Theo đó, các luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC cũng tập trung gỡ tội cho thân chủ của mình. Luật sư Trần Hồng Phúc, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, cá nhân bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền cử người đại diện phần vốn cũng như ký Hợp đồng chuyển nhượng, đây là quyết định của HĐQT. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ được sự ủy quyền của HĐQT ký Nghị quyết đồng ý việc chuyển nhượng vốn.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Hồng Phúc cũng yêu cầu tách phần vốn nhà nước tại PVP Land để xác định chính xác những thiệt hại của cổ đông nhà nước. Việc tham ô chỉ xảy ra đối với tài sản của nhà nước, do vậy cần xác định tách bạch phần vốn của nhà nước và phần vốn thuộc sở hữu của các cổ đông, trong tổng số hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Luật sư Trần Hồng Phúc nói: “PVC là công ty cổ phần đại chúng, có nhiều nguồn vốn góp vào chứ không phải chỉ PVN, do đó cũng không có căn cứ để tách tài sản của nhà nước được đem đi chuyển nhượng và tính vào phần tiền tham ô...Phải xác định sở hữu nhà nước khác với sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Các bị cáo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh đều chỉ ra rằng PVP Land góp 50,50 vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương là phần vốn góp của cả các cổ đông khác, do đó không thể coi là thiệt hại của một mình nhà nước (PVC). Cho nên không thỏa mãn đối với tội danh tham ô”.
Cùng quan điểm nêu trên của đồng nghiệp, luật sư Lê Văn Thiệp đã đưa ra các luận cứ bào chữa cho thân chủ của mình, ông cho rằng không thể quy kết các bị cáo chiếm đoạt toàn bộ 87 tỷ đồng (số tiền chênh lệch do ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần) vì 28% cổ phần của PVC tại PVP Land chỉ tương đương hơn 3 triệu cổ phần trong tổng số hơn 12 triệu cổ phần do PVP Land chuyển nhượng. Như vậy, phần chênh lệch mà nhà nước thất thoát chỉ khoảng 21 tỷ đồng, phần còn lại là sự thiệt thòi của các cổ đông khác, chứ không phải là của nhà nước.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa xét xử - ảnh TTXVN
Theo luật sư Lê Văn Thiệp, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thể là chủ mưu trong vụ án này, đồng thời luật sư này cũng ám chỉ đến một bị cáo trong vụ án này nhưng đã chết là bị cáo Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng Phòng Kinh tế Kế hoạch của PVP Land). Theo cáo trạng truy tố, ông Đặng Sỹ Hùng là người liên lạc, thông báo cho các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương về việc có khách hàng mua cổ phần của Công ty với mức giá tương đương 52 triệu đồng/m2 đất tại dự án Nam Đàn Plaza.
Luật sư Lê Văn Thiệp nói: “Tất cả các lời khai của Trịnh Xuân Thanh đều có căn cứ để xác định, các chứng cứ đã lờ mờ khẳng định chủ mưu của vụ án này là ai, không phải người ta chết rồi thì đổ tội cho người ta, nhưng là người được hưởng 20 tỷ đồng mà lại không phải là chủ mưu, trong khi Trịnh Xuân Thanh bị cho là chủ mưu mà lại chỉ được hưởng 14 tỷ đồng?”.
Cùng bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Văn Quynh, luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đặt ra câu hỏi: "Đặng Sỹ Hùng có vai trò gì mà được hưởng 20 tỷ đồng trong việc chuyển nhượng này? Có hay không việc né tránh bản chất của vụ án, đối với việc các bị cáo Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (người môi giới dự án) và Lê Hòa Bình khai rất khớp với nhau về việc thỏa thuận mức giá, cũng như việc chi tiền cho từng người".
“Tôi không muốn nhắc ra nhưng các bút lục thể hiện vai trò của từng người mà chưa hề có bóng dáng của Trịnh Xuân Thanh trong việc chỉ đạo các bị cáo”, luật sư Quynh nói.
Bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh thắng, luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng Thắng chỉ là người biết thông tin, có quan hệ thì giới thiệu. Trong bữa ăn cũng không có bàn bạc gì về giá, chỉ đơn thuần là người giới thiệu mối quan hệ. Số tiền 5 tỷ đơn thuần chỉ là cảm ơn. Số tiền này không thể coi là đồng phạm để tham ô. Số tiền này không nằm trong phạm vi Thắng quản lý, không đủ căn cứ cấu thành tội tham ô tài sản.
Cùng bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị Viện KSND cụ thể hóa hành vi, chỉ ra được hành vi cụ thể chứng minh Thắng có chung ý chí phạm tội tham ô với các bị cáo khác.
Luật sư đồng thuận với những quan điểm có căn cứ đúng quy định của pháp luật mà các luật sư của Trịnh Xuân Thanh đã đặt ra, nhấn mạnh cần xác định phần sở hữu nhà nước có hay không và là bao nhiêu, không thể nói chung chung. Cần phải làm rõ thực sự tài sản này là của ai? Ai bị chiếm đoạt? ai là nguyên đơn dân sự?
"Việc Viện KSND bác bỏ đồng thuận của tôi là không có căn cứ. Thắng sắp xếp cuộc gặp để Hương tiếp xúc với Thanh. Nhưng ngay tại cuộc gặp gỡ đó, Thanh đã nói chủ trương chuyển nhượng đã có từ trước và đang triển khai rồi. Chủ trương chuyển nhượng không hề sai. Do đó, việc sắp xếp cuộc gặp gỡ của Thắng là không sai. Hơn nữa, trong cuộc gặp này, Thắng và Hương không hề đề cập đến giá chuyển nhượng. Ở đây, Viện Kiểm sát đã trích dẫn nhưng không xâu chuỗi tổng hợp, cắt xén”, luật sư Thiệp nói.
Đinh Mạnh Thắng thừa nhận đã nhận 5 tỷ đồng và chuyển giúp 14 tỷ đồng cho Thanh nhưng không có căn cứ buộc Thắng phải biết số tiền này được hình thành từ việc chuyển nhượng cổ phần. Thắng chỉ là người ngoài, không thể biết được.
Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho Thắng hưởng các tình tiết giảm nhẹ khắc phục hậu quả ngay sau khi nhận tiền có vài ngày, trước khi khởi tố vụ án 7 năm. Cộng với mức độ sai phạm và nhân thân bị cáo.
Phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (3/2).