Phim về 'ấu dâm' của đạo diễn Lê Hoàng bị cộng đồng mạng chê tơi tả | |
Phim về ấu dâm của Lê Hoàng: Nặng giáo huấn, yếu kịch bản |
Lê Hoàng từng nổi lên như một hiện tượng của làng điện ảnh Việt cuối thập niên 90 – đầu 2000 khi sản xuất hàng loạt bộ phim ấn tượng. Lương tâm bé bỏng, Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng... là những bộ phim do Lê Hoàng thực hiện, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Phim Gái nhảy năm 2003 còn giúp Lê Hoàng thu về tới 12 tỉ đồng, giữ kỉ lục doanh thu của điện ảnh Việt Nam một thời gian dài. Thậm chí, Gái nhảy còn mở màn cho thời kì phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh thập niên 90.
Và dĩ nhiên, thành công đó đã khiến khán giả màn ảnh rộng, giới truyền thông, những nhà đầu tư điện ảnh xem Lê Hoàng như một cỗ máy “hái ra tiền”, rồi ông mau chóng làm nên thương hiệu "vị đạo diễn sa đọa". Sa đọa ở đây là những bộ phim về đề tài mang tính cướp, giết, hiếp, đồng tính, gái trai... đều được ông tận dụng triệt để vào phim.
Thế nhưng, khi thị trường điện ảnh phát triển cũng là lúc hàng loạt bộ phim có đề tài đa dạng, hiện đại, hấp dẫn khán giả từ nội dung đến hình thức ra mắt dưới bàn tay của nhiều đạo diễn trẻ và có tên tuổi. Lúc này, khán giả mặc nhiên có quyền lựa chọn một bộ phim thật sự hấp dẫn để xem khi bỏ tiền mua vé. Đáng tiếc, Lê Hoàng không làm được điều này.
Ở vài mùa làm phim, đề tài "sa đọa" của Lê Hoàng kéo khán giả đến rạp, thứ nhất là tên tuổi của ông đã trở thành thương hiệu trong giới làm phim, thứ hai là nội dung phim được quảng bá đầy tính giật gân. Nhưng sau khi xem xong, khán giả đa phần để lại bình luận rằng "cảm thấy bị lừa" là nhiều hơn.
Nếu Lê Hoàng có viết một kịch bản mang tên Chuông reo là bắn thì với khán giả, phim của Lê Hoàng từ sau Gái nhảy đến nay đích thị "xem xong là chửi". Bởi thực tế, đếm sơ qua đã có tới 4 bộ phim gắn mác "thất bại” do một tay Lê Hoàng thực hiện. Khán giả xem xong phim chỉ biết lắc đầu, ngao ngán và tiếc tiền mua vé.
Đạo diễn Lê Hoàng. |
Gần 10 năm một “màu” kịch bản: rườm rà, vô lí
Không cần nói xa xôi, ngay bộ phim S.O.S Sói trắng đánh dấu sự trở lại của Lê Hoàng sau 8 năm vắng bóng vừa ra rạp vào ngày 16/6/2017 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Đề cập đến nạn lạm dụng tình dục trẻ em gây nhức nhối trong xã hội thời gian gần đây, S.O.S Sói trắng đã khiến khán giả tò mò ngay từ khi phim mới lên ý tưởng. Ai cũng hào hứng ra rạp để xem dưới bàn tay của vị đạo diễn nổi tiếng chanh chua, sắc sảo, có cái nhìn đa chiều, thẳng thắn như Lê Hoàng sẽ phác họa vấn nạn xã hội này lên màn ảnh như thế nào.
Vậy nhưng, phân nửa khán giả bước ra khỏi rạp đã lắc đầu thất vọng và dành những dòng bình luận (review) trái chiều về phim trên mạng xã hội.
Ngay cả những trang web phê bình phim cũng chê tơi tả vì dàn diễn viên thiếu kinh nghiệm, tình tiết rời rạc, diễn biến vô lí, âm thanh, hình ảnh đều kém. Có trang web còn không ngần ngại bình chọn S.O.S Sói trắng của Lê Hoàng là bộ phim Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Mâm xôi vàng (những bộ phim tệ nhất).
Poster phim S.O.S Sói trắng của Lê Hoàng. |
Cụ thể, phim kể về một anh chàng ca sĩ rất nổi tiếng Jimmy Trần (Tim thủ vai), kẻ này lợi dụng sự nổi tiếng của mình để trong một lần tình cờ, đã giúp Ly - nhân viên công ty quảng cáo thoát khỏi một vụ cãi vã.
Ngay lập tức, Ly phải lòng Jimmy Trần và tin tưởng nhờ hắn đưa đón bé Bi (em trai mình). Và cũng ngay lập tức kẻ thủ ác ra tay. Mặc dù biết vậy và rất tức giận nhưng Ly đã nhanh chóng tha thứ cho Jimmy Trần chỉ vì vài lời giải thích thiếu thuyết phục.
Rồi cứ vậy, kẻ ác vẫn nhởn nhơ làm việc ác, còn những nhân vật khác đại diện cho xã hội lại có vẻ như đã rất "ngớ ngẩn" để tha thứ cho hắn.
Điểm yếu của phim nằm ở cách tiếp cận vấn đề còn đơn điệu, tạo cảm giác giáo huấn người xem hơn để câu chuyện thuyết phục một cách tự nhiên. Nhân vật trong phim nhắc lại nhiều lần các từ "ấu dâm", "lạm dụng tình dục" một cách không cần thiết. Có lúc, họ trao đổi những đoạn thoại dài với nội dung như "trả bài" từ sách vở.
Những cảnh lạm dụng tình dục trẻ em cũng được thể hiện bằng lối cắt cảnh nhanh các động tác mạnh bạo của hung thủ, tiếng kêu gào của trẻ em... với mong muốn để khán giả cảm nhận tội ác.
Ngay cả diễn viên Hải Triều, dù được khán giả coi là "cứu tinh" của phim nhưng những cảnh xúc động, anh cũng không thể làm người xem bật khóc vì nội dung không tới, gượng gạo.
Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến tích cực ủng hộ bộ phim S.O.S Sói trắng của Lê Hoàng. Nếu dễ dãi bỏ qua những "hạt sạn" trong phim thì không thể phủ nhận, Lê Hoàng quá khôn khéo khi lựa chọn một "điểm rơi" hoàn hảo vào thời điểm ấu dâm đang là đề tài nóng khiến dư luận bức xúc.
Đây cũng là một đề tài có chiều sâu, cộng với tên tuổi Lê Hoàng nên nhiều người đặt sự kì vọng quá nhiều dẫn đến thất vọng vì không đáp ứng đủ mong muốn.
Song, nếu S.O.S Sói trắng là bộ phim duy nhất gây thất vọng của Lê Hoàng thì không sao, đằng này, từ năm 2009 đến nay, cứ phim nào ông ra mắt cũng đều bị chê vì lí do: nội dung rời rạc, thiếu thực tế.
Những thiên thần áo trắng do Lê Hoàng thực hiện năm 2009 dù lựa chọn hình thức "Tây hóa" - đi ngược với dòng chảy phim Việt thời điểm bấy giờ nhưng vẫn lộ nhiều khuyết điểm.
Tình tiết táo bạo, ý tưởng mới mẻ, giàu kịch tính về sự đổi mới của một trường học với những học sinh thông minh, cá tính nhưng không phù hợp với cuộc sống học đường thực tế ở Việt Nam đã khiến nhiều khán giả thẳng thắn phê bình.
Đáng nói là, khi làm Những thiên thần áo trắng, Lê Hoàng còn có một phát ngôn "định mệnh" như thể ông là người đi "cứu rỗi" dòng phim truyền hình Việt: “Tôi làm phim truyền hình vì phim truyền hình Việt Nam dở quá!”.
Tuy nhiên, Lê Hoàng có "cứu rỗi" được không thì kết quả từ Những thiên thần áo trắng chắc chắn ai cũng đã rõ.
Những thiên thần áo trắng từng làm nên tên tuổi nhiều diễn viên trẻ như Midu, Miu Lê... nhưng vẫn mang màu sắc thiếu thực tế và không làm hài lòng nhiều khán giả khó tính. |
Rồi đến Tối nay 8 giờ! - bộ phim nhựa khai thác đề tài xã hội về mối quan hệ "đại gia - chân dài" còn khiến Lê Hoàng bị chê nhiều hơn. Không ít khán giả sau khi xem xong sẵn sàng khẳng định: "Đây đích thị là sản phẩm thảm họa của làng điện ảnh năm 2011".
Kịch bản lỏng lẻo, cũ kĩ và đầy sạn với hàng loạt chi tiết, tình huống ngớ ngẩn, sống sượng đến vô duyên kể về hành trình của bốn cô gái "bia ôm" tỉnh lẻ lên thành phố "săn" trai đại gia qua những khuôn hình tẻ nhạt hơn cả phim truyền hình. Lồng ghép vào đó là những cảnh quay theo phong cách video clip thập niên 90 khiến bộ phim trở nên "cũ rích" và "chợ".
Không những thế, tình tiết bốn cô gái đang sống nghèo nàn tại quê mà lại bất ngờ ngồi trên bốn chiếc xe tay ga bóng lộn lên thành phố. Tình tiết phi lí này khiến khán giả nhầm tưởng đạo diễn đang biến bốn cô gái thành nữ tướng hào kiệt đi cứu rỗi cuộc đời chứ không phải "săn" trai như kịch bản đặt ra.
Và cũng bắt đầu từ đó, đạo diễn Lê Hoàng tự lột trần mình để giới thiệu cho khán giả về lượng kiến thức lẫn tư duy điện ảnh không đến đâu. Tức bao nhiêu cái rởm đời, ất ơ của mình, đạo diễn hồn nhiên phơi ra cho bằng hết.
Tối nay 8 giờ! là bộ phim nhựa "thảm họa" của Lê Hoàng sau 8 năm mang về thành công vang dội từ Gái nhảy. |
Cho tới bộ phim Cát nóng được chọn chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 cuối năm 2012 của Lê Hoàng cũng gây thất vọng nặng nề.
Được kì vọng sẽ truyền tải những thông điệp về nền điện ảnh Việt Nam với nhiều đổi mới cùng hình ảnh cuộc sống và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Thế nhưng, những gì mà bộ phim này đem lại chỉ là sự khó hiểu và dài dòng trong diễn đạt cùng sự thừa thãi lời thoại. Nhiều đạo diễn, nhà phê bình, diễn viên gạo cội đã không thể kiên nhẫn và phải bỏ ra về khi bộ phim mới chiếu được một nửa.
Phải mất 30 phút đầu phim, khán giả hầu như không ai hiểu được đang xem cái gì. Thay vào đó là những lời thoại vô nghĩa và dài lê thê. Khán giả không hiểu tại sao một cô gái hồn nhiên nhưng hơi nhát, sợ người lạ như nhân vật Cát lại... tự động trèo lên giường của anh chàng Nam chỉ để cầu xin anh “đừng ăn dông!”. Rồi cảnh cô chị Mai kể lại câu chuyện đau lòng của gia đình mình, người xem cũng thấy nhiều điều vô lí.
Lê Hoàng và nữ ca sĩ Phương Thanh tại hậu trường phim Cát nóng. Đây là bộ phim trình chiếu lại LHP Quốc tế được khán giả trong và ngoài nước xem nhưng lại gây thất vọng nặng nề. |
Đặc biệt, Cát nóng sau khi được trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012 còn vấp phải tranh cãi gay gắt về vấn đề kịch bản. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã lên tiếng cho biết phim Cát nóng được làm bởi kịch bản của Lê Hoàng chứ không phải kịch bản Cát nóng mà ông viết và đã được hội đồng duyệt kịch bản quốc gia thông qua, cấp kinh phí 6 tỉ đồng để làm phim.
Sau đó, hội đồng nghệ thuật của Hãng phim Giải Phóng - đại diện sản xuất phim Cát nóng phải có cuộc họp để làm rõ vấn đề này.
Thức thời nhưng thiếu tỉnh táo
Khách quan mà nói, Lê Hoàng là vị đạo diễn có tài và có chất, chất của một ngòi bút dí dỏm, sắc sảo, điều mà điện ảnh rất cần. Đó cũng là yếu tố để ông làm nên thành công của hàng loạt bộ phim như Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Gái nhảy...
Nhưng cái thức thời mà thiếu sự tỉnh táo thì sẽ trở nên đổ đốn và tự chặt chân mình. Đây là điều mà nhiều người nhận định đã xảy ra với Lê Hoàng khi ông thu về một chuỗi thất bại gần 10 năm nay.
Cùng một thời với Lê Hoàng có đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng nhưng do họ biết cách nương theo thời cuộc, cập nhật để đa dạng hóa tác phẩm điện ảnh và giữ chân khán giả lâu hơn. Còn Lê Hoàng, cái cũ vẫn bám trụ quá lâu đã khiến ông bị hất văng khỏi “mâm cỗ” phim nhựa, phim Tết và gần như bất lực trong việc cập nhật mình với thời đại.
Mà theo lời bao biện của Lê Hoàng thì là: "Vẫn là phim của Lê Hoàng: chẳng giống ai ở cách xây dựng nhân vật, chẳng giống ai về lời thoại và cách kể chuyện. Điều ấy chắc có thể làm một số người bực mình nhưng nếu phải chọn giữa phong cách đám đông và phong cách Lê Hoàng thì tôi xin phép cứ được là Lê Hoàng". Hay như "Phim tôi làm có cái cao, cái thấp, cái hay, cái dở nhưng chưa có phim nào ngu. Làm phim mà không cường điệu thì ở nhà cho rồi".
Từ đó còn để thấy, Lê Hoàng không chỉ trung thành với lối tư duy cũ mà còn mang nặng tính bảo thủ khó cải tiến.
Với kiểu làm phim của Lê Hoàng, có người còn cho rằng, ông rất giỏi trong việc tiêu tiền của nhà sản xuất mà theo nghĩa nào đó thì đấy là cách làm vô trách nhiệm, kiểu sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Để rồi, dù có công tâm thừa nhận năng lực của Lê Hoàng cùng cái chất riêng chẳng giống ai cũng phải thất vọng khẳng định: "Gừng càng già càng... bớt cay".
Phim về ấu dâm của Lê Hoàng: Nặng giáo huấn, yếu kịch bản
"S.O.S Sói trắng" lên án nạn lạm dụng tình dục trẻ em nhưng kịch bản và diễn xuất nhiều lỏng lẻo. |
Ảnh: Tổng hợp (Internet)