Xuân Hương: Cái Tết hụt hẫng, nghèo đói sau ly hôn MC Thanh Bạch
Cái Tết buồn nhất trong đời tôi không phải là những cái tết xa nhà, xa mẹ, xa quê hương mà là cái Tết đầu tiên sau ly hôn năm 2006-2007. Tâm trạng tôi hụt hẫng, tinh thần rơi vào trạng thái rơi tự do. Đó là một cái Tết của sự tận cùng: không tiền và không gia đình mặc dù tôi đang sống cùng con trai.
Ly hôn, con trai ở với tôi. Trước đó vài năm, tôi gần như lui về hậu trường để lo cho gia đình nên lúc đó tôi là người thất nghiệp.
Tết năm ấy, tôi không có tiền để mua được một ký thịt cho con mình đỡ tủi thân. Tôi không dám mua hoa quả vào những ngày trước Tết vì sợ đắt. Đợi đến sát giờ dẹp chợ của ngày cuối cùng năm 2006 tôi mới dám ra chợ.
Nghệ sĩ Xuân Hương |
Tôi lựa mấy thứ cho vừa túi tiền của mình sau đó lấy thêm hai trái dưa lê. Trái cây lúc đó đã không còn ngon nữa. Tôi hỏi cô bán hàng "bao nhiêu tiền"? Cô bán hàng trả lời "hai trái này muốn hư rồi nên em tặng chị đó". Tôi ngậm ngùi im lặng cầm hai trái dưa về chưng để có một chút Tết trong nhà.
Đối với tôi, vật chất không có ý nghĩa gì khi mình phải chịu khổ đau. Tuy lúc ấy phải sống trong sự thiếu thốn và cùng cực nhưng đổi lại tôi được tự do và được sống cho chính mình.
Nghệ sĩ Bạch Long và cái Tết cô đơn
Cả đời tôi sống rày đây mai đó, hết ở trọ chỗ này lại mướn nhà chỗ khác. Tết nhất là dịp gia đình quây quần bên nhau còn tôi Tết nào cũng chỉ có một mình.
Hồi xưa, lúc tôi và bạn gái đang quen nhau, năm nào tôi cũng "mượn" nhà cô ấy để hưởng không khí Tết. Tôi chở cô ấy đi chợ mua sắm cuối năm, cùng cô ấy lau rửa nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc, bàn thờ. Ăn cơm với gia đình rồi chờ cúng Giao thừa xong hai đứa chở nhau đi lễ chùa cầu an.
Khi cô ấy đi lấy chồng, tôi lủi thủi một mình. Thiệt lòng tôi sợ Tết. Cứ mỗi dịp Tết về, tôi lại nhớ bạn gái. Tôi cứ nghĩ năm nay ai chở cô ấy đi sắm Tết? Khi dọn dẹp nhà cửa cùng chồng con cô ấy có nhớ mình hay không?
Nghệ sĩ Bạch Long. |
Ngày xưa mỗi lần Tết đến, tiếng pháo lại đì đùng. Cứ nghe tiếng pháo là tôi buồn. Những lúc ấy, tôi lấy xe chạy vòng vòng qua những nơi tôi và bạn gái hay đi. Tôi chạy xe ngang nhà cô ấy, chạy ngang qua những ngôi chùa chúng tôi thường đi lễ đêm Giao thừa.
Người Sài Gòn vào đêm Giao thừa hay có một mâm cỗ cúng ông Thiên. Tôi ở trọ nên không lập bàn thiên. Cứ đêm Giao thừa, người ta cúng xong đi vô nhà là tôi đứng trước bàn thiên đó để khấn nguyện cho mình và những người thân sức khỏe, vạn sự như ý, làm ăn phát tài.
Đêm Giao thừa năm nào của tôi cũng thế! (thở dài)
Đồng Lan không bao giờ quên cái Tết... vắng bố!
Tết 1999. Tôi nhớ như in cái mùi hoa huệ và những bông trắng nở rơi khắp bàn thờ, khói hương suốt ngày, môt màu sương trắng mờ trống rỗng.
Trời cứ mưa phùn, ẩm ướt, khắp nơi nhèm nhẹp. Hai chị em tôi lọ mọ bắc bếp luộc bánh, đánh lửa mãi không lên, cố bao nhiêu cách bếp vẫn tắt ngóm, ngồi ôm nhau khóc.
Mẹ đang dọn dẹp ngoài sân cũng khóc theo. Anh cả không về được, anh hai không thể về. Bố mãi mãi không thể về. Nhà 6 người đông ấm giờ có 3 mẹ con chia nhau cái Tết này. Có gì để chia nhau! Rồi lại cố động viên nhau đi qua nỗi đau mất bố!
Tôi từng ngàn lần ao ước đó chỉ là một giấc mơ, sáng mai thức dậy cô tiên xinh đẹp tốt bụng lại thu xếp đâu vào đấy hạnh phúc cho những đứa trẻ mơ mộng như tôi. Không, chẳng có cô tiên nào cả, tôi đã chờ bao nhiêu đêm rồi...
Tôi vẫn nhớ những tiếng ho đêm khuya, nhớ bát cơm rang bố làm cho tôi trước khi đi học, nhớ những hơi thở khó nhọc...
Mất bố, thế giới như đổ sụp xuống.
Tôi biết bố đã gắng gượng thế nào để cùng đi qua mấy cái Tết với mẹ con chúng tôi. Bố vẫn luôn vĩ đại, luôn là anh hùng trong tôi, như là một thứ sức mạnh phép thuật không một thế lực nào có thể đánh gục.
Bố sẽ cứ ở đó bảo vệ chở che cho tôi, rồi một ngày tôi nhận ra người anh hùng vĩ đại ấy cũng rời bỏ tôi mà đi.
Cuộc sống của tôi vốn vòng quanh cuộc sống của bố, từng cái kẹp tóc hỏng, cúc áo đứt, bút hết mực, những bài toán, bài văn khó. Đến những câu hỏi về những vì sao, lá cây, con kiến.... Bố luôn làm tôi thoả mãn bằng những câu trả lời uyên bác, ngọt ngào.
Giờ chỉ là những bông hoa trắng trước mặt, tôi cứ ngồi cạnh bàn thờ, cứ thì thào muốn gọi "bố ơi" mà các cơ ở cổ chẹn ứ lại. Muốn hát một bài hát mà tiếng méo mó không ra điệu vần.
Tôi ngồi viết thơ, những bài thơ sầu hận cuộc đời bất công, kẻ xấu cứ ở đó, người tốt bị đưa đi. Và tâm hồn tôi bắt đầu đổi thay từ đó.
"Xuân này xuân không có bóng cha/
Tiếng vắng đêm khuya lạnh tím nhà/
Thiên hạ sướng vui mừng năm mới/
Xuân ngồi, con khóc oa oa oa".
Quách Ngọc Tuyên: Anh Hữu Lộc cho tiền tôi về quê ăn Tết đầu tiên làm nghề
Trong trí nhớ của tôi, Tết là những kỷ niệm vui vẻ, ấm áp vì được quây quần bên gia đình và được lì xì. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nhận được lì xì của ba mẹ. Nhưng tôi cũng nhớ năm đầu tiên về diễn ở sân khấu Nụ Cười Mới, tôi đón một cái Tết hụt hẫng.
Năm đó tôi phải tập kịch tới 28, 29 mới được về nhà. Ở được 1, 2 ngày lại phải chạy lên Sài Gòn đi diễn. Cảm giác lúc đó buồn hiu, thèm được quây quần ăn bữa cơm với gia đình. Diễn xong, ngồi nhớ nhà mà khóc.
Diễn viên Quách Ngọc Tuyên
Trước ngày về quê, trong túi tôi không có một đồng. Bình thường, anh Long Đẹp Trai, Hoàng Mèo hay đi tấu hài cùng anh Hữu Lộc. Nhưng năm đó, anh Lộc kêu tôi đi tấu hài với anh ở Vũng Tàu. Tôi mừng lắm.
Cát xê được 500.000, anh Lộc lấy tiền riêng bù thêm cho thành 2 triệu rồi đưa tôi về quê ăn Tết. Mãi tới sau này tôi mới biết, anh Lộc muốn giúp nhưng không muốn tôi có cảm giác mang nợ nên anh làm vậy.
Có 2 triệu, tôi lì xì ba mẹ hơn 1 triệu, cho hai cô em gái mỗi đứa 50.000 đồng mà cảm giác rất vui vì thấy mình thành người lớn. Nhưng cũng nhờ Tết năm đó mà giờ tôi mới thấy quý một điều: nghệ sĩ mà Tết nằm nhà thì buồn lắm!
Giải trí 03:07 | 15/02/2017
Giải trí 00:02 | 08/02/2017
Giải trí 07:39 | 06/02/2017
Giải trí 00:37 | 03/01/2017
Giải trí 06:42 | 16/12/2016
Giải trí 00:00 | 11/12/2016