Bắc Giang: Đất ở sau khi tách thửa tối thiểu 32 m2, mặt tiền từ 4 m

Từ 1/9, Bắc Giang không cho phép tách thửa đất với đất ở đô thị, đất ở bám quốc lộ, tỉnh lộ hoặc đường Vành đai IV, thuộc vùng quy hoạch phát triển đô thị dưới 32 m2, mặt tiền dưới 4 m,...

Ngày 20/8, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở, diện tích tối thiểu được tách thửa đất và điều kiện tách thửa, hợp thửa đất áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9.

Theo đó, với hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân, đất ở tại đô thị thuộc các phường của TP Bắc Giang và các vị trí bám trục đường đã được đặt tên của các thị trấn tối đa 100 m2.

Đất ở tại đô thị còn lại; đất ở tại các xã thuộc TP Bắc Giang, các xã nằm trong quy hoạch đô thị thuộc các huyện đã được phê duyệt; đất ở tại nông thôn bám đường gom cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ và đường Vành đai IV tối đa 120 m2.

Đất ở tại nông thôn thuộc các xã trung du thuộc các huyện tối đa 300 m2 và ở các xã miền núi thuộc các huyện tối đa 360 m2.

Bắc Giang: Đất ở sau khi tách thửa tối thiểu 32 m2, mặt tiền từ 4 m - Ảnh 1.

(Ảnh: bacgianggov).

Về diện tích tối thiểu được tách thửa, đối với đất ở đô thị, đất ở bám quốc lộ, tỉnh lộ hoặc đường Vành đai IV, thuộc vùng quy hoạch phát triển đô thị; thửa đất sau khi tách thửa phải có diện tích đất ở tối thiểu từ 32 m2 trở lên, kích thước mặt tiền tối thiểu phải từ 4 m trở lên, chiều sâu tối thiểu (sau khi trừ lộ giới hoặc các công trình có hành lang bảo vệ) phải từ 5,5 m trở lên; trường hợp phải có lối vào cho thửa đất phía sau thì chiều rộng lối vào tối thiểu là 1,5 m. 

Đối với đất ở nông thôn và các trường hợp còn lại thì diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa thực hiện theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì thửa đất tối thiểu sau khi tách thửa phải có diện tích đất tối thiểu từ 70 m2 trở lên, kích thước mặt tiền tối thiểu phải từ 4 m trở lên, chiều sâu tối thiểu (sau khi trừ lộ giới hoặc các công trình có hành lang bảo vệ) phải từ 8 m trở lên; trường hợp phải có lối vào cho thửa đất phía sau thì chiều rộng lối vào tối thiểu là 1,5 m.

Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích tối thiểu, kích thước mặt tiền, chiều sâu, lối vào cho thửa đất không đảm bảo theo quy định như hai điều trên. 

Việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích tối thiểu, kích thước mặt tiền, chiều sâu, lối vào cho thửa đất bảo đảm theo quy định thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa.

Về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với thửa đất trồng cây hàng năm, diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới sau khi tách thửa là 500 m2.

Đối với thửa đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản thuộc khu dân cư, diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới sau khi tách thửa đối với khu vực đô thị là 150 m2; đối với khu vực nông thôn là 200 m2. Thửa đất không thuộc khu dân cư, diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới sau khi tách thửa là 300 m2.

Đối với thửa đất lâm nghiệp, diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới sau khi tách thửa là 1.000 m2.

Điều kiện hợp thửa đất bao gồm: Các thửa đất phải liền kề nhau; có cùng mục đích sử dụng đất. Riêng trường hợp thửa đất ở có vườn ao; thửa đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 1/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng được phép hợp thửa với thửa đất ở có vườn, ao. 

Các thửa đất ở liền kề đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, khu đô thị có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo điều kiện quy định được hợp thửa đất tối đa không quá ba thửa (lô đất theo quy hoạch) và không cho phép tiếp tục hợp thửa đất sau khi đã hợp thửa với thửa đất khác. 

Trường hợp thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, trước khi hợp thửa đất phải xác định vị trí, diện tích của từng loại đất.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.