam của khu quy hoạch, được phát triển dọc khu vực Rạch Nhum với mô hình các cụm công trình nhà nghỉ dưỡng, khách sạn và dịch vụ gắn với yếu tố mặt nước và vùng bán ngập quanh rạch và hồ, các dải rừng cây được phát triển đan xen giữa các cụm công trình.
Các khu dịch vụ du lịch có quy mô khoảng 32.702 m2, mật độ xây dựng 35%, chiều cao tối đa 3 tầng, nằm tại trục đường vòng quanh đảo, và các tuyến đường chính nối kết các khu chức năng với nhau. Còn lại là khu hạ tầng kỹ thuật, các khu cây xanh cảnh quan, các khu cây xanh cách ly và đất giao thông.
Nói thêm về vị trí, dự án cách ranh giới của Vườn Quốc Gia Phú Quốc khoảng 1 km; cách khu đô thị Cửa Cạn khoảng 2 km; cách vùng phục hồi sinh thái có biển khoảng 10 km; cách vùng bảo vệ nghiêm ngặt cỏ biển khoảng 11 km; cách vùng phục hồi sinh thái san hô khoảng 25 km.
Dự án không có xả nước thải vào nguồn nước mặt; không có yêu cầu di dân, tái định cư. Đối với đất rừng, dự án sử dụng đất của Vườn Quốc gia Phú Quốc gồn rừng đặc dụng 119.101 m2 và đất trồng cây lâu năm 1.787 m2. Ngoài ra, trên dự án còn có 29.382 m2 đất trồng cây lâu năm chồng lấn với ranh giới của vườn quốc Phú Quốc, đang thuộc quản lý của 3 hộ dân.
Hiện tại, khu đất có địa hình tương đối thấp nên cần san lấp với khối lượng tương đối lớn. Khu vực lập quy hoạch có địa hình đồi núi kết hợp sông suối. Trong khu vực thiết kế không có hệ thống thoát nước mưa, mà nước mưa thoát theo địa hình tự nhiêu sau đó thoát ra biển theo các nhánh suối. Ngoài ra, nước mưa khu vực được thoát tự nhiên qua các đường tụ thủy và dẫn về sông Rạch Nhum trước khi đổ ra biển.
Về nước thải, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách biệt với hệ thống thoát nước thải. Toàn bộ nước mưa được thu gom, thoát ra hệ thống Rạch Nhum hiện trạng qua 6 cửa xả, sau đó thoát ra biển.
Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 929,5 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, trong tháng 2/2022 - tháng 11/2022 dự án sẽ lập báo cáo ĐTM và các thủ tục liên quan; tháng 1/2023 - tháng 1/2024 giải phóng mặt bằng, thi công dự án; từ tháng 2/2024 bắt đầu đi vào hoạt động.
Về chủ đầu tư, Asean Land được thành lập vào tháng 8/2010, hiện có trụ sở tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tính đến tháng 1/2022, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Asean Land hiện là ông Nguyễn Đăng Hiển. Vị này đồng thời đang là Giám đốc của CTCP Thương mại – Du lịch và Xây dựng TTC, chủ đầu tư Khu du lịch Rạch Vẹm nằm tiếp giáp dự án Rạch Nhum đã đề cập ở trên.
Khu du lịch Rạch Vẹm có tên đầy đủ là khu du lịch sinh thái nhà vườn Rạch Vẹm, được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2005, chủ đầu tư là TTC và Công ty TNHH Ngọc Hải. Dự án này có diện tích gần 150 ha, tính chất là khu du lịch sinh thái chất lượng cao.
Trở lại với Asean Land, theo tìm hiểu của người viết, doanh nghiệp này trước đây có tên là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp SHB (SHB Land).
Vào năm 2010, SHB Land từng mua 35 trái phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Hồng Việt phát hành để đầu tư dự án Khu du lịch dịch vụ sinh thái vùng hồ Xuân Khanh tại phường Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Liên quan đến dự án hồ Xuân Khanh, vào năm 2021, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thủ tục triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này. Bộ Xây dựng cho biết, dự án hồ Xuân Khanh có địa điểm tại phường Xuân Khanh và xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, thực hiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, khu vực dự án chưa có quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch dự án phải phù hợp với quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, để thực hiện điều chỉnh quy hoạch dự án, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo sớm hoàn thành lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024