Báo Tiền Phong đăng tải, rạng sáng 20/5, trong lúc làm thuê cho cơ sở giết mổ tập trung tại ấp Thị 2 (thị trấn Chợ Mới), anh Trần Ngọc Tâm Em liên tiếp phát hiện 3 "vật thể lạ" nằm bên trong ruột heo của 3 con heo.
Anh Tâm Em là người đã phát hiện 3 vật thể được cho là cát lợn quý hiếm. (Ảnh: VietNamNet).
Anh Tâm Em cho biết, sau khi lấy các vật thể này ra khỏi ruột lợn, anh đem về nhà rửa sạch, rồi phơi khô thì thấy có mùi thơm nhẹ giống như trầm hương tỏa ra. Anh Em đã gói 3 "vật thể lạ" lại, cho vào hộp để bảo quản cẩn thận.
Cho rằng bản thân sở hữu được đồ "độc" nhưng không biết đó là gì nên anh thử đăng lên YouTube để mọi người cùng xem, sau đó, nhiều người khẳng định đây là cát lợn quí hiếm.
"Khi tôi đăng hình ảnh lên mạng xã hội, nhiều người khẳng định đây là cát lợn quí hiếm nên hỏi mua, có người trả trên 50 triệu đồng nhưng tôi chưa bán", anh Em nói.
Vậy cát lợn là gì và nó có thật sự là "thần dược" như mọi người vẫn truyền tai nhau?
Theo Wikipedia, cát lợn còn gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng. Đây là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn. Dân gian đánh giá cát lợn khá quí giá và giá trị đối với y học.
Cát lợn thường nặng khoảng vài trăm gram, có vị ngọt, tính mát, để khô có mùi thảo mộc như mùi thuốc bắc. Có nhiều thông tin chưa được xác thực cho rằng cát lợn có giá trị trong chữa bệnh nên có giá thành cao, từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.
Nhiều người cho rằng, "cát lợn" quí hiếm như thế nên có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh.
Theo báo Nghệ An, Đông y từ xưa đã sử dụng cát lợn để hỗ trợ điều trị các bệnh như an thần, động kinh, hốt hoảng lo âu, trị mất ngủ, hôn mê, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm và nhiều tác dụng khác.
3 vật thể nghi là cát lợn. (Ảnh: VietNamNet)
Tuy nhiên, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Siêm, Phó chủ tịch Trung ương hội Đông y Việt Nam chia sẻ trên báo điện tử Pháp luật Plus: Hiện tại trong các loại sách, tài liệu không có cái được gọi là cát lợn hay trư sa. Việc người dân đồn thổi đây là vị thuốc rất quí hoàn toàn không có cơ sở.
"Người dân đồn đại cát lợn có tác dụng thần kì là không có cơ sở, bỏ tiền ra mua rồi chưa chắc có tác dụng gì, không khéo còn tiền mất tật mang nên cần phải cẩn trọng. Hiện chưa có bất cứ thông tin nào về việc cát lợn hay trư sa dùng để làm thuốc", ông Siêm cho biết.
Cũng theo lời ông Siêm, hiện chưa có bất cứ thông tin nào về việc cát lợn hay trư sa dùng để làm thuốc.
Cho đến nay, Đông y chỉ sử dụng sỏi mật của trâu và bò để làm thuốc trị đột quị ở người, thực tế trong Đông y không sử dụng bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn, hiện chưa có tài liệu, bằng chứng, thông tin chính thống nào nói về giá trị kinh tế cũng như y khoa của cát lợn. Do đó, có thể coi thông tin cát lợn là thuốc quí có giá trị hàng tỉ đồng chỉ là tin đồn nhảm.
Xem thêm: Mổ lợn phát hiện 'cát lợn' gần 1kg, được trả giá 300 triệu đồng chưa bán