Chi hàng nghìn tỉ nhập linh kiện: Tiền của Asanzo đã chảy về đâu?

Báo cáo của Tổng cục Quản lí thị trường đã cho thấy danh sách chi tiết các nhà cung ứng vật tư cho Asanzo trong các năm 2017 - 2019. Trong 3 năm này, Asanzo đã chi khoảng 1.800 tỉ đồng để mua vật tư, linh kiện...

Tổng cục Quản lí thị trường (Bộ Công Thương) đã chính thức có báo cáo kết quả xác minh hoạt động nhập khẩu, kinh doanh của của các công ty thuộc tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam.

Đồ thị parabol của Asanzo

Theo danh mục hàng hoá do công ty lắp ráp, mỗi năm Asanzo đưa ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm chủ yếu là tivi, bếp từ, bếp hồng ngoại, ấm đun nước, điều hoà...

Trong ba năm được Tổng cục Quản lí thị trường thống kê (2017 - 2019), sản xuất/lắp ráp của Asanzo đạt đỉnh cao vào năm 2018 và suy giảm mạnh vào năm 2019.

Cụ thể, năm 2017, Asanzo đã sản xuất, lắp ráp 171.550 chiếc ấm đun nước; 196.992 chiếc tivi; 16.887 chiếc bếp từ, hồng ngoại; 4.650 chiếc đầu thu kỹ thuật số; 1.355 chiếc lò nướng; 960 chiếc loa; 2.600 chiếc máy điều hoà; 747 chiếc máy làm mát; 1.485 chiếc điện thoại.

Năm 2018, tình hình sản xuất của Asanzo tăng trưởng mạnh: số lượng tivi lắp ráp tăng gấp rưỡi về số lượng và tăng gấp đôi về giá thành, lần lượt đạt 324.375 chiếc và 1.015 tỉ đồng. Mặt hàng ấm đun nước cũng tăng lên 216.033 chiếc; bếp từ, bếp hồng ngoại là 11.815 chiếc; máy điều hoà 1.377 chiếc; lò nướng 1.686 chiếc; điện thoại là 15.871 chiếc.

Đến năm 2019, tốc độ sản xuất, lắp ráp của Asanzo suy giảm mạnh. Rõ nhất là mặt hàng tivi khi từ đầu năm đến nay chỉ sản xuất 72.749 chiếc (bằng 1/4 cả năm 2018), ấm đun nước, đạt 59.938 chiếc; bếp từ, hồng ngoại là 1.279 chiếc, lò nướng là 191 chiếc; điện thoại 6.793 chiếc.

Theo Tổng cục Quản lí thị trường, tỉ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành sản xuất của Asanzo ở mức 95-99%, tuỳ sản phẩm.

Asanzo chi hàng nghìn tỉ nhập vật tư

Danh sách các nhà cung cấp vật tư cho Asanzo cho thấy trong giai đoạn 2017 - 2019, Asanzo đã chi khoảng 1.800 tỉ đồng để nhập các linh kiện tivi, ấm đun nước, bếp hồng ngoại, máy lạnh...

Cụ thể, năm 2017, Asanzo chi 552,8 tỉ đồng để nhập linh kiện từ gần 30 nhà cung cấp. Chẳng hạn như Asanzo nhập khẩu 6.100 linh kiện tivi từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Đức giá trị 236 triệu đồng; nhập 16.576 linh kiện panel, vỏ thùng từ Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo với giá trị 4,5 tỉ đồng; nhập 11.180 vỏ thùng từ Công ty Cổ phần Sản xuất bao bì Việt với giá trị 56 triệu đồng; nhập 71.645 vỏ thùng, linh kiện tivi từ Công ty Cổ phần Đầu tư Asanzo với giá trị 2,6 tỉ đồng; nhập 111 linh kiện tivi từ Công ty Cổ phần Viễn thông Asanzo với giá trị 28 triệu đồng...

Năm 2018, Asanzo chi 1.076 tỉ đồng để nhập linh kiện, vật tư từ hơn 20 nhà cung cấp. 

Có thể kể đến như: nhập 21.768 panel, vỏ thùng từ Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam với giá trị 40,6 tỷ đồng; nhập 39.686 panel từ Công ty Cổ phần Sản xuất Tuấn Phát với gá trị 77,7 tỉ đồng; nhập 181.178 vỏ thùng, panel, linh kiện ấm đun nước từ Công ty Cổ phần Đầu tư Asanzo với giá trị 44,3 tỷ đồng; nhập 9.310 vỏ thùng từ Công ty TNHH Bao bì giấy Song Nam Long với giá trị 111 triệu đồng...

Năm 2019, Asanzo chi 235 tỉ đồng để nhập linh kiện từ 10 nhà cung cấp, chẳng hạn như: nhập 24.372 panel từ Công ty Cổ phần Đầu tư Asanzo với giá trị 7,7 tỉ đồng; nhập 95.239 panle, linh kiện điện thoại, linh kiện ấm đun nước từ Công ty TNHH Thương mại Đầu tư An Nhiên với giá trị 11,3 tỉ đồng; nhập 434.969 linh kiện tivi, linh kiện bếp hồng ngoại, linh kiện bếp nướng từ Công ty TNHH Đầu tư TM KT Lê Quang với giá trị 74,6 tỉ đồng...

Tổng cộng trong 3 năm, Asanzo nhập khoảng 8,5 triệu linh kiện, vật tư từ các nhà cung cấp.

Khách hàng lớn nhất của Asanzo là các pháp nhân có tên Asanzo

Về danh sách khách hàng, năm 2017, khách hàng lớn nhất của Asanzo là Công ty Cổ phần truyền thông và giải trí Asanzo với 308.727 chiếc, giá trị 428.552 tỉ đồng; tiếp theo là Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo với 26.251 chiếc, giá trị 54 tỉ đồng.

Danh mục khách hàng trong năm 2017 còn gồm các cái tên như: Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty Cổ phần Kooda Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Asanzo, Công ty Cổ phần Viễn thông Asanzo...

Năm 2018, khách hàng lớn nhất của Asanzo là Công ty cổ phần Đầu tư Asanzo với 271.314 ấm đun nước, bếp từ, bếp hồng ngoại, điều hoà, tivi, điện thoại, giá trị 608 tỉ đồng.

Kế tiếp là Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo với 193.047 ấm đun nước, bếp từ, bếp hồng ngoại, máy làm mát, điều hoà, máy lọc nước RO, bếp gas, TV, điện thoại, giá trị 435 tỉ đồng.

Các cái tên góp mặt vào danh sách còn có: Điện lạnh Asanzo, Tuấn Phát, Kooda Việt Nam, Ministop Việt Nam, Thạch Sơn, Hưng Thịnh, Nhật Văn.

Năm 2019, danh sách các khách hàng của Asanzo gồm Công ty Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo, Đầu tư Phú Hoàng Gia, Kooda Việt Nam, Công ty Đầu tư Asanzo...

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.