Theo một nguồn tin của CNBC, chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị một gói kích thích kinh tế trị giá 850 -1.000 tỉ USD, để chống lại các tác động kinh tế từ đại dịch virus Covid -19.
Hôm thứ Ba (17/3), Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói với các thượng nghị sĩ rằng tỉ lệ thất nghiệp có thể lên tới 20%, nếu Quốc hội không tung ra gói kích thích kinh tế.
Gói kích thích bao gồm: từ 500 - 550 tỉ USD giảm thuế và hỗ trợ cho người dân; 200 - 300 tỉ USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ; 50 - 100 tỉ USD cứu trợ ngành hàng không và công nghiệp.
“Có khả năng 250 tỉ USD của gói có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân”, một quan chức trong chính quyền Nhà Trắng nói với Thời báo Phố Wall hôm thứ Ba.
“Người Mỹ cần tiền mặt ngay bây giờ”, Bộ trưởng Tài chính nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, về những nỗ lực mới nhất của chính quyền nhằm chống lại đại dịch này. “Tôi nói ngay bây giờ có nghĩa là trong vòng hai tuần tới”, Mnuchin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các triệu phú sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp này.
Nhiệm vụ của Nhà Trắng hiện tại là phải thương thảo với Quốc hội Mỹ. Biện pháp này cần phải cân bằng giữa việc hỗ trợ các cá nhân và người lao động có nhu cầu, cũng như các ngành mà họ muốn hỗ trợ.
Chính quyền Tổng thống Trump lưu ý ngành công nghiệp du lịch và khách sạn đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt khi các hoạt động du lịch đã tê liệt hoàn toàn.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ nói rõ ràng rằng bất kì sự hỗ trợ nào cho các ngành công nghiệp đều phải đi kèm với viện trợ đáng kể cho người lao động. Hiện thời điểm tung ra gói kích thích kinh tế vẫn chưa được thống nhất tại Quốc hội, và chưa thông qua Thượng viện.
“Bất kì gói cứu trợ kinh tế nào cũng nên phụ thuộc vào lợi ích của công nhân và gia đình họ, chứ không phải các CEO và cổ đông giàu có”, ông Tom Udall, một nghị sĩ đảng Dân chủ nói với CNBC.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hôm thứ Ba đã phác thảo bộ qui định dành cho bất kì doanh nghiệp lớn nào muốn nhận được tiền cứu trợ của chính quyền liên bang. Trong đó bao gồm việc từ bỏ vĩnh viễn các khoản mua lại cổ phiếu và bổ sung ít nhất một ghế vào Hội đồng quản trị dành cho đại diện công nhân.
Các biện pháp kích thích kinh tế được đưa ra thảo luận khi thị trường chứng khoán đang gắng gượng phục hồi, sau những phiên giao dịch được đánh giá là tồi tệ nhất chưa từng có trong lịch sử.
Trong một cuộc họp ngắn hôm thứ Hai, Trump nói rằng dịch bệnh có thể kiểm soát sớm nhất là vào tháng 7 hoặc tháng 8. Sau nhận xét này của ông Trump, thị trường chứng khoán đã có một phen chao đảo.
Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán hôm nay đã bật tăng trở lại sau khi xuất hiện những thông tin ban đầu về gói kích thích kinh tế. Chỉ số DJIA tăng tới 5,2%, sau khi giảm 13% phiên đầu tuần.
Trên thế giới, dịch bệnh Covid - 19 đã khiến các ngành kinh tế bốc hơi hàng nghìn tỉ USD, làm tê liệt các ngành công nghiệp lớn và buộc các Chính phủ phải thực hiện các bước quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh.
Tại Mỹ, các tiểu bang và thành phố lớn đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để giảm sự lây lan của virus Covid - 19, bao gồm việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí, các trường học, thư viện cũng đã ngừng hoạt động.
Hồi đầu tháng 3, để đối phó với dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát tại Mỹ, Trump đã kí một gói tài trợ trị giá 8,3 tỉ USD nhằm mục đích nghiên cứu vắc xin và hỗ trợ các quốc gia chiến đấu với dịch bệnh. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất, tăng mua lại trái phiếu. Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp 5 triệu khẩu trang. Còn Bộ Tài chính sẽ không phạt người nộp chậm thuế
Hơn 183.000 người đã bị lây nhiễm Covid - 19 và ít nhất 7.167 người chết vì dịch bệnh này trên toàn thế giới, theo công bố của Đại học Johns Hopkins. Tại Mỹ, hơn 5.000 người đã nhiễm bệnh và ít nhất 85 người đã chết, tính đến đầu giờ sáng ngày hôm nay, 18/3.
.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020