Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Thế chấp toàn bộ cổ phiếu cá nhân để đảm bảo trái phiếu, dự kiến dòng tiền kinh doanh sẽ dương từ năm 2024

Trong giai đoạn từ năm 2024 - 2026, Hòa Bình đặt mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn chủ sẽ giảm về mức 1,1 lần trong năm 2026, dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dương từ năm 2024 và đạt 600 tỷ đồng vào năm 2026. Ngoài ra, năm nay, công ty cũng có kế hoạch thúc đẩy và phát triển mảng hạ tầng.

Đặt mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn chủ sẽ giảm về mức 1,1 lần trong năm 2026

Tại Đại Hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) diễn ra vào ngày 27/6 vừa qua, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đã chia sẻ kế hoạch tài chính của công ty trong giai đoạn tới.

Theo đó, công ty đặt ra kế hoạch tái cấu toàn diện do Tổng Giám đốc công ty, ông Lê Văn Nam đề xuất, bao gồm tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc hệ thống công ty thành viên và công ty liên kết.

 Dàn lãnh đạo của Xây dựng Hòa Bình. (Ảnh: Trương Nhi).

Công ty cũng thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi.

Theo ông Hải, dự kiến lũy kế nợ đến ngày 31/12 năm nay là 2.059 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở về như cũ mà còn cao hơn trước đây.

Ông Hải cũng cho biết, với nguyên tắc chung là thận trọng, đơn vị kiểm toán đã căn cứ vào tuổi nợ để xác định giá trị trích lập dự phòng nói riêng. Thực tế, trong suốt lịch sử kinh doanh của mình, Hòa Bình chưa hề xóa một khoản nợ nào, hầu hết các khoản nợ đã từng trích trước đây đều đã được hoàn nhập.

Trong thời gian qua, Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua các cơ quan chức năng và đã có 11 vụ được đưa ra xét xử. Trong đó, Hòa Bình đã thành công trong cả 11 vụ, tổng giá trị mà Hòa Bình sẽ thu về qua kết quả xét xử cao hơn nhiều so với nợ gốc lên đến gần 50%.

Ông Lê Viết Hiếu Phó Tổng Giám đốc thường trực của công ty chia sẻ thêm, Hòa Bình dự kiến trong năm nay sẽ tăng nguồn đầu tư cho Công ty Hòa Bình 479 để thúc đẩy và phát triển mảng hạ tầng.

Tại thị trường BĐS, hiện tại chủ đầu tư đang thiếu hụt nguồn tín dụng để triển khai dự án và Hòa Bình đã tăng cường kết nối với các nguồn vốn nước ngoài để cùng chủ đầu tư xoay vốn triển khai dự án.

Chi phí xây dựng tăng do giá nhân công, nguyên vật liệu tăng cao nên Hòa Bình phải thay đổi mô hình hoạt động, tái cấu trúc chi phí, hướng đến tối thiểu hóa các định phí và tối đa hóa các biến phí.

Liên quan đến các dự án mới chậm triển khai, hoặc bị tạm dừng vì vấn đề pháp lý thì Hòa Bình sẽ cùng chủ đầu tư, các phối hợp với các cơ quan ban ngành để tháo gỡ qua các công tác hội thảo cũng như kiến nghị đến các lãnh đạo Trung Ương.

Trong giai đoạn năm 2024 - 2026, Hòa Bình đặt mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn chủ sẽ giảm về mức 1,1 lần trong năm 2026. Dòng tiền hoạt động từ sản xuất kinh doanh sẽ dương từ năm 2024 và sẽ đạt 600 tỷ đồng vào năm 2026.

Về chỉ tiêu lợi nhuận, năm 2024, Hòa Bình đặt chỉ tiêu lợi nhuận gộp khoảng 7% và lợi nhuận ròng 2% và sẽ tăng mỗi năm 1% từ năm 2025 - 2026.

Hòa Bình sẽ phân loại và định hướng lại tất cả các công ty con và công ty liên kết dựa vào 2 tiêu chí, đó là tiềm năng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Những công ty có năng lực cạnh tranh tốt và tiềm năng tăng trưởng cao thì Hòa Bình sẽ tập trung đầu tư và duy trì, cố gắng để phát triển các công ty này. Những công ty mà có mức tăng trưởng yếu và tiềm năng tăng trưởng kém, thì Hòa Bình sẽ tìm cách thoái vốn hoặc tìm những đối tác khác có thể mua lại.

Hoặc với những công ty có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng năng lực cạnh  tranh chưa tốt, Hòa Bình sẽ tái cấu trúc và tìm những người quản lý mới, tìm những đối đồng hành, đối tác chiến lược khác cùng đầu tư phát triển để công ty tăng được cạnh tranh của các công ty đó lên.

Thế chấp toàn bộ cổ phiếu cá nhân tại ngân hàng để đảm bảo việc phát hành trái phiếu của công ty

Về vấn đề chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp, theo ông Lê Viết Hải, đầu năm 2022, cổ phiếu HBC đạt đỉnh trên 30.000 đồng/cp, công ty đã thỏa thuận được với đối tác chiến lược Nhật Bản để phát hành 5 triệu cổ phiếu với giá 32.500 đồng/cp.

Sau đó, khi xin phát hành thì theo quy định Hòa Bình có 4 ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia. Phía đối tác đề nghị thay vì phát hành cổ phiếu mới thì lấy cổ phiếu của Chủ tịch. 

“Tôi đã từ chối lời đề nghị đó, mặc dù lúc đó giá cổ phiếu HBC trên sàn chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/cp.

Sau đó phía đối tác đề nghị để đảm bảo giao dịch này phải có 5 triệu cổ phiếu của tôi phong tỏa tại một công ty chứng khoán, và công ty chứng khoán đó là SSI. Tôi phải tạm ứng 100 tỷ đồng để đạt 5 triệu cổ phiếu đó.

Có một vấn đề nữa là toàn bộ cổ phiếu của tôi cũng đã thế chấp ở ngân hàng để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của Hòa Bình để giải quyết vấn đề dòng tiền của công ty lúc khó khăn, khi nhiều dự án, đặc biệt là dự án nghỉ dưỡng hoãn tiến độ, các chủ đầu tư chậm thanh toán cho công ty”, ông Hải nói.

 Ông Lê Viết Hải cùng ban lãnh đạo Hòa Bình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Hòa Bình. (Ảnh: Trương Nhi).

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết đã dùng khu đất là tài sản cá nhân để xây dựng làm nhà kho, nhà xưởng từ năm 1993 đến nay. 

Cụ thể, bàn về việc báo cáo tài chính các năm trước có thể hiện khu đất 7.000 m2 tại đường Phan Văn Hớn, quận 12 TP HCM là tài sản của công ty nhưng đến ngày 20/5 công ty mới ban hành nghị quyết HĐQT, ông Lê Viết Hải chia sẻ, “Sở dĩ có vấn đề trên bởi vì năm 2020, tôi có thông báo cho HĐQT về giao dịch này để giảm khoản nợ cá nhân đối với công ty.

Thực ra, khoản tạm ứng của tôi cho công ty lên đến 120 tỷ đồng tại thời điểm đó cũng là để phục vụ cho lợi ích của cổ đông.

Tôi có miếng đất cho công ty sử dụng không phải là đất trống mặc dù trên hồ sơ giấy tờ để là đất nông nghiệp. Thực tế, khu đất này đã được xây dựng làm nhà kho, nhà xưởng, làm cơ sở sản xuất và văn phòng cho các công ty con từ 1993 đến nay. 

Đó là tài sản cá nhân, chưa hề đưa vào góp vốn cho công ty. Suốt 30 năm tôi chưa lấy một đồng tiền cho thuê nào. Nếu tính tiền cho thuê đó và chi phí cơ hội thu được từ nguồn thu nhập đó nó phải gấp nhiều lần so với giá 120 tỷ đồng. Hiện nay, giao dịch đất nền ở khu vực này cũng 60 triệu đồng/m2, tính ra giá trị khu đất trên 400 tỷ đồng”, ông Hải nói.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.