Ông Phạm Văn Tam tuyên bố Asanzo chính thức tạm dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh

Asanzo đã quyết định tạm dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 30/8/2019, vì không còn đủ năng lực tài chính để duy trì. Trong tuyên bố trước đó, ông Phạm Văn Tam cho rằng Asanzo có nguy cơ phá sản nếu tiếp tục “có chi mà không có thu”.

Chiều 30/8, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, lên tiếng xác nhận doanh nghiệp đã tạm dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì, bảo hành sản phẩm đã bán ra.

AADk93f

Asanzo chính thức dừng mọi hoạt động kinh doanh từ ngày 30/8/2019. (Ảnh: TBTC).

"Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, hệ thống bảo hành của Công ty Asanzo vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian công ty tạm dừng các hoạt động khác. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng đảm bảo được quyền lợi của người lao động trong khả năng của công ty và theo quy định của pháp luật", thông báo của Asanzo do ông Phạm Văn Tam kí, cho biết.

Theo ông Tam, nguyên nhân là suốt 2 tháng kể từ ngày xảy ra lùm xùm báo chí tố nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt Nam, doanh nghiệp không hoạt động sản xuất, hàng hóa không bán được. Nhân sự của công ty nhiều bộ phận phải lo cung cấp tài liệu, giải trình với các cơ quan chức năng mà không làm việc được.

Người đứng đầu Asanzo nói thêm đã đến thời hạn Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành báo cáo kết quả thanh - kiểm tra hoạt động của Asanzo, làm rõ việc hãng nhập nhèm nguồn gốc, xuất xứ như truyền thông phản ánh thời gian qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cuối cùng. 

Thời gian qua, doanh nghiệp đã phối hợp cung cấp tài liệu pháp lí, hồ sơ chứng từ, hợp đồng, số liệu kế toán, kể cả bí mật kinh doanh với cơ quan chức năng. Hiện Asanzo đã không còn khả năng tài chính để có thể duy trì và tiếp tục hoạt động kinh doanh.

"Việc yêu cầu cung cấp tài liệu giải trình đã kéo dài ròng rã hơn 2 tháng nay, khiến cho toàn bộ hoạt động của công ty bị tê liệt", ông Tam cho biết thêm.

Ông Tam cũng cho rằng doanh nghiệp thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng từ sự cố này, thị phần trên thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng. Và việc thiệt hại ngày càng nặng hơn khi tình hình kinh doanh mà chỉ có chi nhưng không có thu, đồng thời phải duy trì công việc để tạo việc làm cho người lao động, chi phí sản xuất, kho bãi.

anh-chup-man-hinh-2019-06-22-luc-162525-156119553529059943967-15668975700512065100616

Kế hoạch năm nay, Asanzo sẽ có doanh thu khoảng 10.000 tỉ nhưng sự cố hơn 2 tháng qua khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng nghìn tỉ. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Cách đây vài ngày, ông Phạm Văn Tam cũng cho biết nếu tình hình kiểm tra, giải trình cứ kéo dài mà không có kết luận cuối cùng về vụ việc, doanh nghiệp buộc phải tạm đình chỉ hoạt động, vì không còn khả năng tài chính, thậm chí khả năng phá sản. 

"Vấn đề phá sản là nguy cơ trước mắt đối với công ty chúng tôi, mặc dù rất xót xa nhưng chúng tôi buộc phải sa thải lao động", ông Tam chia sẻ. 

Với quyết định chính thức tạm dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, bắt đầu từ hôm nay, 30/8/2019, song ông Phạm Văn Tam vẫn bày tỏ nguyện vọng cơ quan chức năng sớm có kết luận thanh, kiểm tra chính thức về vụ việc, để doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.000 người lao động.

Chậm có kết quả vì thủ tục điều tra phức tạp

Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin Asanzo nhập khẩu hàng nước khác, gắn mác xuất xứ Việt Nam bán ra thị trường, và làm rõ các vi phạm để xử lí theo quy định pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo kết quả Thủ tướng trước ngày 30/7/2019. Tuy nhiên, theo các Bộ, do tính chất phức tạp của vụ việc nên các cơ quan liên quan cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng muộn hơn.

Chánh Văn phòng của Ban Chỉ đạo 389 cho rằng phải tới 30/8 mới có kết luận vụ việc.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết quá trình xác minh vụ việc liên quan nhiều doanh nghiệp, nên việc tiến hành điều tra, xác minh có phần phức tạp, khiến thời gian có kết luận cuối cùng chậm hơn dự kiến.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.