Những con số về cân nặng hay chiều cao luôn là nỗi băn khoăn, lo lắng của không ít ông bố, bà mẹ. Các cụm từ như “không đạt chuẩn”, “dưới chuẩn” hay “suy dinh dưỡng” khiến nhiều bậc phụ huynh tìm mọi cách bắt trẻ ăn và bổ sung nhiều loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng không hợp lý, dẫn tới tâm lý sợ hãi và thậm chí béo phì ở trẻ sau thời gian dài.
Tác giả của cuốn sách “Làm mẹ không áp lực”, chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn -đang công tác tại ĐH Worcester, Vương quốc Anh, thành viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh - sẽ giải đáp những câu hỏi về chuyện ăn uống và phát triển của trẻ mà ông thường nhận được từ các bậc phụ huynh.
Trẻ biếng ăn luôn là nỗi lo của không ít phụ huynh. Ảnh: Sinemtasyaran. |
Theo chuyên gia Anh Nguyễn, hơn 60% bố mẹ đến gặp các bác sĩ dinh dưỡng đều quan tâm về chỉ số từ biểu đồ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của WHO. Điều này dẫn tới tình trạng chỉ quan tâm tới các con số mà không quan sát để hiểu cơ thể trẻ cần gì, cách cân bằng chế độ ăn khoa học hay cách bổ sung dinh dưỡng để trẻ hấp thu tối đa. Chính điều này có thể khiến trẻ bị ám ảnh về thức ăn, dẫn đến biếng ăn hoặc béo phì.
Chuyên gia Anh Nguyễn cho biết các chỉ số trên biểu đồ tăng trưởng không giống như thứ hạng trong lớp học mà chỉ phản ánh giá trị hiện tại của trẻ. Mỗi đứa trẻ có gien di truyền, thể trạng và môi trường sống khác nhau, do đó xuất phát điểm của bé có thể là thứ 5, thứ 30 hoặc thứ 70 đều có giá trị như nhau. Ông nhận định: “Bạn không thể so sánh kiểu con tôi thứ 70, con người khác thứ 3 là quá còi. Đó chỉ là so sánh khập khiễng. Nếu bạn cố đẩy bé từ thứ 3 lên thứ 70 trong vòng một thời gian nhất định, bé sẽ gặp vấn đề”.
Điều quan trọng hơn các chỉ số là xu hướng tăng trưởng của trẻ - điều cần được đánh giá qua một thời gian. Phụ huynh cần quan sát ít nhất ba thời điểm để có thể nhận ra trẻ tăng trưởng tốt hay không, không thể chỉ nhìn vào chỉ số hay những bình luận như “con còi quá”, “con mập quá”... Ngoài ra, bạn còn có thể theo dõi các biểu hiện tương tác, vận động và nhận thức của trẻ. Nếu có nhiều băn khoăn, các bậc phụ huynh nên tìm tới chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên và phương pháp can thiệp đúng.
Chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho bố mẹ rằng hãy giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc vào những con số và lựa chọn phương thức nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học. Thay vì ép trẻ ăn, các bậc phụ huynh cần tin vào con, hiểu được nhu cầu, cảm nhận của con. Nhiệm vụ của người lớn là cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng để gia tăng dinh dưỡng, chế biến hợp vệ sinh, an toàn và tạo không khí ăn uống thoải mái cho trẻ. Còn lại, trẻ sẽ là người quyết định mình ăn bao nhiêu. Khi bố mẹ làm tốt nhiệm vụ của mình, trẻ sẽ tương tác và ăn tốt lên. Ông nhận định: “Đó là cách người “làm mẹ khoa học” nên làm”.
Một trong những vấn đề khác khiến bố mẹ đau đầu là trẻ biếng ăn, ăn không tốt như “con nhà người ta”. Tuy nhiên, theo chuyên gia Anh Nguyễn, hầu hết trường hợp biếng ăn của trẻ không phải do bệnh lý mà là do “học được”. Ông lý giải: “Trẻ biếng ăn từ việc thích nghi với yếu tố môi trường trong lúc cho ăn, gồm cách cho ăn của cha mẹ hoặc môi trường cho ăn bị gây sao nhãng. Nguyên nhân thường gặp trong các trường hợp biếng ăn “học được” là trẻ bị ép ăn hoặc được dỗ dành để ăn, như cho xem TV hoặc điện thoại”.
Vừa ăn vừa xem tivi khiến trẻ không tập trung cảm nhận hương vị món ăn và khó dừng lại khi đã no. Ảnh: Stocksky. |
Khi bị ép ăn hoặc dỗ ăn, trẻ chỉ cảm thấy áp lực mà không ý thức được về vị ngon hay kết cấu thú vị của đồ ăn. Ví dụ, khi xem phim hoạt hình hay ca nhạc lúc ăn, não của trẻ chỉ tập trung vào hình ảnh và âm thanh trên màn hình mà không biết tới thức ăn được đút vào miệng. Điều này khiến việc biếng ăn kéo dài và có xu hướng phát triển phức tạp. Đồng thời, việc cho ăn sai cách cũng dễ gây nguy cơ béo phì, do trẻ không ý thức được thời điểm cần dừng lại khi đã no.
Ngoài phương pháp cho ăn, sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Điều này khiến cơ thể trẻ khó hấp thu thức ăn, tạo ra nhiều hợp chất gây khó chịu cho bé trong lúc ăn, như sinh khí gas hoặc gia tăng sự tấn công các loài vi khuẩn có hại khác. Trẻ sẽ ăn ngon miệng và hấp thụ tốt hơn khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh và có sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột.
Lợi khuẩn Bifidobacteria (Bifidus) là một trong những lợi khuẩn hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể. Trong một báo cáo của Hiệp hội Tiêu hóa - Gan mật - Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu về lợi khuẩn - probiotics, nhiều bằng chứng cho thấy sự hiệu quả và tính an toàn của lợi khuẩn Bifidobacteria (Bifidus) cho trẻ em. Do đó, mẹ có thể bổ sung cho con lợi khuẩn Bifidus qua các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi và theo sự tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ.
“Khoe” con thông minh, nhanh trí là niềm vui của nhiều người, nhưng cũng khiến nhiều ông bố, bà mẹ phiền lòng khi con mình có vẻ không bằng con người khác. Tuy nhiên, theo chuyên gia Anh Nguyễn, mỗi trẻ sẽ có giai đoạn phát triển trí não và tiềm năng tự nhiên khác nhau.
Mỗi trẻ sẽ có các giai đoạn phát triển não bộ riêng. Ảnh: Weebly. |
Đến trước 6 tuổi, não bộ các bé sẽ đạt được 85% về kích thước cũng như sự tương tác của các tín hiệu thần kinh so với người lớn. Đây là giai đoạn quan trọng, trong đó phụ huynh cần quan tâm tới 3 yếu tố là dinh dưỡng, tương tác và vui chơi. Chuyên gia cho biết sự phát triển não bộ rất nhạy cảm với 3 tác động trên. Ví dụ, các tương tác tích cực như yêu thương, quan tâm hoặc khuyến khích sẽ giúp các tế bào thần kinh phát triển và gia tăng kết nối, trong khi các tương tác kém tích cực như la mắng hoặc thường xuyên so sánh sẽ làm giảm các tế bào thần kinh. Nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy việc so sánh với trẻ khác của cha mẹ hoặc người thân sẽ khiến trẻ mặc cảm và tự ti.
Do đó, thay vì buồn bã và tạo áp lực cho con khi nhìn sự phát triển của trẻ khác, các ông bố, bà mẹ nên chú trọng vào các yếu tố quan trọng giúp phát huy tiềm năng tự nhiên của con minh như tăng cường các tương tác tích cực với trẻ và bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Trong chế độ dinh dưỡng, nguồn đạm chất lượng và đa dạng sẽ cung cấp những axit amin thiết yếu cho các hoạt động tư duy và nhận thức, giúp não bộ phát triển. Chuyên gia Anh Nguyễn tư vấn phụ huynh có thể chia nhỏ khẩu phần ăn của bé, với nguồn đạm từ thịt, cá, trứng, sữa cho các bữa ăn.
Theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, lượng đạm khuyến cáo cho bé 3-5 tuổi là 25g/ngày, trong đó nên có 50% từ nguồn động vật để đảm bảo cung cấp đủ sắt cho bé. Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ nên chọn sản phẩm dinh dưỡng có “đạm chất lượng” với hàm lượng đạm phù hợp - không quá thấp, không quá cao - để đa dạng hóa nguồn cung cấp và giúp trẻ hấp thụ tối đa.