Thời gian vừa qua, nhiều người dân phản đối một số phạm thu phí BOT giao thông vì bất cập. (Ảnh: Nam Định).
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã làm việc với tỉnh Tiền Giang về việc BOT Cai Lậy thu phí trở lại.
Theo đó, các bên liên quan đã thống nhất trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại vào ngày 25/3 tới đây với phương án giữ nguyên trạm và giảm phí.
Trong một diễn biến khác, trạm BOT Mỹ Lộc cũng dự kiến thu phí trở lại vào ngày 20/3 và trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã hạ barie thu phí ngày 15/3.
Đáng chú ý, những trạm BOT nói trên đều bị nhiều người dân phản đối vì có nhiều bất cập.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho, Bộ GTVT đã có một thời gian dài xử lí chung các trạm BOT.
"Phía Bộ đã tiếp hơn 100 đoàn thanh tra của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... Với hơn 100 kết luận đưa ra về BOT có cái được và chưa được.
Dựa vào những kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ từ từ xử lí bất cập tại các trạm BOT giao thông", Thứ trưởng Nhật cho hay.
Cũng theo ông Nhật, các dự án BOT mới triển khai sẽ tương đối hoàn chỉnh hơn dù chưa có Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
"Các dự án BOT trước đây triển khai khi chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn và cũng chưa có kinh nghiệm triển khai nên tồn tại một số vấn đề và cần từ từ xử lí", ông Nhật cho biết thêm.
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài hạ barie để thu phí. (Ảnh: Nam Định).
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp xử lí bất cập tại các dự án BOT giao thông.
Cụ thể, các giải pháp xử lí gồm giảm giá chung cho các phương tiện đi qua trạm thu phí; miễn giảm cho các phương tiện lân cận trạm; mở trang web công khai thông tin về các dự án PPP; thực hiện nghiêm túc kết luận của thanh tra, kiểm toán, xử lí các vấn đề chi phí, cá nhân tổ chức liên quan.
Ngoài ra, Bộ này cũng đang đẩy mạnh thu phí tự động không dừng; sửa đổi các văn bản qui phạm pháp luật; vào cuộc cùng Bộ Công an, địa phương xử lí các hành vi gây rối, thực hiện tuyên truyền cho người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo ông Huy, các dự án BOT giao thông còn nhiều vấn đề như sự sụt giảm doanh thu; nguy cơ tiềm ẩn mất ANTT; một số dự án hoàn thành nhưng chưa được thu phí.
Thời gian gần đây, vấn đề minh bạch thu phí BOT đang được dư luận quan tâm sau vụ cướp tiền tỉ ở trạm thu phí Dầu Giây trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lí.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang lúng túng trong việc kiểm tra doanh thu tại các trạm thu phí.
"Tổng cục đang lúng túng, chưa có các phần mềm giám sát trực tiếp. Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT đang quyết liệt đẩy mạnh thu phí tự động không dừng.
Đơn cử, hiện BOT Cai Lậy cũng đã lắp xong thu phí tự động và có thể triển khai ngay khi thu phí trở lại.
Bộ cũng sẽ chỉ đạo Tổng cục quyết liệt đưa ra các biện pháp, phương án để giám sát, quản lí doanh thu của các trạm thu phí.
Hiện, Tổng cục cũng đang lập các đoàn đi kiểm tra doanh thu các trạm thu phí. Tuy nhiên điều này cũng mất khá nhiều thời gian", ông Nhật thông tin.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, hiện nguồn ngân sách nhà nước rất hạn chế và nước ngoài cũng chủ yếu phát triển hạ tầng giao thông bừng BOT.
"Chúng ta triển khai BOT từ khá lâu và chưa có luật. Do đó, khi rà soát lại sẽ có bất cập. Chúng tôi đang rà soát và tiếp tục xử lí", ông Nhật nói.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông cho rằng, vấn đề căn bản là cần phải có luật cho hình thức đầu tư PPP. Sau đó, rà soát, xử lí bất cập và công khai minh bạch tất cả các dự án BOT để không chỉ tạo niềm tin cho người dân mà cả các doanh nghiệp đầu tư.