Từ vụ Minh Béo đến vụ Đoàn Thị Hương
Trước khi bàn về thái độ của cư dân mạng với nghi phạm giết người Đoàn Thị Hương thì cư dân mạng hẳn vẫn còn nhớ đến vụ ấu dâm của Minh Béo tại Mỹ. Khi ở Việt Nam, Minh Béo đã nhiều lần bị các nghệ sĩ trẻ tố cáo nghệ sĩ hài này lợi dụng sự nổi tiếng để đòi “quan hệ” với mình. Sự vụ này có thể search trên Google, thông tin hiện vẫn còn đó. Việc Minh Béo ra nước ngoài vẫn không bỏ được thói bệnh hoạn và “làm bậy” ở nước ngoài với trẻ vị thành niên để rồi lĩnh án, đó là việc rất công bằng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật ở nước sở tại.
Minh Béo trong ngày xử án tại Mỹ (Ảnh: Chụp màn hình) |
Trong thời điểm khi Minh Béo lĩnh án dâm ô với trẻ vị thành niên thì dư luận ở trong nước bắt đầu sôi sục. Sự sôi sục ấy là sự ghê tởm, phẫn nộ và giật mình nhìn lại những nguy hiểm đang rình rập khắp nơi của những kẻ thú đội lốt người, sẵn sàng lôi trẻ con ra để thỏa mãn thú tính, bệnh hoạn của mình. Ấu dâm là một căn bệnh kinh tởm và đáng lên án, cho dù có phân tích, có đứng ở một góc nhìn nhân văn nào đi chăng nữa thì những người trưởng thành, có hiểu biết, có lương tri, nhất là những bậc làm cha làm mẹ đều không thể tha thứ cho những kẻ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em.
Nói vậy để thấy, sự nghiêm minh của pháp luật nước Mỹ với tội ấu dâm của Minh Béo như một hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân nước ta, vốn chưa ý thức sâu sắc về loại tội phạm này. Bên cạnh hàng loạt những bài viết thể hiện quan điểm lên án và quyết không để cho Minh Béo có cơ hội lên sân khấu biểu diễn, thì cũng không ít những “người hâm mộ” Minh Béo xót xa và đồng cảm, động viên Minh Béo quên đi án tù vừa qua rồi lại lên sân khấu để biểu diễn cho trẻ em (và cả cho họ) xem anh ta tấu hài?
Sự cổ vũ của một bộ phận khán giả vì yêu Minh Béo mà quên đi cái án tù với hai chữ “ấu dâm”, căn bệnh của Minh Béo. Vì sao công chúng lại bênh Minh Béo? Có lẽ vì cái vẻ tròn trịa, đáng yêu và nhí nhảnh của Minh Béo mà khán giả quên mất Minh Béo là ai? Cũng có thể vì nạn nhân của Minh Béo không phải là người thân, là con em của các vị ấy nên họ bỗng trở nên bao dung, vị tha đến lạ thường. Phải vậy không, các “thánh” bao dung quá độ?
Nghi phạm Đoàn Thị Hương với ánh mắt "gây bão" cư dân mạng ngày 01/03/2017 (Ảnh:AFP) |
Đoàn Thị Hương là một cái tên đang gây bão “phây búc” cả trong nước và quốc tế, cả truyền thông chính thống đến truyền thông vỉa hè. Cô này đang là nghi phạm giết chết người được cho là ông Kim Jong Nam (anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un) tại Malaysia. Hiện vụ việc vẫn đang được xét xử theo luật của nước Hồi Giáo này.
Như bao tin địa chấn khác, Đoàn Thị Hương được lôi tuột lên mặt báo với đủ lí lịch từ khi còn là một cô bé ở Nam Định cho đến khi bị tình nghi là sát thủ giết người ở nước ngoài. Dân chơi “phây” xôn xao trước thông tin Đoàn Thị Hương ở tòa xét xử một mình và không có người thân hay một người Việt Nam nào ở tại tòa. Câu nói “Tôi hiểu nhưng tôi vô tội” ở tòa của Đoàn Thị Hương cùng ánh mắt vô hồn khi đi ra khỏi tòa án đã khiến cư dân mạng lại "nổi sóng" (như đã từng "nổi sóng" với sự trở về của Minh Béo và vụ hai cô gái chụp ảnh porn ở Tuyệt tình cốc mấy ngày vừa qua).
“Cô này không thể giết người được”, “Tại sao đại sứ quán không lên tiếng”, “ Nhìn ánh mắt của cô ấy kìa, làm sao có thể là gián điệp hay được đào tạo chứ, cô ấy bị oan...”, “Vụ này còn nhiều uẩn khúc”... là những status liên tục trên facebook ngày hôm qua. “Tôi nhìn thấy một nữ công dân nước tôi đang cô độc chuẩn bị đón nhận án tử hình ở nơi "đất khách quê người". Hoàn toàn cô độc... Tôi nhìn thấy bi kịch của những cô gái, chàng trai nghèo bỏ nông thôn ra thành phố, không tiền, không kiến thức bị ném vào cái xã hội đầy bất trắc... Tôi nhìn thấy bi kịch của những số phận Việt lênh đênh, vất vưởng mưu sinh khổ nhục xa xứ... Tôi nhìn thấy cả sự im lặng, thấy cả sự thờ ơ...” – một hot facebooker viết về Đoàn Thị Hương.
Nhìn thấy gì từ những sự vụ hot trên “phây”?
Facebook với quyền được lên tiếng đã biến chúng ta thành những quan tòa và phán xử bằng cảm tính của chính mình (Ảnh: Net News) |
Dư luận ồn ào lên, ai cũng bày tỏ đủ loại ý kiến, ai cũng có nhu cầu lên tiếng tại “phây búc” nhà mình. Quyền được nói và quyền được bày tỏ thái độ chưa bao giờ trở nên mạnh mẽ, cấp thiết như bây giờ. Thế nhưng, sau quyền được nói, quyền được bày tỏ sự vụ, thì dân chơi “phây” có phải là người trong cuộc không? Một bức ảnh và một câu nói của nghi phạm giết người “Tôi hiểu nhưng tôi vô tội” trước tòa đã có thể khiến lương tri động lòng, một kẻ ấu dâm cũng được chào đón như người hùng vinh quy bái tổ. Từ bao giờ, chúng ta lẫn lộn giữa lòng thương hại vô lí vào những tội ác không thể dung thứ như vậy?
Đoàn Thị Hương vô tội hay có tội, tòa án chưa phán xử. Thế nhưng quan tòa "phây búc" đã dấy lên làn sóng xót thương cho nghi phạm, chỉ vì một ánh mắt và một câu nói cùng sự võ đoán của riêng mình “người như thế kia thì làm gì mà dám làm thế?”. Vâng, Minh Béo cũng có vẻ ngoài rất phúc hậu và được nhiều người yêu mến, nhưng tội danh của Minh Béo là xâm hại tình dục trẻ em, vậy đó các vị ạ! Nên xin các vị, khi chưa hiểu chuyện, thì đừng phán xét bất cứ một điều gì. Bởi vì, chúng ta không phải là họ, chúng ta nhìn nhận sự việc để cảnh tỉnh chính mình, trước khi lên tiếng đòi quyền lợi cho người khác (trong khi còn chưa rõ đúng sai).
Và bởi vì chúng ta không phải là người thấu đáo ngọn ngành, nên đừng "khóc thuê" chỉ vì một bức ảnh gây “thiện cảm” với cảm quan mơ hồ của chính mình. Thưa các quan tòa "phây búc".