Đẳng cấp và virus corona: Khi nhà giàu Trung Quốc từ bỏ cuộc sống xa xỉ

 Rất ít người thoát khỏi tác động của đại dịch Covid-19. Nếu như các gia đình trung lưu phải từ bỏ cuộc sống xa xỉ thì những người ở dưới đáy xã hội lại phải đối diện với một thảm hoạ tiềm tàng.
Đẳng cấp và virus corona: Khi nhà giàu Trung Quốc từ bỏ cuộc sống xa xỉ - Ảnh 1.

Lao động nhập cư và người dân ở khu vực nông thôn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm ở Trung Quốc do Covid-19 gây ra. (Minh họa: Lau Ka-kuen).

Li Ming, 36 tuổi - Giám đốc Marketing của một công ty ô tô ở Bắc Kinh, lần đầu tiên trong cuộc đời cảm thấy thực sự mệt mỏi. Khi đại dịch bắt đầu bùng nổ, doanh số bán xe hơi sụt giảm nhanh chóng và cô đã bị mất việc trong tháng 2. Điều tồi tệ hơn là chồng cô, nhân viên của một hãng hàng không, cũng bị giảm 40% lương.

“Đột nhiên, một nửa thu nhập của gia đình tôi bị bốc hơi”, Li nói và thêm rằng: “Mấy tháng nay tôi đều mất ngủ. Chúng tôi có một khoản nợ phải trả và phải nuôi hai đứa con. Bây giờ chúng là gánh nặng lớn”.

Li đã phải sa thải người giúp việc để tiết kiệm 12.000 Nhân dân tệ (tương đương 1.700 USD) mỗi tháng.

Ngoài cái giá phải trả bằng chính mạng sống con người, đại dịch Covid-19 còn khiến cho nền kinh tế bị đình trệ. Rất ít người thoát khỏi sự tác động của nó. Tuy nhiên, nếu như các gia đình trung lưu ở Trung Quốc phải từ bỏ cuộc sống xa xỉ trước đây thì những người ở tầng đáy xã hội lại phải đối diện với một thảm hoạ tiềm tàng.

Đẳng cấp và virus corona: Khi nhà giàu Trung Quốc từ bỏ cuộc sống xa xỉ - Ảnh 2.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 6,6% (tính theo đồng USD) so với cùng kì năm ngoái, sau khi đã giảm mạnh 17,2% trong tháng 1 và tháng 2. (Ảnh: Reuters).

Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn Trung Quốc đã tăng lên 6,2% trong tháng 2, một mức cao kỉ lục, mặc dù con số này vẫn bị cho là thấp hơn so với thực tế. Trong tháng 3, tỉ lệ này đã được cải thiện hơn, với mức 5,9%, do các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại khi đại dịch cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc.

Theo một báo cáo của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) công bố hôm 22/4, tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc có thể lên tới 10% trong năm nay, với hơn 22 triệu lao động ở khu vực nông thôn bị mất việc làm.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng UBS cũng ước đoán, trong tháng qua đã có 50-60 triệu việc làm bị mất trong lĩnh vực dịch vụ và hơn 20 triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.

Mặc dù, tỉ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc được công bố dựa trên số liệu từ 31 thành phố lớn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn còn tồi tệ hơn.

“Sự khác biệt giữa các khu vực ở Trung Quốc rất lớn”, Hu Xingdou, một nhà nghiên cứu kinh tế - chính trị độc lập ở Bắc Kinh cho biết: “Trong khi người dân ở các thành phố lớn và các vùng ven biển đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày, thì người dân ở các tỉnh sâu trong nội địa và vùng nghèo đói còn có nguy cơ mất cả tính mạng hoặc mất người thân”.

Cô Pen Lixiang, 38 tuổi đến từ làng Dayi ở tỉnh Quảng Đông, đang làm việc cho một nhà hàng lẩu ở Heze, một trong những thành phố nghèo nhất ở tỉnh phía Đông Trung Quốc, chỉ kiếm được 1.000 Nhân dân tệ mỗi tháng.

Tuy nhiên, đại dịch đã khiến nhà hàng phải đóng cửa từ tháng 2 đến nay và cô Peng cũng mất luôn công việc đó.

Là trụ cột chính của gia đình, Peng phải vật lộn để kiếm tiền nuôi đứa con gái 8 tuổi và trả khoản nợ mà họ đã vay để mua nhà. Cô cho biết, cô đã nộp đơn xin việc ở các nhà máy và các nhà hàng trong thành phố nhưng tất cả đều từ chối.

“Tôi không thể tưởng tượng là khó khăn như thế”, cô nói: “Tôi cần một công việc ngay cả với mức lương thấp, làm việc nặng nhọc hoặc bất cứ điều gì khác miễn là tôi không phải làm việc vào ban đêm, bởi tôi còn phải chăm con gái”.

Đẳng cấp và virus corona: Khi nhà giàu Trung Quốc từ bỏ cuộc sống xa xỉ - Ảnh 3.

Lệnh đóng cửa để ngăn chặn virus corona đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. (Ảnh: EPA-EFE).

Peng không phải là trường hợp duy nhất ở những thành phố và thị trấn nội địa kém phát triển của Trung Quốc đang chật vật tìm việc. Đó là lí do tại sao hàng triệu người nhập cư, như Cao Jin (39 tuổi), phải quay trở lại khu vực ven biển sau nhiều tháng sống trong cảnh phong toả.

Hôm 1/4, Cao đã rời khỏi Suizhou, một thành phố ở phía Bắc tỉnh Hồ Bắc, để đến Quảng Đông, đại công xưởng của Trung Quốc, nơi anh hiy vọng sẽ tìm được công việc giám sát dây chuyền sản xuất cho một công ty ở Phật Sơn.

Tuy nhiên, sau 12 ngày cách li xã hội tại kí túc xá nhà máy, Cao được thông báo là công việc duy nhất cho anh chỉ còn ca đêm – từ 6h tối đến 4h sáng, 5 ngày mỗi tuần và được trả mức lương tối thiểu theo quy định của chính phủ là 2.000 Nhân dân tệ/tháng – chỉ bằng 1/4 so với trước đó anh từng nhận.

“Mức lương này không đủ để tôi trang trải cuộc sống tại Phật Sơn, nói gì đến việc hỗ trợ cho gia đình ở Hồ Bắc”, anh nói.

Cao cho biết, anh đã cố gắng thương lượng với ông chủ, song họ nói rằng, do nhà máy bị cắt giảm 50% đơn đặt hàng nên họ phải cắt giảm dây chuyền sản xuất từ 10 xuống còn 5. Quy mô của nhân công cũng giảm đi một nửa, chỉ còn khoảng 300 người.

Vì vậy, “Tôi đã không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nghỉ việc”, anh nói.

Cao cho biết, anh đã mất 5 ngày để tìm việc ở Phật Sơn nhưng không có kết quả. Bạn bè và các đồng nghiệp cũ nói với anh rằng, do nước ngoài giảm nhu cầu đối với hàng hoá Trung Quốc nên ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.

Phật Sơn là nơi tập trung nhiều các nhà sản xuất thiết bị gia đình và hầu hết là xuất khẩu. Một trong số đó là Tập đoàn Midea, vừa báo cáo giảm doanh thu 23% trong quý I. Trong khi đó, Công ty điện tử Gree Electric Appliances, có trụ sở tại Zhuhai – cũng cho biết doanh thu đã sụt giảm khoảng 50% so với cùng kỳ, hầu hết là do xuất khẩu giảm.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 6,6% (tính theo đồng USD) so với cùng kì năm ngoái, sau khi đã giảm mạnh 17,2% trong tháng 1 và tháng 2.

Mặc dù, tháng 4 đã chứng khiến mức tăng 3,5% về xuất khẩu, khi một số đối tác thương mại của Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian phong toả, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với năm ngoái.

Bà Rosealea Yao, chuyên gia phân tích của Gavekal Dragonomics nói rằng, quỹ đạo hồi phục của Trung Quốc vẫn còn “khá nông” do nhu cầu toàn cầu sau cuộc khủng hoảng vẫn còn yếu ớt.

“Xuất khẩu trong tháng 4 đã tốt hơn so với dự đoán nhưng các đơn hàng mới vẫn đang giảm mạnh và những tổn thương từ sự sụp đổ về tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu vẫn chưa hồi phục”, bà Yao nói và cho rằng: “Tình trạng thiếu việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu có thể sẽ còn tồi tệ hơn”.

Báo cáo của Fitch trong tuần này nói rằng, tác động của cuộc khủng hoảng sức khoẻ này lên nền kinh tế toàn cầu khiến gia tăng áp lực lên thị trường lao động Trung Quốc.

Hiện Bắc Kinh đang cố gắng chuyển nền kinh tế trong nước sang phát triển lĩnh vực dịch vụ - nơi cung cấp nhiều việc làm - và đẩy mạnh chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, khu vực doanh nghiệp cung cấp 87 triệu việc làm trong năm 2019, trong đó, 61 triệu việc làm từ lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.


chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.