Theo dược sĩ Hùng, một cách phân biệt thật giả là lấy cọng hành tươi nhúng vào lọ mật ong, lấy ra chừng vài phút. Cọng lá hành sẽ chuyển từ màu xanh lá sang sậm nếu mật ong thật. Ngoài ra, có thể nhỏ giọt mật vào nơi có kiến, nếu kiến không bu giọt mật thì cũng là mật ong thật.
Ngày nay, nhiều người đặt mật ong vào ngăn đá tủ lạnh, sau 24 giờ mà không có hiện tượng đông đá thì là mật thật.
Food hướng dẫn một số cách phân biệt mật ong thật giả, như sau:
Cho một muỗng mật ong vào ly nước. Mật ong pha trộn sẽ hòa tan trong nước. Mật ong nguyên chất thì lắng xuống đáy ly.
Mật ong nguyên chất không thấm qua khăn giấy.
Nhỏ một giọt mật ong lên khăn giấy. Mật ong được pha loãng với nước hoặc tạp chất sẽ thấm qua giấy và để lại vết ướt. Mật ong nguyên chất không thấm qua giấy được.
Phết mật ong lên bánh mì. Mật ong nguyên chất sẽ khiến bánh mì trở nên cứng giòn sau vài phút. Mật ong pha trộn làm cho bánh mì ẩm và mềm do các chất phụ gia.
Trộn một muỗng cà phê mật ong, một ít nước và 2-3 giọt tinh chất giấm với nhau. Nếu hỗn hợp này nổi bọt, khả năng rất cao là mật ong đã bị nhiễm tạp chất.
Đun nóng mật ong (không cần thiết phải đun sôi). Mật ong nguyên chất sẽ đông lại trong khi mật ong pha tạp chất sẽ nổi bong bóng.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cho biết, mật ong được xử li từ mật ong thô, tức mật ong ban đầu được loài ong tạo ra từ phấn hoa. Mật ong thô được thu hoạch trực tiếp bằng cách vắt tổ ong, màu đục, giá trị dinh dưỡng cao, không có bất kì chất phụ gia nào.
Để ăn được, người ta xử lí tiệt trùng mật ong thô này bằng cách đun nóng ở 70 độ C trở lên, sau đó làm lạnh nhanh, lọc và đóng chai.
Quá trình này làm mất đi một số chất dinh dưỡng trong mật ong, nhất là trong phấn hoa và keo ong. Mật ong sau xử lí có màu vàng, giảm hương thơm so với mật ong thô nguyên chất. Một số nơi chế biến có thể cho thêm chất phụ gia vào mật ong sau xử lí.