ĐHĐCĐ Tập đoàn Hòa Bình: Tự tin trúng thầu Sân bay Long Thành, kế hoạch kinh doanh nằm trong tầm kiểm soát

Tại đại hội, công ty đã trình cổ đông thông qua mục tiêu tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 125 tỷ đồng, mục tiêu này có thay đổi so với tờ trình mà doanh nghiệp đã công bố hồi giữa tháng 6.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ của Hòa Bình. (Ảnh: Trương Nhi).

Thay đổi mục tiêu lợi nhuận

Chiều nay (ngày 27/6), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, theo đó, công ty đã trình cổ đông kế hoạch sản xuất với tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. 

Mục tiêu này có thay đổi so với tờ trình mà doanh nghiệp đã công bố hồi giữa tháng 6. Theo như kế hoạch trước Hòa Bình đặt chỉ tiêu tổng doanh thu năm nay là 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng loại bỏ thông tin liên quan đến "báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2022 và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán" tại phần báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Tổng giám đốc về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, tại đại hội, cổ đông công ty đã thông qua việc thay đổi trên.

 Thay đổi trong tờ trình của Hòa Bình tại Đại Hội. (Nguồn: Tờ trình cổ đông của Hòa Bình).

Đại diện Hòa Bình cho biết, hiện tại công ty chưa nhận được báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán nên, công ty sẽ dời lại mục này để cổ đông công ty thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023.

Nhìn lại năm 2022, Hòa Bình đạt doanh thu thuần gần 14.149 tỷ đồng, thực hiện 80,85% kế hoạch và tăng 24,59% so với năm 2021, song, báo lỗ ròng hơn 2.594 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 103 tỷ đồng.

Đây là các kết quả đã kiểm toán được công bố trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông của Hòa Bình. Hiện, công ty chưa công bố các bản báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. 

So sánh với khoản lỗ ròng 1.138 tỷ đồng trong báo cáo tài chính tự lập mà công ty đã công bố, có thể thấy, sau kiểm toán, lỗ ròng của công ty đã sâu hơn gấp 1,3 lần. 

 Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons cũng tham dự đại hội với tư cách khách mời. (Ảnh: Trương Nhi)

Phát hành 274 triệu cổ phiếu, dự thu ít nhất 3.288 tỷ đồng

Tại đại hội năm nay, công ty cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu HBC, giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cp (tương đương ít nhất cao gấp 1,4 lần thị giá mã HBC hiện tại). 

Thời gian triển khai dự kiến trong năm nay, đối tượng phát hành là các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Nếu hoàn tất phát hành như kế hoạch, công ty sẽ thu được ít nhất 3.288 tỷ đồng. Hòa Bình cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. 

Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian triển khai dự kiến năm 2023 (hoặc sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan).

Lượng lớn cổ đông tham dự đại hội của Hòa Bình, BTC phải bổ sung thêm ghế ở khu vực hành lang. (Ảnh: Trương Nhi).

Bầu bổ sung thêm 3 Thành viên HĐQT

HĐQT Hòa Bình cũng trình đại hội miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Albert Antoine, ông David Martin Ruiz, ông Lê Quốc Duy và ông Dương Văn Hùng theo đơn từ nhiệm của các thành viên trên.

Ngoài ra, đại hội cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT, thay vì 2 thành viên như công bố trước đó. Các nhân sự được đề cử bao gồm ông Lê Văn Nam - Tổng Giám đốc HBC, bà Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hòa - Thành viên HĐQT độc lập.

Trong đó, bà Lượt là nhân sự do nhóm của Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, ông Lê Viết Hải (nắm 17,14% vốn) đề cử. Bà Lượt sinh năm 1976, là Cử nhân Kinh tế Trường Đại học Kinh tế TP HCM.

Về phần bà Hòa, đây là nhân sự do nhóm cổ đông nắm giữ 5,38% vốn đề cử. Bà Hòa sinh năm 1960, là Cử nhân Luật Trường Đại học Luật Hà Nội và Cử nhân Hành chính Học viện Hành chính Quốc gia.

Bên cạnh đó, cổ đông công ty cũng thông qua việc nâng số lượng thành viên HĐQT từ 5 thành viên lên 6 thành viên.

Thảo luận:

- Dự kiến khi nào có báo cáo kiểm toán năm 2022?

Ông Lê Viết Hiếu, Phó Tổng Giám đốc thường trực của công ty cho biết, đơn vị kiểm toán của công ty đang tăng tốc chuẩn bị hồ sơ tài liệu, dự kiến 30/6 sẽ có báo cáo kiểm toán năm 2022. Về lý do tại sao báo cáo tài chính kiểm toán bị trễ vì có một vài lý do.

"Lý do thứ nhất là có đơn trình báo của một vài thành viên HĐQT công ty gửi lên UBCKNN và đơn vị kiểm toán vì vậy Hòa Bình phải bổ sung các hồ sơ tài liệu để giải trình với UBCK, Sở giao dịch và đơn vị kiểm toán, bản thân đơn vị kiểm toán của Hòa Bình cũng là đơn vị kiểm toán quốc tế. Vì vậy, đơn vị kiểm toán phải nâng thẩm quyền phê duyệt của báo cáo kiểm toán lên vùng nên không thể duyệt ở Việt Nam.

Vì vậy, cũng kéo dài thời gian kiểm toán và việc trình báo và giải trình đơn trình báo cho đơn vị kiểm toán cũng như UBCK đã được thực hiện và đã có đầy đủ những hồ sử giải trình cho đơn vị liên quan”, ông Hiếu nói.

Lý do thứ 2 là vấn đề liên quan đến việc trích lập dự phòng. Theo Chủ tịch HĐQT công ty, ông Lê Viết Hải chia sẻ, năm nay là một năm khó khăn của thị trường bất động sản. Vì vậy, đơn vị kiểm toán có nhiều thận trọng trong việc đánh giá năng lực thanh toán của các chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư mà Hòa Bình đã ký kết. 

Thực tế những dự án mà Hòa Bình đã có đơn thi hành án từ cục thi hành án thì Hòa Bình đã rất thành công trong việc thu hồi, tổng nợ gốc mà Hòa Bình gửi đơn kiện khoảng 680 tỷ, trong khi đó, nợ mà Hòa Bình được cơ quan thi hành án công nhận là hơn 1.000 tỷ đồng và Hòa Bình đã thu hồi được hơn 500 tỷ đồng những khoản nợ này.

Đơn cử như là nợ của Tập đoàn FLC, Hòa Bình đã kiển nợ gốc với số tiền là 192 tỷ đồng và sau đó được tòa công nhận với tổng số tiền là 304 tỷ đồng. Công ty đã thu hồi 270 tỷ đồng bằng tiền mặt và 34 tỷ đồng bằng một tài sản tại Hạ Long. Với Coco Bay, nợ gốc của Hòa Bình là 247 tỷ đồng, cơ quan thi hành án công nhận là 374 tỷ đồng, và công ty đã thu hồi được 134 tỷ đồng.

Như vậy, có những quan điểm khác nhau giữa đơn vị kiểm toán và Ban lãnh đạo Tập đoàn và Tập đoàn cũng phải bổ sung rất nhiều tài liệu để bổ sung năng lực thanh toán của các chủ đầu tư về tài sản cũng như dòng tiền của các chủ đầu tư để chứng minh Hòa Bình không trích lập dự phòng và có nhiều các khoản doanh thu dự kiến.

Lý do thứ 3 là có môt vài khoản doanh thu mà Hòa Bình đã thực hiện nhưng chủ đầu tư dừng triển khai dự án và cũng thiếu nhân sự để xác nhận khối lượng dở dang này cho HÒa Bình cho nên là cần thơì gian để đơn vị kiểm toán kiểm tra lại hồ sơ khối lượng của công việc Hòa Bình đã làm để chứng minh doanh thu công ty trong năm 2022.

Đây là lý do chính tại sao BCTC năm 2022 bị chậm.

- Liên danh Hoa Lư tự tin bao nhiêu % sẽ trúng thầu cho gói thầu Sân bay Long Thành?

Ông Lê Viết Hiếu: Hòa Bình hoàn toàn tự tin là liên danh có thể trúng thầu gói thầu dự án Sân bay Long Thành

- Vì sao năm 2022 Hòa Bình có lợi nhuận âm hơn 2.500 tỷ đồng?

Ông Lê Viết Hiếu: Một vài lý do dẫn đến khoản lỗ trong năm 2022, thứ nhất là do giá cả vật liệu xây dựng tăng cao trong các tháng đầu năm.

Thứ 2 là do một số dự án dừng thi công nhưng vẫn phải duy trì chi phí gồm tiền thuê máy móc thiết bị, tiền trả cho nhân viên, do có cho phò mà không có doanh thu cũng dẫn đến khoản lỗ trên.

Thứ 3 là do chính sách về lãi suất vay, chi phí lãi vay tăng cao, tỷ lệ đòn bẩy của Tập đoàn quá cao. Vì vậy, dự kiến trong tương lai, công ty sẽ giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ cũng như nợ/ tổng doanh thu để công ty có một cơ cấu tài chính phát triển bền vững.

- Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận HBC được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế ổn định. Trong tình huống xấu nhất, kịch bản HBC dự báo là gì?

Ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc công ty: Kế hoạch kinh doanh 2023 với 12.500 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận là 125 tỷ đồng được đặt ra trong kịch bản bình thường.

"Quan điểm của tôi khá thận trọng, tôi đã chuẩn bị kịch bản xấu nhất là doanh thu 9.500 tỷ đồng. Tất cả các con số đều nằm trong sự kiểm soát của HĐQT công ty và sẽ có lợi nhuận", ông Nam khẳng định. 

- Vì sao loạt nhân sự cấp cao lâu năm nghỉ việc? công ty sẽ làm gì để đề phòng những vấn đề nhân sự nghỉ việc và pháp lý như thời gian vừa qua?

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT công ty: "Một số nhân sự cấp cao lâu năm nghỉ việc đây là điều đáng tiếc tuy nhiên bao giờ cũng thế, trong nguy có cơ. Trong điều kiện rất khó khăn, một số nhân sự do nhận thấy công việc ít và việc duy trì vị trí của mình tại công ty không giúp ích cho công ty nên đã tự nguyện nghỉ việc, nhưng cũng cam kết trở lại khi tình hình tài chính của công ty tốt hơn, cân đối được giữa chi phí và doanh thu.

Lâu nay, công ty không có chủ trương hết việc thì sa thải. Khi khó khăn, ít việc, chúng ta cùng nhau chia sẻ, giảm bớt thu nhập cá nhân và tranh thủ thời gian đó để chuẩn bị các kế hoạch cho tương lai đang làm và hoàn thiện hệ thống, tăng cường công tác đào tạo cho nguồn nhân lực. Còn một số nhân sự thì họ thấy áp lực công việc, nhà thầu phụ, khách hàng không hài lòng khi công ty khó khăn về tài chính nên nhiều cấp quản lý đã xin thôi việc.

Tôi hy vọng có những nhân sự cùng tầm nhìn, hoài bão về với tập đoàn để tạo nên một sự hợp lực tốt nhất, thực hiện được mục tiêu chiến lược của HÒa Bình Làm thế nào để HBC phát triển được ra thị trường quốc tế? Tôi rất tiếc khi các bước đi ban đầu chưa thành công.

Tuy nhiên, HBC đã xây dựng được nền móng rất tốt để có thể triển khai chiến lược này trong thời gian tới. Chúng tôi đã có đối tác ở nước ngoài, xác định được thị trường đạt được hiệu quả tốt. Tôi tin sau khi khắc phục được các vấn đề nội tại, việc phát triển ra thị trường nước ngoài được triển khai quyết liệt và thành công hơn".

 

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đã được thông qua.