Covid-19 đã lấy đi bao nhiêu tiền của các tỉ phú Việt?

Xu hướng lao dốc của thị trường chứng khoán trong mấy tháng đại dịch Covid-19 khiến giá trị trên sàn của nhiều doanh nghiệp giảm tới 50%, thậm chí hơn 60%. Túi tiền các tỉ phú Việt cũng bị bốc hơi hàng tỉ USD.

Chốt phiên giao dịch sáng 20/4/2020, VN-Index giảm hơn 20 điểm về mốc 725. VIC giảm 0,3%, MSN giảm 0,4%, ACB giảm 0,5%, VRE giảm 0,9%... Xu hướng lao dốc trong mấy tháng đại dịch Covid-19 đã khiến túi tiền các tỉ phú Việt 'bốc hơi' hàng tỉ USD.

5 người giàu nhất sàn chứng khoán mất xấp xỉ 2,2 tỉ USD

Hơn 3 tháng kể từ khi Covid-19 càn quét, đại dịch này đã làm rung chuyển các nền kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Với Việt Nam, GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,8% so với cùng kì năm ngoái. Chính sách cách li khiến nền kinh tế bị cô lập, các dòng chảy hàng hóa bị đứt gãy, dịch vụ tê liệt, xuất khẩu sụt giảm; hoạt động của doanh nghiệp (DN) đối mặt với nguy cơ đình đốn, ngưng trệ sản xuất kinh doanh.

Trong "giông bão", những hộ sản xuất kinh doanh, các DN vừa và nhỏ có thể co cụm tránh bão, nhưng với DN lớn thì "lãnh đủ". Thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn. Từ các báo cáo tài chính được công bố có thể đo đếm được lượng doanh thu sụt giảm, lợi nhuận xuống thấp. Trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu nhiều phiên đỏ sàn, đà lao dốc kéo dài.

Covid-19 đã lấy đi bao nhiêu tiền của các tỉ phú Việt? - Ảnh 1.

Túi tiền của các tỉ phú Việt bị 'bốc hơi' hàng tỉ USD do thị trường chứng khoán lao dốc.

Túi tiền của các tỉ phú Việt bị 'bốc hơi' hàng tỉ USD do thị trường chứng khoán lao dốc

Quan sát sự biến động của VN-Index, người giàu nhất Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (mã VIC). Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, từ mức 115.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, cổ phiếu VIC hiện có mức giá 95.700 đồng/cổ phiếu khiến tài sản của ông Vượng sụt mất khoảng 36.280 tỉ đồng, còn 181.830 tỉ đồng (ông Vượng sở hữu trực tiếp và gián tiếp xấp xỉ 1,9 tỉ cổ phiếu VIC).

Người đứng thứ 2 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (mã HDB), Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Hàng không VietJet (mã VJC). 

Sự đóng băng của du lịch, cùng với đó là hàng chục máy bay 'đắp chiếu' khiến cổ phiếu VJC lao dốc, giảm từ mức 146.500 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đầu năm còn 117.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Bên cạnh đó, cổ phiếu HDB cũng giảm mất xấp xỉ 21%, khiến tài sản của bà Thảo 'bốc hơi' xấp xỉ 10.000 tỉ đồng.

Vợ ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cũng bị Covid-19 "móc túi" một khoản không nhỏ. Bà Hương sở hữu hơn 151 triệu cổ phiếu VIC, tương đương giá trị hiện tại hơn 13.100 tỉ đồng. Thời điểm này, VIC rớt giá khiến túi tiền bà Hương bốc hơi xấp xỉ khoảng 2.300 tỉ đồng.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kĩ thương Việt Nam (mã TCB) Hồ Hùng Anh hiện sở hữu trực tiếp và gián tiếp 39,3 triệu cổ phiếu TCB; 247,2 triệu cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan, có tổng trị giá gần 13.000 tỉ đồng. Tài sản của ông Hồ Hùng Anh giảm khoảng hơn 1.400 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kĩ thương Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan, sở hữu 9,4 triệu cổ phiếu TCB và 252 triệu MSN. So với đầu năm 2020, ông Quang bị giảm mất hơn khoảng 1.300 tỉ đồng.

Tính chung, 5 tỉ phú có tài sản lớn nhất sàn chứng khoán mất 51.280 tỉ đồng, xấp xỉ 2,2 tỉ USD (23.350 VND/USD). Thông qua các báo cáo tài chính, đó là những con số có thể đo đếm được, còn những thiệt hại khác chưa được phản ánh trên sổ sách là không nhỏ.

"Sơn ăn tuỳ mặt, ma bắt tuỳ người"

Chiến dịch cách li kéo dài khiến đường phố vắng hoe, xe ô tô ít ra đường, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sụt giảm, khiến thị trường xe hơi đóng băng. Tính đến hết tháng 3/2020, doanh số bán ô tô của các thành viên VAMA giảm 33% so với cùng kì năm ngoái. Không ít hãng ô tô phải dừng hoạt động, đóng cửa sản xuất.

Những ông lớn trong ngành ô tô như Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương chịu thất thu hàng chục ngàn tỉ đồng. Do cổ phiếu của Thaco chưa được niêm yết trên sàn nên sự mất giá của Thaco khó đo đếm, nhưng thiệt hại của tỉ phú Trần Bá Dương thì không nhỏ. Vinfast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng vậy. Sự ngưng trệ của thị trường khiến lượng xe tiêu thụ giảm, cùng với đó là doanh thu giảm và lỗ lũy kế càng tăng thêm.

Một ông lớn khác không thể bỏ qua là hãng Bamboo Airways của tỉ phú Trịnh Văn Quyết. Hãng hàng không non trẻ này đi vào hoạt động chưa được bao lâu, cổ phiếu chưa lên sàn nhưng giao dịch khá nhộn nhịp ở thị trường OTC. Khởi điểm chỉ hơn vài chục ngàn, rồi tăng liên tục.

Đã có lúc cổ phiếu này lên đến 45.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng rồi đại dịch Covid-19 bùng phát, cổ phiếu này liên tục rớt giá và cho đến hôm nay gần như không còn giao dịch nữa. Các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi hồi kết của đại dịch và sự khởi động lại của các đường bay thì mới biết được số phận của hãng hàng không non trẻ này.

Covid-19 đã lấy đi bao nhiêu tiền của các tỉ phú Việt? - Ảnh 2.

Trong khi các tỉ phú Việt bốc hơi khá nhiều tiền, vì cổ phiếu mất giá, Chủ tịch FPT Trương Gia Binh chỉ bị hao hụt khoảng hơn 18% giá trị nắm giữ trên thị trường chứng khoán.

Trong khi Covid-19 lấy đi nhiều ngàn tỉ đồng từ các tỉ phú hàng đầu thì có vẻ như nó vẫn "kiềng" mặt một số đại gia. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là một ví dụ. Vào tháng 11/2019, cổ phiếu FPT leo lên đỉnh với giá 58.910 đồng/cổ phiếu. Trải qua mấy tháng đại dịch hoành hành, cổ phiếu này chỉ rung lắc nhẹ. 

Đến phiên giao dịch sáng 20/4, cổ phiếu FPT đóng cửa với mức giá 48.200 đồng/cổ phiếu, giảm hơn chục ngàn so với mức đỉnh.

Khi những hoạt động trực tiếp bị đứt quãng, giao dịch online được đẩy mạnh, cũng là lúc những dịch vụ công nghệ cao có thêm không gian để phát triển. Thời của cách li, FPT đã bắt tay với Bộ Y tế cho ra đời trợ lí ảo chatbot, có thể giải đáp thắc mắc của người dân 24/7 về Covid-19.

Cùng với đó, các hoạt động thương mại điện tử cũng được tăng cường. Điều này giải thích vì sao trong khi các tỉ phú khác bị 'bốc hơi' cả ngàn tỉ, thì túi tiền của ông Trương Gia Bình chỉ vơi đi chút ít. "Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người", những ông chủ ngành công nghệ cao dường như có sức đề kháng tốt hơn với dịch bệnh.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.