CNN: 30 ngày khiến thế giới đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu mang tên Covid-19

Thời điểm đỉnh dịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý… bùng nổ. Thế giới đang đối mặt với một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng hơn cả cuộc Đại suy thoái năm 2008.

CNN cho rằng, điều mà các nhà đầu tư không thể lường trước là chỉ trong 30 ngày, virus corona đã bùng phát bên ngoài Trung Quốc, với những điểm dịch lớn ở Hàn Quốc và Ý, sau đó là Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Covid-19 khiến việc kinh doanh bị dừng đột ngột, khiến thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng hỗn loạn, và buộc các ngân hàng trung ương phải hành động khẩn cấp, với quy mô thậm chí còn lớn hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Covid-19 - cuộc suy thoái toàn cầu

Một cuộc suy thoái toàn cầu, một giả thuyết không thể tưởng tượng được vào năm 2020, giờ đây đã là một kết luận được báo trước. Một số chuyên gia cảnh báo rằng đại dịch có thể kéo nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Nhưng theo CNN, sự bùng phát virus corona có thể chỉ mới là khởi đầu.

Các ngân hàng trung ương và chính phủ đang giải quyết một cơn sóng về cắt giảm lãi suất, bảo lãnh cho vay và chi tiêu mới… Các nhà băng đồng loạt đưa ra giải pháp khẩn cấp để trấn an các nhà đầu tư, giảm sốc cho các công ty và người lao động, bảo vệ nền kinh tế hoạt động trong tương lai.

CNN: 30 ngày nữa, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu mang tên Covid-19 - Ảnh 1.

Hàng triệu người đang thất nghiệp vì nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. (Ảnh: CNN).

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đang yêu cầu Quốc hội phê duyệt dự luật giải cứu mới. Theo đó, Mỹ sẽ bơm 1.000 tỉ USD để ngăn chặn tình trạng sa thải lao động hàng loạt, khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng cửa, cũng như các hãng hàng không, khách sạn và nhà hàng đang kiệt quệ tiền mặt. 

Trong một động thái mà trang CNN mô tả rằng "phi thường", chính phủ Anh cho biết họ sẽ trả 80% tiền lương của bất kì ai có nguy cơ mất việc vì đại dịch Sars-Cov-2.

Tuy nhiên theo CNN, những nỗ lực giải cứu có thể đã quá muộn. Goldman Sachs ước tính rằng 2,25 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần này. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

CNN: 30 ngày nữa, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu mang tên Covid-19 - Ảnh 2.

Tình hình đại dịch đang căng thẳng tại các nước Âu - Mỹ. (Đồ hoạ: NYT).

Trong khi đó, số trường hợp nhiễm virus corona đang ngày càng cao hơn. Tính tới 7h15 sáng hôm nay (22/3), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng lên đến con số 306.677 người, trong đó có 13.017 người tử vong. 

Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Vương quốc Anh đang bị phong toả một phần hoặc hoàn toàn lãnh thổ. Ở Mỹ, bang California, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đã ra chỉ thị đề nghị 40 triệu người dân ở yên trong nhà.

"Virus corona đã tạo ra sự gián đoạn tài chính và xã hội chưa từng có", David Kostin, chiến lược gia trưởng của Goldman Sachs, đánh giá.

Ảnh hưởng nặng nhất với "máy chém tử thần" Covid-19 là các doanh nghiệp và công nhân vận tải, ngành năng lượng và khách sạn, khi hàng không quốc tế ngừng hoạt động, tiêu thụ dầu suy sụp và các quán rượu, quán bar, nhà hàng được lệnh đóng cửa.

"Trong trường hợp xấu nhất, toàn bộ các ngành công nghiệp có thể bị phá hủy", Dịch vụ đầu tư Moody's dự đoán.

Các nhà kinh tế đã đưa ra nhiều ý kiến về cách đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi thế giới. Nhiều người đồng tình với quan điểm, đại dịch sẽ để lại những thay đổi đáng kể trong cách xây dựng chuỗi cung ứng, và cách thức tiến hành thương mại toàn cầu. Phúc lợi xã hội của những nước chủ nghĩa tư bản, hệ thống dân chủ của chính phủ và toàn cầu hóa có thể sẽ bị kiểm soát gắt gao.

Lời tiên tri từ Apple

Những "trận đòn" từ Covid-19 đã trút lên Apple đầu tiên, và hãng táo khuyết cũng đã là minh chứng cho thế giới suy xét.

Ngày 17/2 là một ngày nghỉ và thị trường chứng khoán đóng cửa. Nhưng vào ngày thứ 2 ngay sau đó, Apple đã gióng lên hồi chuông báo thức khiến giới đầu tư sởn gai óc. Đội ngũ Tim Cock cảnh báo rằng Apple sẽ không đáp ứng dự báo doanh thu trong 3 tháng đầu năm, vì virus corona đã làm giảm công suất sản xuất iPhone ở Trung Quốc và các cửa hàng Trung Quốc đóng cửa, hoặc bị giảm giờ hoạt động, nhu cầu về các sản phẩm của công ty cũng giảm.

Khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại vào ngày 18/2, các nhà đầu tư đã đẩy cổ phiếu của Apple giảm đến 2,6%.

CNN: 30 ngày nữa, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu mang tên Covid-19 - Ảnh 2.

Apple phải đóng cửa gần như toàn bộ cửa hàng tại thị trường tỉ dân Trung Quốc, và đóng toàn bộ cửa hàng trên toàn cầu. (Ảnh: Axios).

Cú đánh ban đầu vào cổ phiếu có thể rất khiêm tốn, nhưng Apple là công ty lớn đầu tiên của Mỹ cảnh báo rằng virus corona đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình một cách rất nghiêm trọng. Hơn nữa, Apple đã nêu ra chính xác lí do tại sao dịch bệnh là một mối đe dọa lớn như vậy: Sự bùng phát Covid-19 đang cản trở cả cung và cầu.

Mối đe dọa kép đó chính xác là lí do tại sao đại dịch có thể gây hại nhiều hơn so với nhiều sự kiện "thiên nga đen" khác. Người dân phải ở nhà trong thời gian dịch bệnh, như thế sẽ hạn chế nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, cũng như năng lượng. Các công ty cũng đóng cửa hàng loạt cửa hàng và nhà máy cắt giảm năng lực sản xuất toàn cầu.

Nói về sức khoẻ nền kinh tế hơn 7 tỉ dân, Ngân hàng Thế giới từng đưa ra lời tiên tri vào năm 2013, rằng: "Một đại dịch nghiêm trọng sẽ giống như một cuộc chiến toàn cầu với tác động bất ngờ nhưng sâu sắc, và ngày càng lan rộng".

Chỉ một tháng sau cảnh báo của Apple, hàng ngàn công ty khác phải chịu áp lực rất lớn. Các nhà sản xuất xe hơi dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đều chao đảo, các nhà máy đóng cửa ở châu Âu, và sau đó là Mỹ. Các hãng hàng không đã hủy các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc, và  tình trạng tương tự cũng xảy ra với mọi điểm đến khác. 

Trung tâm tư vấn hàng không của CAPA đưa ra dự báo hầu hết các hãng bay sẽ bị phá sản vào cuối tháng 5, trừ khi chính phủ bảo lãnh cho họ.

CNN: 30 ngày nữa, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu mang tên Covid-19 - Ảnh 3.

Hãng hàng không lớn của Anh, Flybe đã ngã ngựa chỉ sau một tháng Covid-19 có mặt tại nước này. (Ảnh: Bloomberg).

Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cho biết bản chất của đại dịch sẽ khuyến khích các công ty bắt đầu xem xét các chi phí của hội nhập kinh tế toàn cầu. 

"Dòng hàng hóa, vốn và con người tự do đã tạo ra những lợi ích to lớn, nhưng cũng tạo ra các kênh 'truyền nhiễm' nhanh chóng trên toàn thế giới. Điều này đã được chứng minh từ các cú sốc tài chính, xung đột địa chính trị và dịch bệnh", ông chỉ rõ.

Nhưng William Reinsch, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng đại dịch không thể xoá bỏ những tiến bộ công nghệ đã thúc đẩy thương mại toàn cầu trong 50 năm qua. 

"Cuộc khủng hoảng virus corona đã dạy cho họ rằng chuỗi cung ứng mỏng manh hơn nhiều so với những gì họ nghĩ. Nguồn cung có thể đột ngột bị gián đoạn vì những lí do bất ngờ, và một người quản lí khôn ngoan sẽ không chỉ có Kế hoạch B, mà cả Kế hoạch C và Kế hoạch D", ông nói.

"Máy chém tử thần" Covid-19

Bắt đầu từ ngày 18/2, chứng khoán Mỹ bước vào một đợt giảm giá không phanh, đã xóa sạch khoảng 1/3 giá trị tích lũy và chấm dứt thị trường tăng giá dài nhất trong lịch sử. Chỉ số Dow đã giảm gần 35% kể từ khi Apple đưa ra cảnh báo virus corona, với những cú giảm sốc vào ngày 9/3 (-7,8%), ngày 12/3 (-10%) và ngày 16/3 (-12,9%).

Thị trường ở châu Âu và châu Á cũng đã lao dốc. Stoxx 600 của châu Âu đã mất khoảng 1/3 giá trị kể từ ngày 18/2 và Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm 18% trong cùng khoảng thời gian. Theo Bank of America, 27.000 tỉ USD đã bị xóa sổ khỏi chứng khoán toàn cầu kể từ cuối tháng 1.

Các công ty bị "máy chém tử thần" của đại dịch lia qua, đã chứng kiến cổ phiếu của giảm giá sốc. Cổ phiếu của United Airlines đã giảm khoảng 70% từ đầu năm đến nay, trong khi cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô của Pháp, Renault, giảm mạnh 62%. Cổ phiếu của Marriott International giảm 50% so với cùng kì,…

Neil Shear, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, dự đoán: "Lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán chỉ có khả năng chạm đáy khi virus lên đến đỉnh điểm. Cho đến khi điều này xảy ra, chúng ta nên kì vọng thị trường chứng khoán sẽ chịu được áp lực".

Các ngân hàng trung ương đã và đang phản ứng với suy thoái kinh tế, bằng cách cắt giảm lãi suất và sử dụng các công cụ khác trong "kho vũ khí" của họ, để hỗ trợ tăng trưởng và ngăn chặn thị trường tài chính hụt hơi.

CNN: 30 ngày nữa, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu mang tên Covid-19 - Ảnh 4.

Chứng khoán thế giới đã thấm đòn đau hơn tuần nay vì virus corona. (Ảnh: Quartz).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỉ lục, gần bằng 0%, trong khi cam kết chi 750 tỉ USD để mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác. Ngân hàng Anh cũng đã cắt giảm lãi suất 2 lần trong tháng 3. 

Tại Nhật Bản và châu Âu, nơi lãi suất nằm trong vùng tiêu cực nhiều năm, các ngân hàng trung ương đã noi theo Fed, công bố chi hàng trăm tỉ USD.

"Các chính phủ đã hứa sẽ bơm một khoản tiền lớn vào nền kinh tế", Morgan Stanley cho biết. Theo đó, các cam kết chi từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Trung Quốc lên tới ít nhất 1.700 tỉ USD. Con số này chưa tính một khoản tiền lớn hơn nhiều đã được hứa hẹn dưới dạng bảo lãnh tín dụng.

"Trong khi phản ứng ban đầu từ các nền kinh tế phát triển còn chậm, trong vài ngày qua, chúng tôi đã bắt đầu thấy các cam kết mạnh mẽ từ các nhà hoạch định chính sách, cho thấy kế hoạch mở rộng tài chính khá lớn đang diễn ra", nhà kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley, nhận xét.

Kinh tế thế giới sẽ ra sao?

Goldman Sachs cảnh báo hôm thứ Sáu, rằng GDP của Mỹ có thể giảm mạnh với 24% trong quý II, với tỉ lệ thất nghiệp lên tới khoảng 9% vào cuối năm nay. Ngân hàng nói rằng các báo cáo cho thấy "sự gia tăng đột ngột trong việc sa thải và sự sụp đổ trong chi tiêu, cả về quy mô và tốc độ".

Sự sụp đổ kinh tế mà Goldman dự đoán sẽ tồi tệ hơn đáng kể so với sự suy giảm mạnh nhất trong cuộc Đại suy thoái, khi GDP giảm ở mức 8,4% trong quý IV/2008. Nó cũng sẽ vượt qua kỉ lục sau Thế chiến II trước đó, với mức giảm 10% được thiết lập vào đầu năm 1958.

CNN: 30 ngày nữa, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu mang tên Covid-19 - Ảnh 5.

Kinh tế thế giới phải "đeo khẩu trang" trong năm nay. (Ảnh: Getty).

Bức tranh kinh tế này cứ in ra rồi thay bằng tên các nước khác vẫn đúng. Theo Deutsche Bank, nếu đại dịch ảnh hưởng đến Vương quốc Anh lâu hơn dự kiến, nền kinh tế của nước này có thể thu hẹp 6% trong năm nay, khi nước này rơi vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong một thế kỉ qua.

Kevin Hassett, một nhà kinh tế và cựu cộng tác viên CNN, đang quay trở lại chính quyền Trump để giúp đỡ ông phản ứng với dịch Covid-19. Ông cho rằng đại dịch có thể gây ra sự lặp lại của Đại suy thoái bắt đầu vào năm 1929, và kéo dài trong nhiều năm.

"Chúng ta sẽ phải có một cuộc Đại khủng hoảng. Rất rủi ro để tìm ra cách đưa mọi người trở lại làm việc. Tại một số thời điểm, chúng ta không thể cứ khư khư bảo vệ nên kinh tế, đúng không?", ông nói.