Cuộc đua đốt tiền chưa hồi kết của các siêu ứng dụng

Hấp dẫn với dư địa lớn và những bước đầu phát triển lạc quan, song sau một năm nhìn lại, đầu tư cho siêu ứng dụng tại Việt Nam vẫn đang là cuộc đua cam go, “tốn tiền” và khiến nhiều công ty công nghệ lớn “hụt hơi”.

Chớm bùng nổ với sự tham gia của hơn 10 ứng dụng đặt xe nền tảng ban đầu phổ biến nhất của nhiều siêu ứng dụng hiện nay vào giữa năm 2018, nhưng đến cuối năm 2019, chỉ còn khoảng vài cái tên trong số đó được người dùng sử dụng phổ biến, và hoàn thiện dần hệ sinh thái mang khuynh hướng siêu ứng dụng, đơn cử là Grab, Be và Go-Viet.

Bản thân các tay chơi cũng có một năm 2019 với nhiều vất vả và tốn kém. Song, vẫn chưa ai có thể thể xoay chuyển được cuộc chơi mà Grab đang làm chủ.

Be, dù là cái tên mới “chân ướt chân ráo” gia nhập thị trường nhưng ứng dụng này đã nhanh chóng vượt mặt đàn anh GoViet ở mảng đặt xe, xếp thứ 2 sau ông lớn Grab với 16% thị phần theo thống kê của ABI Research.

Theo nhận định của một số chuyên gia, Be là ứng dụng có thể nói đã “đốt tiền” khá thành công ở giai đoạn đầu khiến thị phần tăng nhanh chóng, tên tuổi trên thị trường và trong tâm trí nhà đầu tư nhờ vậy cũng được “đánh bóng” phần nào. 

Song, cho đến nay, ứng dụng này vẫn chưa công bố về bất kì khoản đầu tư nào khác, ngoài những đồn đoán về số tiền mà VPBank rót trong năm qua.

Cuộc đua đốt tiền chưa hồi kết của các siêu ứng dụng - Ảnh 1.

Siêu ứng dụng - Cuộc đua cam go và tốn kém.

Vào Việt Nam hơn 1 năm, nhưng Go-Viet đi khá chậm khi cho đến vẫn chưa triển khai dịch vụ đặt xe 4 bánh, kênh thanh toán không tiền mặt GoPay chưa được triển khai, trong khi mảng giao nhận thức ăn GoFood cho đến nay vẫn khá “khiêm tốn” trước sự bành trướng của đàn anh GrabFood và “cựu binh” Now.

 Dịch vụ cốt lõi là đặt xe 2 bánh GoBike hiện xếp thứ 3 trên thị trường, tương ứng với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, khoảng 10% thị phần trong 6 tháng đầu 2019.

Trong khi đó, theo báo cáo ABI Research, dịch vụ đặt xe của ứng dụng sở hữu đến 73% thị phần xét trên tổng số chuyến xe đã hoàn thành, với số lượng chuyến xe tăng 29% trong năm 2019. 

Dịch vụ đặt món GrabFood cũng có số lượng đơn hàng tăng trưởng gần 1.800% trong năm 2019, và là sự lựa chọn số 1 của người dùng theo khảo sát của Kantar. GrabExpress cũng vừa được hãng công bố mức tăng trưởng 97%. 

Ở mảng thanh toán di động, tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab đã tăng 131%, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng hơn 121%.

Dễ thấy rằng, sự ra đi của nhiều ứng dụng đặt xe tiềm năng của Việt Nam, sự khó khăn giành lấy thị phần của Go-Viet, chiến lược “chịu lỗ” nhiều rủi ro của be, hay những kết quả tích cực của Grab đều có một điểm chung, đó chính là “tốn tiền”.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hoà  từng nhận định: “Trước cả khi trở thành sàn đấu về chiến lược, đây (đầu tư siêu ứng dụng/ứng dụng đặt xe) đã là cuộc đua giành cho những kẻ lắm tiền, không phải cuộc chơi của những anh nhà nghèo, sợ rủi ro.”.

Tuy nhiên, nếu chỉ cần “đốt tiền" thì không đủ thuyết phục để lý giải việc một gã khổng lồ tại Đông Nam Á như GoJek (từng được xem là “vua ứng dụng" của Indonesia) lại xếp hạng sau đối thủ “truyền kì" của mình là Grab, tại một sân chung như Việt Nam, thậm chí là sau một ứng dụng nội địa ra đời muộn hơn là be. 

Vấn đề ở chỗ là có bao nhiêu tiền để đốt, và đốt như thế nào, đó mới là yếu tố sống còn.

Thứ nhất về nguồn đầu tư, ai mới thật sự là kẻ “bạo vì tiền” thì dường như đã quá rõ ràng qua những khoản đầu tư mà các tay chơi này công bố. 

Tính đến tháng 3/2019, ông lớn Grab đã gọi được 4,5 tỉ USD tiền đầu tư từ SoftBank, cũng như vừa tuyên bố sẵn lòng bỏ thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới. 

GoJek - công ty mẹ GoViet thì đã huy động được 1 tỉ USD vào đầu năm 2019, nhưng chưa rõ sẽ dành bao nhiêu cho thị trường Việt Nam. Trong khi đó, số vốn mà đến nay Be đã được “rót” bao nhiêu thì vẫn là một ẩn số.

Thứ hai về chiến lược tiêu tiền, không thể không nhắc đến những chiến dịch siêu khuyến mãi - chiến lược “đốt tiền", được các siêu ứng dụng áp dụng ngay từ giai đoạn đầu xuất hiện để thu hút khách hàng. 

Nhưng cho đến nay, nếu Go-Viet thực hiện chiến lược giá cước rẻ, be siết lại tần suất ưu đãi, thì những chương trình siêu khuyến mãi lại được Grab đều đều triển khai, vừa để giữ khách hàng, tạo đối trọng với các công ty khác, vừa gián tiếp khẳng định tiềm lực tài chính. Điển hình, cuối năm 2019 vừa qua, Grab đã triển khai chuỗi chương trình khuyến mãi khủng giúp người dùng sử dụng dịch vụ đồng giá 9.000 đồng, cho loạt dịch vụ trên nền tảng.

Song, vẫn xét trên chiến lược tiêu tiền, một yếu tố có thể được xem là sống còn đó chính là đầu tư phát triển hệ sinh thái dịch vụ. 

Để xứng đáng là 1 siêu ứng dụng thì phải đáp ứng đa dạng như cầu, từ việc đi lại, mua thức ăn, giao nhận,  thanh toán, một ngày làm việc của người bình thường đều có thể gói gọn trong ứng dụng này. Đó là chưa kể những nhu cầu mang tính không thường xuyên nhưng cũngcần được bổ sung như thanh toán bằng QR tại cửa hàng, trả tiền điện nước, nạp tiền điện thoại, đặt phòng khách sạn... 

Sự đa dạng của hệ sinh thái khiến người dùng ở lại ứng dụng lâu hơn và không có nhu cầu chuyển đổi sang một ứng dụng khác chỉ để dùng một dịch vụ đơn lẻ. Và Grab đang thắng thế, đi đầu xu hướng này

Nhìn chung, người tiêu dùng có thể không có nhu cầu đặc biệt cho siêu ứng dụng, nhưng họ chắc chắn muốn sự tiện lợi và đơn giản mà siêu ứng dụng có thể cung cấp - đây là mấu chốt giúp tương lai của siêu ứng dụng luôn được nhìn nhận lạc quan bởi các nhà đầu tư công nghệ. 

Tuy nhiên, vì là một con đường kinh doanh tốn kém và dài hơi, siêu ứng dụng vẫn cần những chiến lược “đốt tiền” đúng chỗ, đúng lúc để thực sự khai thác hết tiềm năng phát triển, đem lại hệ sinh thái tiện ích trọn vẹn nhất cho người dùng trong tương lai.


chọn
Diễn biến mới tại sân golf Đồi Cù từng xây dựng sai phép của Hoàng Gia ĐL
Hoàng Gia ĐL vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục clubhouse hơn 15.000 m2 tại dự án sân golf Đà Lạt. Công trình này từng bị phát hiện vi phạm xây dựng không phép khiến chủ đầu tư bị phạt 240 triệu đồng.