Thế giới chật vật mở cửa trở lại

Các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa từng bước tại nhiều nước chưa đủ để khởi động lại kinh tế thế giới.
Thế giới chật vật mở cửa trở lại - Ảnh 1.

Ngành du lịch của Vũ Hán mở cửa trở lại.

Chưa thể quay trở lại bình thường

Ngày Quốc tế Lao động vừa qua (1/5) là ngày đặc biệt nhất từ trước tới nay, không có một cuộc tuần hành, mít tinh biểu dương lực lượng của người lao động trên khắp thế giới. Hơn nửa dân số hành tinh sống trong phong tỏa, một nửa người lao động thế giới sống trong lo âu không có việc làm vì đại dịch virus corona, hoành hành từ 4 tháng qua...

Trung Quốc, nơi được coi là khởi nguồn dịch bệnh, đã bãi bỏ lệnh đóng cửa vào tháng Hai, sau khi tuyên bố khống chế thành công virus. Các nhà máy đã mở cửa và đường phố đã có người qua lại. Tình trạng có vẻ tốt hơn so với cách đây 1 tháng, nhưng còn xa mới quay trở lại bình thường.

Hành khách trên tàu điện ngầm và trên các chuyến bay nội địa giảm một phần ba. Chi tiêu vào những thứ như nhà hàng, đã giảm 40% và ở khách sạn là một phần ba. Người dân bị đè nặng bởi khó khăn tài chính và nỗi sợ hãi dịch bệnh tái bùng phát. Phá sản đang gia tăng và thất nghiệp gấp ba lần con số được thông báo, vào khoảng 20%.

Không chỉ Trung Quốc, mà cuộc sống tại nhiều nước vẫn tiếp tục khó khăn ít nhất cho đến khi tìm thấy vaccine hoặc phương pháp điều trị virus SARS-CoV-2. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm 3% trong năm nay - so với dự báo trước đó là tăng trưởng 3,3%. Ngày càng nhiều quốc gia có thể vỡ nợ trong 12-18 tháng tới, khi các chính phủ trên toàn cầu tăng chi tiêu để hạn chế thiệt hại từ đại dịch Covid-19.

Ngay cả khi điều tồi tệ nhất đã qua thì hậu quả của Covid-19 cũng chưa giảm nhẹ. 

Một tháng sau các ca tử vong tại Ý đạt đỉnh, khoảng 900 ca mỗi ngày, con số này hiện vẫn còn cao là hơn 300 ca. Khi virus vẫn còn tồn tại, các biện pháp giãn cách chắc chắn vẫn còn được giữ vì còn quá nhiều rủi ro trước mắt. Sau khi lệnh đóng cửa chấm dứt, căn bệnh này vẫn là ẩn số, bao gồm cả khả năng đạt đến đỉnh thứ hai, triển vọng về vaccine hay phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Thế giới chật vật mở cửa trở lại - Ảnh 2.

Covid-19 trở thành "sát thủ" nguy hiểm nhất của năm 2020.


Không khí hoang mang vẫn bao trùm. Ngay cả khi một số tiểu bang đã giảm bớt lệnh giãn cách xã hội, một phần ba người Mỹ nói rằng không thoải mái khi đến trung tâm mua sắm. Khi Chính phủ Đức cho phép các cửa hàng nhỏ mở vào tuần trước, nhưng khách hàng vẫn vắng bóng. Bởi vì, người dân cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ giải trí, nhà hàng lên tới 80%.

“Rất có khả năng năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kì suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, vượt qua những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước", IMF nhận định trong báo cáo. 

Một cuộc suy thoái sâu và kéo dài sẽ khiến người dân tức giận, bởi vì đại dịch đã tiếp tục khoét sâu những khoảng cách bất bình đẳng trong những xã hội giàu có.

Chẳng hạn, người Mỹ kiếm được ít hơn 20.000 USD một năm có khả năng mất việc gấp đôi so với người kiếm được hơn 80.000 USD. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào tốc độ chúng được phục hồi. Trong một báo cáo chung với Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình lương thực thế giới (PAM) ước tính số người đói ăn nghiêm trọng trên thế giới từ nay đến cuối năm 2020 có thể lên đến 250 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019 (tăng thêm 130 triệu người).

Giám đốc Điều hành của PAM, David Beasley, cảnh báo: "Trong khi chúng ta đối đầu với đại dịch Covid-19, chúng ta cũng đang bên bờ một đại dịch đói”. Khác với năm 2008, lần này thế giới không có vấn đề về năng suất nông nghiệp, chúng ta có đủ lương thực, nhất là ngũ cốc. Rủi ro nằm ở sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Nói cách khác, cỗ máy cung ứng lương thực của thế giới đang bị phá vỡ.

Thế giới chật vật mở cửa trở lại - Ảnh 3.

Kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.

Những phản ứng mới

Nếu đại dịch được khống chế thành công nó sẽ tạo cơ hội hiếm có để lấy lại đồng thuận xã hội về cải cách hệ thống thuế, giáo dục, y tế và nhiều chính sách khác. Các mô hình khống chế dịch thành công như Đức và Đài Loan nhờ vào các thể chế mạnh mẽ  - tương phản với những thể chế dân túy – sẽ được cổ suý.

Tuy nhiên, Giáo sư chính trị học của Đại học Princeton G. John Ikenberry, người nổi tiếng của trường phái quốc tế cấp tiến (liberal internationalism), cho rằng những gì đang diễn ra làm cho chúng ta không thể thấy gì hơn ngoài sự củng cố của xu hướng chủ nghĩa quốc gia, sự cạnh tranh giữa quyền lực lớn, chiến lược tách rời (strategic decoupling)…

Nhìn lại lịch sử thời Đại Suy thoái (The Great Depression), Ikenberry cho rằng Hoa Kỳ và các nền dân chủ Tây phương, có thể phải đi qua các giai đoạn phản ứng tương tự của thời thập niên 1930 và 1940, được lèo lái bởi một cảm giác dễ bị tổn thương dây chuyền; phản ứng có thể mang dân tộc tính hơn lúc đầu, nhưng về lâu dài, các nền dân chủ sẽ ra khỏi vỏ bọc của mình để tìm ra một loại chủ nghĩa quốc tế thực dụng và bảo vệ mới.

Giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Harvard Carmen Reinhart nhận định trước hết, đại dịch sẽ đặt câu hỏi về lợi ích và chi phí của việc toàn cầu hóa, làm tăng thêm nghi ngờ về chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến chúng trở nên địa phương hơn.

Thế giới chật vật mở cửa trở lại - Ảnh 4.

Dân nghèo xếp hàng chờ nhận đồ ăn miễn phí do Hiệp hội Tế bần Thiên Chúa Giáo Brooklyn and Queens phân phát, Brooklyn, TP New York, Mỹ, ngày 24/4. (Ảnh: Reuters).

Dịch Covid-19 không chỉ là một tai họa về y tế, mà còn đang tiếp tục tàn phá kinh tế Hoa Kỳ: hơn 30 triệu người lao động bị mất việc. 

Trong một cuộc khảo sát cho Goldman Sachs, gần hai phần ba các chủ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ nói rằng họ sẽ cạn tiền trong vòng ba tháng. Hơn một phần ba số người được hỏi ở Mỹ nói với Pew Research rằng, nếu họ mất nguồn thu nhập chính, thì các khoản tiền tiết kiệm, các khoản vay mới hoặc bán tài sản, họ cũng chỉ duy trì không quá ba tháng.

Theo thống kê công bố vào thứ Năm 30/4, chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình Mỹ, vốn chiếm đến hơn 2/3 các sinh hoạt kinh tế, đã giảm 7,5% trong tháng 3 vừa qua".

Tại châu Âu, 5 nền kinh tế lớn nhất, hơn 30 triệu công nhân, một phần năm lực lượng lao động đang được trả lương ở chế độ đặc biệt nhằm ứng phó với suy thoái. Nhưng không ai biết sẽ kéo dài bao lâu. Các công ty thích nghi với Covid-19 bằng cách cắt giảm chi phí và tìm cách tăng năng suất bằng robot. 

Đề án của chính phủ sẽ cứu các doanh nghiệp trong ngắn hạn, rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu chính sách này duy trì quá lâu cuối cùng sẽ tạo ra các công ty “xác sống” không phát triển mạnh cũng không phá sản, làm chậm quá trình tái chế lao động và vốn.

Báo cáo khảo sát của Reuters đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu ước sẽ giảm 2,0% trong năm nay, so với mức dự báo giảm 1,2% đưa ra trước đó, và trái ngược với mức dự báo tăng 1,6% trong cuộc khảo sát được tiến hành ngày 20/3.

Sự thay đổi này nhấn mạnh triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi nhanh như thế nào.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.