Bà Trần Ngọc Bích – người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong đại án VNCB. |
Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên thu hồi khoản tiền 5.190 tỷ đồng được ông Phạm Công Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh để khắc phục thiệt hại cho VNCB vì đây là số tiền do Phạm Công Danh phạm tội mà có.
Các số tiết kiệm trị giá gần 6.000 tỷ đồng của bà Bích và các cộng sự gửi tại VNCB cũng bị kê biên để đảm bảo việc tất toán các khoản vay của bà Bích tại ngân hàng này.
Theo bị cáo Phạm Công Danh, số tiền 5.190 tỷ đồng là do ông Thanh cho ông vay, tuy nhiên bà Bích khẳng định ông Thanh không hề liên quan đến việc này và đây là số tiền của bà Bích cho bà Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi) vay và chuyển vào tài khoản do bà Trang chỉ định.
Ngoài ra, 6 sổ tiết kiệm trị giá hơn 300 tỷ đồng cũng bị kê biên vì được cho là đã được các chủ sổ thế chấp để vay số tiền 300 tỷ đồng từ VNCB. Điều này, các chủ sổ khẳng định là không hề có thật vì họ không hề ký hay đề nghị vay.
Không đồng ý với phán quyết này của tòa sơ thẩm, bà Bích và những người có liên quan đã kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đã kiến nghị HĐXX bác kháng cáo về các khoản tiền này, đồng thời đề nghị xem xét trách nhiệm của bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quý Thanh vì dấu hiệu đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh rút tiền khỏi VNCB. VKS cũng kiến nghị cấm xuất cảnh bà Bích, ông Thanh và làm rõ dấu hiệu trốn thuế với các khoản cho vay trị giá lên tới hơn 17.000 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. |
Trong phần trình bày của mình trước tòa, bà Bích bức xúc cho rằng kết quả sơ thẩm và các kiến nghị của VKS “về bản chất là xét xử chúng tôi (bà Bích và những người liên quan – PV), những nạn nhân của vụ án”.
Bà Bích đưa ra những chứng cứ và lập luận khẳng định khoản tiền gửi 5.190 tỷ tại VNCB là tiền thật, giao dịch hợp pháp và có những thời điểm số tiền bà Bích gửi tại VNCB lên tới 9.000 tỷ, nhưng theo phán quyết của tòa thì số tiền này của bà đã bị mất mà ngân hàng không có trách nhiệm bồi hoàn.
Ngoài ra, bà Bích cũng khẳng định đã kê khai và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế. “Kiến nghị cấm xuất cảnh đối với chúng tôi là không có cơ sở. Chúng tôi không có lý do gì để phải đi trốn. Chúng tôi phải ở đây để bảo vệ tài sản hợp pháp của mình”, bà Bích nói.
Theo bà Bích, bà đã không được phép trình bày chi tiết khi trả lời, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của bà Bích cũng không được xét hỏi đến cùng đối với các bị cáo trong vụ án như ông Phạm Công Danh. Ngược lại, bà Bích cho rằng diễn biến tại phiên phúc thẩm có nhiều chi tiết vượt quá thẩm quyền của trình tự phúc thẩm, vượt phạm vi các vấn đề mà bản án sơ thẩm nêu ra.
Cũng trong ngày 13/1, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên – người bảo vệ quyền và lợi ích của bà Trần Ngọc Bích đã đề nghị HĐXX làm rõ dấu hiệu giả mạo hồ sơ như bản fax và bản y sao chứng từ được cho là có chữ ký của bà Bích trong việc 5.490 tỷ đồng bị rút khỏi VNCB.
Bà Uyên cho biết, tại phiên sơ thẩm, đại diện CB (tên mới của VNCB sau khi được mua lại 0 đồng – PV) đã cung cấp bản sao các chứng từ để chứng minh bà Bích có ký các chứng từ liên quan đến khoản 5.190 tỷ đồng. Các chứng từ này, theo bà Uyên, là giả mạo và đề nghị tòa làm rõ, truy cứu trách nhiệm về hành vi làm giả này.
Đại án VNCB: "Chúng tôi phải ở đây để bảo vệ quyền lợi của mình" |
Một chứng cứ khác, là bản sao được cho là của bản fax từ số fax của tập đoàn Tân Hiệp Phát trên đó có chữ ký của bà Dung (chủ sổ tiết kiệm), để chứng minh việc vay hơn 300 tỷ đồng là có hồ sơ chứng từ. Bà Uyên cũng khẳng định đây là tài liệu giả mạo, đề nghị làm rõ ai làm giả và cung cấp tài liệu này cho HĐXX.
“Tất cả các sổ tiết kiệm đã được VNCB nhận cầm cố và cho vay 300 tỷ đồng mà không có hồ sơ vay, tiền vay được chuyển cho Phạm Công Danh – Chủ tịch ngân hàng. Không có quy định, thông lệ, văn hóa ngân hàng nào giải thích được điều này”, bà Uyên nói.
Trong phần trình bày dài hàng giờ của mình, bà Uyên đã bị bị cáo Phạm Công Danh đứng dậy cắt ngang, buộc HĐXX phải nhắc nhở bị cáo vì vi phạm quy định của phiên tòa. Trước đó, khi bị bà Uyên xét hỏi, bị cáo Danh cũng nhiều lần nổi giận và từ chối trả lời hoặc ra điều kiện chỉ trả lời khi có mặt ông Trần Quý Thanh.
Thứ Hai tới (16/1), phiên phúc thẩm sẽ tiếp tục với phần trình bày của những người liên quan khác.
Pháp luật 07:32 | 06/08/2018
Pháp luật 23:57 | 05/08/2018
Pháp luật 08:42 | 01/08/2018
Pháp luật 00:13 | 01/08/2018
Pháp luật 06:41 | 31/07/2018
Pháp luật 00:12 | 31/07/2018
Pháp luật 07:13 | 30/07/2018
Pháp luật 04:36 | 30/07/2018