Chủ tịch GP Invest: Làm dự án bất động sản có khi phải xin 38 - 40 con dấu

Theo Chủ tịch GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp, khi làm dự án bất động sản, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để làm dự án. Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là tính giá đất, nhiều đơn vị mất 1 - 2 năm vẫn không tính được khiến việc ra dự án mới bị chậm trễ, chi phí đầu vào tăng cao.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy). 

Khép lại năm cũ với nhiều biến động, thị trường bất động sản Việt Nam 2025 được giới chuyên môn đánh giá là đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ V diễn ra sáng nay, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết điều này được thể hiện qua 3 yếu tố. 

Thứ nhất, GDP hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2024 tăng 3,34% so với năm 2023 và ngành xây dựng cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng 7,78%.

Thứ hai, nguồn cung nhà ở thương mại mới tăng lên trong giai đoạn 2021 - 2024. Thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng còn nhiều khó khăn nhưng condotel đã có tín hiệu tích cực. Lượng giao dịch đất nền phục hồi tốt hơn hẳn so với giai đoạn 2021.

Thứ ba, số lượng khu công nghiệp trên cả nước đã tăng từ 397 khu công nghiệp vào năm 2021 lên 431 khu công nghiệp. Trong đó, số lượng khu công nghiệp đang hoạt động chiếm 71%, tỷ lệ lấp đầy có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, thách thức là lợi nhuận của doanh nghiệp địa ốc niêm yết giảm 1,5%, cổ phiếu giảm 1,9%, chủ yếu do chi phí tăng mạnh bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, nợ vay… Thị trường bất động sản còn tồn tại những vướng mắc, trong đó nổi bật là việc giá nhà ở tăng cao.

Một số địa phương chưa công bố bảng giá đất mới; khi công bố thì công tác truyền thông chưa thực sự tốt dẫn đến có những phản ứng trái chiều; việc ban hành văn bản hướng dẫn các Luật mới, Nghị quyết mới còn chậm.

Tiếp đến là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân đối với dự án quy mô nhỏ và vừa. M&A còn khó khăn do chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đấu giá đất còn bất cập về giá khởi điểm, năng lực các bên tham gia đấu giá, chế tài... Cách làm nhà ở xã hội còn bất cập, nguồn vốn cho loại hình này vẫn cần được quan tâm.

Chủ tịch GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp. (Ảnh: Reatimes).

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) cũng đánh giá tín hiệu thị trường đã cho thấy sự hồi phục.

Vị này cho biết, thông thường có quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi", sẽ không có khách mua hàng. Tuy nhiên, với dự án vừa mở bán của GP Invest, tốc độ ra hàng nhanh hơn so với thời điểm cuối năm 2024. Điều này phản ánh sức mua đã có sự tăng trưởng hơn so với trước. 

Cùng với diễn biến tích cực trên, Đảng và Chính phủ đang rất quyết tâm trong cải cách thể chế, nhất là lĩnh vực bất động sản với cách thức thực hiện quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn gặp một số vướng mắc nhất định: "Trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để có thể thực hiện dự án. Việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh thành công bố bảng giá đất mới. Tôi cho rằng nội hàm do cơ cấu tính giá đất, yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến việc giá đất tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp.

Thứ nhất là chậm trễ ra dự án mới, hiện nhiều doanh nghiệp mất 1 - 2 năm vẫn không tính được giá đất. Thứ hai là chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến việc nếu tính giá đất không chuẩn xác sẽ có thể gây ra nhiều khúc mắc. Đây là điều tôi mong muốn được các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp để triển khai dự án bất động sản nhanh hơn".

Ngoài ra, lãnh đạo GP Invest cho rằng nếu kích thích đầu tư tư nhân thì GDP chắc chắn sẽ tăng trưởng, qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng theo. Vị này kỳ vọng những vướng mắc còn tồn đọng về thể chế sẽ được tháo gỡ để bất động sản có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. 

chọn
Thành viên Becamex sắp khởi công khu công nghiệp 1.700 tỷ ở Bình Thuận
Dự kiến tháng 9, KCN Sơn Mỹ 2 - Giai đoạn 1 ở tỉnh Bình Thuận sẽ được tổ chức khởi công. Dự án có quy mô hơn 468 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.717 tỷ đồng.