BĐS KCN triển vọng nhờ môi trường pháp lý, hạ tầng dần hoàn thiện, giá thuê duy trì ở mức cao

BSC nhận định, BĐS KCN có triển vọng nhờ xu hướng dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc cùng môi trường pháp lý và hạ tầng dần hoàn thiện. Mặt khác, việc thiếu nguồn cung vẫn là khó khăn của ngành, song là yếu tố duy trì giá cho thuê ở mức cao.

Tiếp tục hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc

Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, đối với triển vọng ngành bất động sản (BĐS) khu công nghiệp trong năm 2023, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng, hấp dẫn với các nhà sản xuất trên thế giới trong bối cảnh hoạt động FDI trên quy mô quốc tế vẫn chưa hồi phục.

Theo BSC, giải ngân vốn FDI năm 2022 tại Việt Nam đạt tăng trưởng ấn tượng trong khi vốn FDI đăng ký chậm lại vì cùng kỳ ghi nhận các dự án có mức vốn đăng ký đột biến. 

Dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê, trong năm 2022, tổng mức FDI đăng ký đạt 27,7 tỷ USD (giảm 11% so với cùng kỳ), do ghi nhận hai dự án đăng ký mới với số vốn đột biến (dự án Nhà máy điện LNG I&II 3 tỷ USD và dự án Nhà máy điện Ô Môn II 1,3 tỷ USD) trong khi giải ngân vốn FDI đạt 22,4 tỷ USD (tăng 13,5% ) cao nhất 5 năm qua. 

Bước sang tháng 1 năm nay, số dự án vốn FDI đăng ký cấp mới tại Việt Nam đạt 153 dự án (tăng 48,5%), với số vốn đăng ký cấp mới cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022.  

 Vốn FDI đăng ký và thực hiện tại Việt Nam năm 2022 - T1/2023. (Nguồn: BSC).

Năm 2022 chứng kiến các sự kiện bất ngờ về địa chính trị, chính sách kiểm soát dịch bệnh siết chặt của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Trung Quốc mở cửa mở ra kỳ vọng quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ diễn ra nhanh hơn. 

Apple, Foxconn đã chuyển một phần sản xuất của mình sang Ấn Độ, trong khi Dell đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện của mình sẵn sàng năng lực sản xuất ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, cụ thể là Việt Nam. BSC cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới và Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để hưởng lợi nhờ vào lợi thế cạnh tranh của mình.

Chi phí nhân công giá rẻ, môi trường vĩ mô ổn định và vị trí địa lý thuận lợi là những lợi thế cạnh tranh chính của Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp FDI.

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), chi phí nhân công tại Việt Nam được dự báo vẫn sẽ duy trì ổn định với mức tăng 4,8% thấp hơn trung bình khu vực, đặc biệt là Ấn Độ với mức tăng 8,4% và Indonesia với mức tăng 5,3%. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là Trung Quốc đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất của mình trong hơn 40 năm và không dễ dàng để một quốc gia có thể thay thế. 

Do đó, BSC kỳ vọng, một phần nhỏ sản xuất được dịch chuyển từ Trung Quốc sẽ đủ để Việt Nam hấp thụ tốt và triển vọng của ngành KCN tích cực trong dài hạn.

Môi trường pháp lý, hạ tầng giao thông dần hoàn thiện, đẩy mạnh “mở khóa" tại thị trường phía Nam

Môi trường pháp dần rõ ràng và hoàn thiện kỳ vọng sẽ rút ngắn thủ tục hành chính, phát triển bền vững nhờ sự phối hợp giữa các Bộ/Ban ngành và UBND tỉnh. 

Trong năm 2022, Việt Nam đã chính thức thông qua 3 văn bản liên quan trực tiếp đến tình hình phát triển KCN, bao gồm quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, công văn 2514/CV-TCT, nghị định 35/2022/NĐ-CP và đang hướng đến việc thông qua Luật đất đai sửa đổi.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, công tác “cởi trói nguồn cung” sẽ tiếp tục chậm do việc thay đổi lãnh đạo cấp cao ở các tỉnh phía nam và quy hoạch chung của các địa phương đang trong giai đoạn điều chỉnh để phát triển đồng bộ trong tương lai. 

Bên cạnh pháp lý, hạ tầng giao thông kết nối được đẩy mạnh triển khai từ năm 2023 sẽ giải quyết nút thắt cổ chai “logistics” hỗ trợ trực tiếp cho ngành BĐS khu công nghiệp.

Theo số liệu từ BSC, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới khoảng 10,6%. Chi phí logistics đã và đang là “điểm trừ” của Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới. 

Thiếu nguồn cung tại các vị trí trung tâm công nghiệp vẫn là khó khăn của ngành, song, cũng là yếu tố dẫn dắt duy trì giá cho thuê ở mức cao trong bối cảnh nhu cầu thuê mạnh mẽ.

Sau giai đoạn 2021 - nửa đầu năm 2022 bùng nổ nguồn cung với hàng loạt KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư, thị trường KCN gần như không có thêm dự án mới trong nửa cuối năm 2022. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tỷ lệ lắp đầy các KCN trên cả nước có xu hướng tăng, đạt trên 80% trong đó tại khu vực phía Nam đạt khoảng 85%.

Giá thuê nhà xưởng, BĐS KCN tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, trung bình đạt 100-120 USD/m2/kỳ hạn thuê và có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía nam do nguồn cung hạn chế. 

BSC cho rằng, thị trường phía nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh “mở khóa", đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai khi tỷ lệ lắp đầy tại khu vực này đã trên 90% và không có thêm khu công nghiệp nào được thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2021. Hiện, các trung tâm công nghiệp đang tập trung vào khu vực phía nam với xu hướng mở rộng tại các tỉnh/thành vệ tinh TP HCM.

 Nguồn cung và tỷ lệ lấp đầy KCN tại khu vực phía nam và phía bắc. (Nguồn: BSC).

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.