Ca mổ đón bé sơ sinh từ mẹ ung thư: Chào Bình An, mẹ sẽ chiến đấu để được bên con lâu hơn

Ai cũng mong rằng, sự ra đời của Bình An sẽ hồi sinh mẹ Liên. Mẹ của con sẽ có thêm nghị lực chiến đầu với bệnh ung thư để thêm thời gian còn được nhìn con nhiều hơn, lâu hơn.

"Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh. Em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an!".

Chị Nguyễn Thị Liên chia sẻ trước ca phẫu thuật

Mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn, sản phụ Nguyễn Thị Liên 28 tuổi, quê tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vẫn kiên trì đến giây phút cuối cùng với hi vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì cơ hội sống của bé càng cao.

Ngày 22/5 khi thai nhi được 31 tuần tuổi, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh. 

Gần 20 bác sĩ bệnh viện K, bệnh viện Phụ sản Trung ương đã quyết định mổ bắt con cho thai phụ Liên. Và ca mổ đẻ kì diệu, hi hữu đã diễn ra.

PGS.TS Trần Danh Cường: "Trái tim mình như bị bóp nghẹt"

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương người trực tiếp thực hiện ca sinh mổ đặc biệt này chia sẻ: " Khoảnh khắc đó, nhìn sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, tôi cảm thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt.

Ngay lúc này đây, dường như, sự sống của bệnh nhân của tôi rất mong manh. Người mẹ kiên cường này có thể đi bất cứ lúc nào, nhưng vẫn đang cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy khiến ê kíp phẫu thuật ai cũng thương cảm, xót xa đến nghẹn ngào".

Ca mổ đón bé sơ sinh từ mẹ ung thư: Chào Bình An, mẹ sẽ chiến đấu để được bên con lâu hơn - Ảnh 2.

Ca mổ đặc biệt đón bé sơ sinh từ người mẹ ung thư giai đoạn cuối. (Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ)

PGS.TS Trần Danh Cường cho biết thêm, khó khăn nhất trong ca mổ cho người mẹ dũng cảm này là nguy cơ đờ tử cung và chảy máu khi mổ.

Người mẹ đang mang trong mình trọng bệnh, nếu tình huống xấu đó xảy ra chúng tôi có thể phải cắt cả tử cung để cứu mẹ. Người bệnh đang rất yếu, nếu biến chứng đó thực sự xảy ra thì hậu quả không lường hết được. Vì tình trạng đặc biệt của người mẹ, để cả hai mẹ con bệnh nhân an toàn, ca mổ đẻ phải tiến hành thật nhanh...

Các bác sĩ cũng không thể gây mê người mẹ vì có thể bệnh nhân sẽ không tỉnh lại được nên chỉ gây tê tủy sống. Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, vẫn có thể có nguy cơ mất cả mẹ lẫn con, trong khi người mẹ gần như tỉnh táo hoàn toàn.

PGS Trần Danh Cường và êkip bác sĩ gây mê cùng các kíp bác sĩ, nữ hộ sinh 8 người của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tham gia ca mổ này đều là những chuyên gia trong ngày Sản khoa. Họ mỗi năm từng mổ cho hàng trăm, hàng ngàn ca đẻ, từng thực hiện nhiều ca đặc biệt ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng ca mổ ngày 22/5 tại Bệnh viện K vẫn là một ca bệnh đặc biệt.

Ca mổ đón bé sơ sinh từ mẹ ung thư: Chào Bình An, mẹ sẽ chiến đấu để được bên con lâu hơn - Ảnh 3.

Ca mổ diễn ra trong tư thế ngồi. (Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ).

Như lời Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói thì đây là một ca mổ đáng nhớ trong đời. Lần đầu tiên, ông mổ đẻ khi bệnh nhân ngồi... tư thế khó để thực hiện mổ sinh.

Trong suốt quá trình diễn ra ca mổ đẻ cho chị Liên 20 chuyên gia, bác sĩ của hai bệnh viện sát cánh, cùng trao đổi thông tin để lựa chọn biện pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân suy yếu nên các thao tác mổ phải đảm bảo chính xác nhất nhưng cũng phải nhanh nhất có thể mới mong đảm bảo an toàn cho người mẹ và thai nhi.

Tiếng khóc của bé trai nặng 1,5 kg khiến người mẹ trẻ và ê kíp phẫu thuật thêm xúc động nghẹn ngào. Con được mẹ đặt tên là Bình An. Con đến với thế giới này bằng nghị lực, quyết tâm và tình yêu thương vô bờ của mẹ Liên. 

Cùng đồng hành với con và mẹ là những lo lắng quan tâm đặc biệt của các bác sĩ bệnh viện K mỗi khi mẹ con khó thở, đau đớn; hay những lần kiểm tra hàng tuần của bác sĩ Bệnh viện 103, Bệnh viện Phụ sản Trung ương để dõi theo sự phát triển, lớn lên của con trong bụng mẹ.

Ca mổ đón bé sơ sinh từ mẹ ung thư: Chào Bình An, mẹ sẽ chiến đấu để được bên con lâu hơn - Ảnh 4.

Ngay sau khi chào đời, bé Đỗ Bình An được các bác sĩ và hộ sinh kiểm tra sức khoẻ. (Ảnh: Nguyễn Khánh/ Tuổi trẻ).

Con, mẹ của con và các sĩ đã đi được phân nửa chẳng đường rồi. Con sẽ được đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc. Còn mẹ con sẽ tiếp tục chiến đấu, cùng các bác sĩ hoàn thành ca mổ.

Chào Bình An, mẹ sẽ tiếp tục chiến đấu để ở bên con được lâu hơn

Xem thêm: Xúc động ca mổ đặc biệt đón bé sơ sinh từ người mẹ ung thư giai đoạn cuối

TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện K chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, khi chị Liên đến Bệnh viện K, bệnh đã ở giai đoạn muộn, chị lại đang mang thai. Bác sĩ hỏi thăm gia đình có muốn giữ bé hay không? 

Giữ bé thì có nguy cơ đối với cả mẹ và con, vì chị Liên rất cần tận dụng từng ngày để chữa bệnh, chữa sớm ngày nào thì quí ngày đó. Chưa kể giai đoạn mang thai miễn dịch suy giảm, bệnh có thể tiến triển nhanh hơn.

Nhưng là người mẹ, nhìn đứa con đã tượng hình ở tháng thứ 5, chị Liên mong muốn giữ cháu, mong giữ thêm ngày nào trong bụng mẹ thì tốt ngày đó. Những ngày tháng vừa mang thai vừa chữa bệnh với chị là những ngày rất khó khăn: Chị nôn suốt, không ăn uống được, liên tục khó thở, sức khỏe kiệt quệ...

Dường như hiểu được mẹ gặp khó, em bé trong bụng vẫn lớn lên từng ngày. Vợ chồng anh chị Liên hi vọng bé sẽ an toàn chào đời để mẹ bé được điều trị. Hai tháng qua, các bác sĩ Bệnh viện K đã nỗ lực từng ngày, mong sao giữ cháu bé thêm trong bụng mẹ và chị Liên vẫn tận dụng được thời gian để chữa bệnh.

Ca mổ đón bé sơ sinh từ mẹ ung thư: Chào Bình An, mẹ sẽ chiến đấu để được bên con lâu hơn - Ảnh 5.

Chị Liên được chăm sóc, hồi sức đặc biệt sau ca mổ đẻ. (Ảnh bệnh viện cung cấp).

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ca mổ chiều 22/5 kéo dài khoảng 10 phút và diễn ra rất thuận lợi, chị Liên được cầm máu tốt, cháu bé cũng được tiên lượng sẽ phục hồi tốt.

Nhưng những ngày tới cũng là thử thách đặc biệt cho người mẹ dũng cảm này. Đây là giai đoạn chị phải tập trung vào chữa bệnh ung thư, điều trị hóa chất, phẫu thuật cắt bỏ khối u... Một chặng đường còn rất dài ở phía trước.

Bà Ngân, mẹ chị Liên bật khóc khi kể với phóng viên về con gái mình: "Sự ra đời của Bình An chính là hồi sinh lần hai của con gái tôi. Cháu sẽ có thêm nghị lực chiến đầu với bệnh ung thư để thêm thời gian còn được nhìn con nhiều hơn, lâu hơn".

Xem thêm: Tại sao người mẹ bị ung thư vú giai đoạn cuối phải mổ đẻ ở tư thế ngồi?

Câu chuyện ngày hôm nay, khiến y bác sĩ nhớ về Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, người mẹ phi thường, nghị lực đã từ chối điều trị để sinh ra bé Gấu, rất tiếc mẹ Trâm phải xa em khi chưa tròn tháng. Đến nay bé Gấu đã 3 tuổi, thông minh và khỏe mạnh. Hi vọng rằng em bé Bình An cũng sẽ khỏe mạnh, tiếp thêm sức mạnh để mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư.


Tag:
chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.