Trẻ tham gia gameshow: thế giới vẫn đang tranh cãi | |
Tú Vi xót xa vì Văn Anh bị ngã rách tay khi tham gia gameshow |
Nhiều game show nhí cùng lên sóng mùa hè này |
Chỉ trong một thời gian ngắn, các chương trình game show, thi tài năng với đối tượng chính là trẻ em đã và đang thi nhau lên sóng khắp các đài truyền hình trung ương và địa phương.
Cũng tốt thôi, nếu đó là những chương trình bổ ích cho thiếu nhi, giúp các em rèn luyện, giải trí trong những ngày hè.
So với những chương trình tràn ngập trên YouTube, các trò chơi điện tử mà nội dung không thể kiểm soát nổi, thì bộ lọc mang tên truyền hình cũng giúp phụ huynh phần nào yên tâm hơn.
Nhưng đó là chỉ trong trường hợp “nếu”.
Nhiều năm qua, các chương trình thi tài năng đã thi nhau cày xới khu vườn trẻ thơ, khi các em phải chiến đấu với nhau qua từng tuần để loại nhau, ngõ hầu giành chiến thắng chung cuộc với giải thưởng lên tới cả trăm triệu đồng.
Giải thưởng ấy trẻ em chắc chắn không biết cách sử dụng, còn người lớn sẽ thấy đủ hấp dẫn để đưa con em mình vào cuộc đua và tìm cách để “chiến binh” của mình thắng cuộc.
Nếu có dịp đứng sau cánh gà của những cuộc thi tài mới thấy sự hồn nhiên ở những sân chơi trẻ em là điều xa xỉ.
Không có chiếc máy quay nào ghi nhận cảnh các em phải gò mình luyện tập với các chuyên gia, được tư vấn phải nói gì, điều chỉnh giọng hát ra sao.
Không ai cho khán giả biết rằng ở nhiều cuộc thi, trẻ em được phát sẵn đề và đáp án để căng mình học thuộc.
Những cảnh phụ huynh xuất hiện, những lời kể về trẻ đều đã được lên kế hoạch trước, xây dựng theo một kịch bản hấp dẫn để thu hút lượt xem nhằm thu lợi từ quảng cáo và tài trợ.
Khán giả đã không thấy cảnh có trẻ bị chính cha mẹ mình mắng nhiếc sau một phần thi không thành công, hoặc khi nhận kết quả bị loại.
Nhiều lần người ta nói về việc đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho trẻ thơ, về việc không để trẻ em phải đua theo thành tích. Nhưng giữa nói và làm là một khoảng cách đủ để ta phải đi mòn nhiều chiếc giày.
“Tài năng” của một số thần đồng trên sóng truyền hình đủ sức khiến không ít phụ huynh chạnh lòng về “con người ta”. Nếu “con người ta” giỏi thế thì “con của mình” còn hơn thua được với ai đây.
Liệu chừng sau khi xem một chương trình tài năng nhí trên tivi, có phụ huynh nào nói với con mình rằng sao bé dở tệ?
Sinh ra để tỏa sáng, Thần tượng tương lai hay Thần tượng âm nhạc nhí… - mà ngay cái tên chương trình thôi đã hào phóng những mỹ từ gắn với danh vọng - lần lượt đẩy những đứa trẻ cuốn vào vòng xoáy của ánh đèn màu.
Nhìn lịch biểu diễn của Phương Mỹ Chi, có bao nhiêu người sẽ chạnh lòng cho quỹ thời gian eo hẹp của một cô bé, hay sẽ thấy rằng cô bé quá giỏi và nên là mẫu mực để những đứa trẻ khác học theo - đánh đổi một phần tuổi thơ cho ánh đèn màu?
Gameshow, truyền hình thực tế đã không ít lần phô bày trước mắt khán giả mặt trái của nó.
Khi những chương trình dành cho người lớn đã trở nên quen thuộc và nhàm chán, người ta bắt đầu khai thác đến trẻ em cũng với kịch bản, phương thức tương tự, dưới chiêu bài phục vụ trẻ em.
Cho con mùa hè - nơi con có thể sống với thiên nhiên, được vô tư đùa vui theo lứa tuổi - không phải là lời kêu gọi suông trước thực trạng những đứa trẻ cứ dán mắt vào điện thoại hay máy tính bảng và cả tivi.
Mong thay trẻ được là chính trẻ, thay vì là phiên bản người lớn thu nhỏ trong các bài tính của người lớn.
Truyền hình thực tế 'phá bỏ' ranh giới, thứ bậc nghệ sĩ | |
Giám khảo gameshow: Vinh, nhục và tiếng đời |