Một buổi sáng vài năm trước, bác sĩ thú y Hoàng Ngọc Báu ghé thăm chú chó becgie hàng khủng và có tiếng hung dữ ở quận Long Biên (Hà Nội). Hai bên đã quen nhau trong một tuần chữa bệnh, vài lần ông Báu còn dẫn chú chó đi dạo. Nhưng sáng hôm đó, điều bất ngờ xảy ra.
"Tôi vừa đến thì nó nhe răng lao thẳng tấn công tôi. Theo bản năng tự vệ tôi đứng im và dùng hai tay bắt chéo lên cổ. Thế là nhát cắn rách cơ tay, máu phun ra. Ông chủ hốt hoảng trấn áp con chó để cứu tôi", bác sĩ Báu kể.
Sau khi cấp cứu ổn thỏa, bác sĩ Báu ngẫm lại sự việc mới hiểu lý do chú chó đã quen mà vẫn cắn, đó là vì trước lúc đến bác sĩ đã tắm xà phòng của cậu con trai nên mùi lạ nó không nhận ra. Chó vốn là loài có mũi rất thính, nó nhận biết người quen bằng khứu giác, không phải bằng thị giác.
Vụ việc bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng cắn chết vừa xảy ra ở Hà Nội gây bàng hoàng cho nhiều người. Ông Thanh (Cầu Diễn, Hà Nội) - người sở hữu một chú chó ngao 8 năm, nặng tới 58 kg - cho hay, ngao Tây Tạng là một giống chó dữ, trong đó dữ nhất là giống ngao đầu sư tử giống như nhà ông đang nuôi và gia đình vừa có bé gái bị tai nạn.
Chó ngao rất dữ, thường huấn luyện để tấn công kẻ thù, bảo vệ chủ nhân, giữ của... Ảnh: P.D. |
"Con chó nhà tôi đã được cho đi học vài khóa huấn luyện nên thường nó chỉ ngoạm chặt, chứ không cắn", ông Thanh cho biết. Nhưng dù thế ngoài vợ chồng ông, cũng chỉ có con trai, gái, dâu rể tiếp xúc được. Trong việc trấn áp, nó chỉ nghe lời mình ông.
Con chó ngao của ông chưa từng cắn trẻ con, nhưng đã 2 lần cắn người lớn. Một lần là chàng thanh niên đạp vào lồng trêu, bị vồ vào chân. Lần khác là một người đến tháo cái bơm ra sửa, chú chó vốn được đào tạo giữ của đã chạy lại ngoạm vào tay.
Vì là giống chó giữ, ông Thanh nuôi nhốt và luôn cảnh báo mọi người tránh xa khi tới nhà chơi. Ông cũng luôn để trẻ nhỏ tránh xa lồng nuôi chó. Trong ngày gia đình luôn có người cho nó ăn, vuốt ve và dắt đi dạo để chó gần gũi với chủ và thiên nhiên.
55 năm làm bác sĩ thú y và từng được đào tạo chuyên về dịch tễ tại Đức, song bác sĩ Báu không ít lần bị những loài thú nuôi cắn, đặc biệt là chó. Ông nói: "Thống kê tai nạn bị động vật cắn thì chó có nguy cơ cao nhất. Mặc dù được xác nhận là 'bạn trung thành của con người', nhưng đôi lúc bản tính hoang dã, tự vệ hoặc cá tính bất thường chúng đều có thể gây nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe cho con người".
Trong các giống chó đang được nuôi ở Việt Nam, những giống gây nguy hiểm nhất là Pitpull, Rottweiler, Ngao và các giống chó bản địa như chó Bắc Hà, Mông Cộc...
Tuy nhiên, theo bác sĩ Báu, lý do không hẳn do giống chó, mà nguyên nhân chính là lỗi chăm sóc của con người. Thông thường trên thế giới một gia đình muốn nuôi giống chó nào đều phải khai báo với chính quyền diện tích nhà, điều kiện chăm sóc. Nhưng ở Việt Nam, nhiều giống chó bị nuôi nhốt, không được hòa đồng với tự nhiên, chủ nuôi cũng như được chơi với các giống chó khác. Việc không được đẻ, được giao phối cũng sinh ra tính khí thất thường của nó.
"Một phần còn do bản tính của chó. Nó không muốn cắn người nhưng thích đuổi theo những gì chuyển động. Chính vì thế trên bảng thống kê thế giới, trẻ em bị chó cắn rất lớn", bác sĩ Báu cho hay.
Để an toàn khi bị chó tấn công, bác sĩ Báu khuyên tuyệt đối không được chạy, phải đứng im, giơ hai tay lên bảo vệ cổ, bộ phận hiểm dễ chết. Nếu chẳng may bị ngã thì cuộn tròn người lại.
Bác sĩ Báu cho biết các gia đình có trẻ nhỏ chỉ nên nuôi những giống chó nhỏ và ít lông để đảm bảo an toàn về sức khỏe. Ảnh: NVCC. |
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng sau khi thú nuôi tấn công, bởi nó tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại, uốn ván. "An toàn nhất là mọi người nên tiêm định kỳ vắc xin phòng dại 3 năm một lần. Nếu bị chó cắn, cần đi tiêm phòng và theo dõi chó trong 15 ngày", ông Báu cho biết.
Ông kể, nhiều năm trước có một bà cụ và đứa cháu ở Long Biên bị chó cắn, nhưng chỉ đứa cháu đi tiêm, còn bà chủ quan không tiêm. "Một lần tôi tới nhà, chỉ quạt nhẹ thôi mà bà đã sợ tránh gió. Tôi giật mình, lúc đó tôi nói với anh bạn: 'Mẹ cậu bị phát bệnh dại rồi'. Rất tiếc sau đó đã không cứu được bà cụ nữa", ông kể.
"Tôi cũng có một người bạn chữa bệnh cho một chú ngựa. Trong quá trình ấy bị dính phân ngựa vào vết thương hở và sâu ở tay. Chỉ vài ngày sau anh ấy đã chết bởi căn bệnh uốn ván", bác sĩ Báu trầm ngâm kể.
Dưới đây là những trường hợp chó dễ tấn công người, theo bác sĩ Báu: 1. Chó đang ủ bệnh dại hoặc đang lên cơn dại không còn nhận biết chủ, quen lạ. 2. Chó lạ, chó dữ do bản tính hoang dã, khó dạy bảo. Chó đẻ bảo vệ con. 3. Chó bị xích, nhốt thường xuyên, ít được tiếp xúc với người và chó khác. 4. Chó đã có mặc cảm với một số bộ dạng, cử chỉ và cách ăn mặc như: người rao hàng rong, thu mua đồng nát ve chai, hành khất... thậm chí những người hay say xỉn. Có những con chó "thù dai", rất ghét một ai đó, luôn muốn tấn công khi gặp bất cứ lúc nào. 5. Chó bị trẻ con trêu chọc. 6. Chó đang tranh ăn với chó khác hoặc tiếp xúc bất ngờ khi chó đang ăn, nhất là đang gặm xương. 7. Chó đực đang hưng phấn giao phối bạn tình, hoặc tranh giành bạn tình. 8. Chó đang đánh nhau kịch chiến với chó khác. Giống Pitbull, Phú Quốc rất hay đánh nhau, tìm diệt và cắn các giống chó khác. 9. Chó ở chỗ lạ, đông người lạ, nhiều chó lạ: như các buổi offline, dog show... 10. Chó bị làm đau, hoảng sợ: bị tiêm chích vắc xin, điều trị, bị trói, đánh, bắt thịt... 11. Chủ chó hoặc người nhà trên người, quần áo có mùi lạ: mùi nước hoa, xà phòng... hoặc có cử chỉ bất thường. 12. Chó bị nguy hiểm: mắc kẹt, sa hố, sập bẫy, trói, xoắn xích cố gắng tự giải thoát cắn xé. |