Câu chuyện vì 8 chiếc răng sứ mà bị buộc rời khỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 của người đẹp Nguyễn Thị Thành tưởng đã chìm vào quá khứ. Ai ngờ được, mới đầu năm 2017, chuyện 8 chiếc răng này lại một lần nữa được tái hiện lại trong một cuộc thi nhan sắc khác - Hoa khôi Du lịch 2017, và cũng lại xảy ra ở một nạn nhân - Nguyễn Thị Thành.
Vừa đăng quang Á khôi Hoa khôi Du lịch 2017 chưa được 3 ngày thì BTC đã giáng xuống quyết định thu hồi danh hiệu của Nguyễn Thị Thành cũng vì lý do 8 chiếc răng sứ nên không còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên mà một người đẹp cần phải có. Đồng nghĩa với việc, cô không còn cơ hội tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế sắp tới.
Nguyễn Thị Thành vừa đăng quang Á khôi chưa được 3 ngày đã bị tước danh hiệu vì từng làm răng. (Ảnh: Internet) |
Quyết định vừa được đưa ra, BTC rối rít xin lỗi vì tắc trách trong công tác tổ chức cuộc thi, Nguyễn Thị Thành cắt đứt mọi liên lạc với mọi người, cả dư luận đồng loạt bức xúc và câu chuyện về 8 chiếc răng sứ lại tốn thêm giấy mực của biết bao nhiêu báo chí. Chưa bao giờ trong lịch sử cuộc thi nhan sắc Việt Nam, chiếc răng lại có số phận ba chìm bảy nổi đến như thế!
Nhiều người lên tiếng bênh vực cho Nguyễn Thị Thành, nói rằng nhan nhản trong showbiz là Hoa hậu, Á hậu làm răng sứ đấy thôi, thì tại sao lại xử ép với một cô gái nghèo như thế này. Thế nhưng ai đứng ra chỉ mặt cô Hoa hậu, Á hậu nào làm răng sứ hay phẫu thuật thẩm mỹ khi đi thi. Hay thực tế họ có làm, nhưng là sau cuộc thi. Và dĩ nhiên, sau cuộc thi ai chẳng có quyền làm, BTC đâu có luật cấm.
Nếu như Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đăng quang xong vẫn giữ vững nụ cười "ánh vàng" vì muốn lưu lại kỷ niệm của một thời bao cấp nghèo khó. Thì Hoa hậu Mai Phương Thúy tức tốc đi chỉnh đốn lại hàm răng khấp khểnh chỉ sau vài tuần đăng quang để kịp đi thi Hoa hậu Thế giới. Hoa hậu Ngọc Hân cũng thế, cô còn đi bọc sứ cả hàm để xóa mọi tin đồn về Hoa hậu có hàm răng ố xỉn ngày nào.
Đấy, đó là những trường hợp điển hình của loạt Hoa hậu đình đám về chiếc răng. Họ đi thi với chiếc răng xấu tự nhiên, nhưng đăng quang xong thì mọi thứ phải thay đổi.
Nhưng Nguyễn Thị Thành thì khác, ai bảo cô bị tai nạn rồi đi "phẫu thuật" răng làm gì? ai bảo cô làm tới 8 cái răng sứ trước khi đi thi làm gì? Để rồi cứ theo Luật mà làm thôi. Có cãi cỡ nào thì sao cãi được người cầm tờ Luật trong tay. Chưa kể đến việc một cô gái nghèo, vô duyên với bao cuộc thi như Nguyễn Thị Thành, thì lấy cái gì để đi cãi cả cuộc thi!
8 chiếc răng sứ lại một lần nữa "hạ gục" Nguyễn Thị Thành trên đấu trường nhan sắc nước nhà. (Ảnh: Internet) |
Dân gian ta có câu: "Cái răng, cái tóc là vóc con người". Tức là: răng và tóc là hai thứ quan trọng nhất để đánh giá tướng mạo con người. Dù xấu hay đẹp, cũng phải tự nhiên mới đánh giá được. Và BTC các cuộc thi nhan sắc Việt Nam quan trọng điều đó, không chấp nhận "đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên", mà bắt phải "xấu tự nhiên" 100% mới được. Nhưng tự nhiên như thế nào, thì chưa thấy có công văn hay luật lệ nào ghi chi tiết.
Như Nguyễn Thị Thành hay một số người đẹp khác, phải rời cuộc thi vì sửa răng, họ chỉ được cho phép đi làm răng khi răng bị sâu, còn lại sứt mẻ xỉn ố vẫn phải giữ nguyên. Nhưng đó là câu chuyện chiếc răng, còn tóc thì sao? Chưa thấy có người đẹp nào bị rút giải thưởng vì đi làm tóc cả. Trong khi đó, tóc và răng là hai thứ để đánh giá vẻ đẹp tự nhiên của một người. Nếu như vậy thì, thí sinh đi thi mà làm tóc (uốn, duỗi, nhuộm...) cũng bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên cái "góc" còn lại đó, luôn luôn bị ngó lơ.
Dĩ nhiên, cuộc chơi nào cũng có luật chơi riêng. Nhưng luật chơi phải rõ ràng, chi tiết, cụ thể, chính xác. Không thể để một thứ luật chơi mà ai hiểu thế nào cũng được, ai suy diễn thế nào cũng xong và BTC muốn lập luận cách nào cũng đúng. Để cuối cùng, người hứng chịu nhiều nhất, có khi ảnh hưởng đến cả tương lai lại là một cô gái nghèo non nớt.
Chưa bao giờ, số phận chiếc răng lại lận đận đến thế.