Từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Luật chuyên ngành kế toán kiểm toán và có thời gian làm kiểm toán viên 5 năm tại công ty TNHH Deloitte Việt Nam, nhưng rồi sau khi sinh hai bé sinh đôi Ben và Jolie, chị Trần Thanh Trúc (TP HCM) quyết định ở nhà chăm con để có thể dành nhiều thời gian nhất cho con trong giai đoạn vàng phát triển 0-6 tuổi của con.
Hiện tại chị Trúc vẫn làm mẹ toàn thời gian và nuôi dạy 2 bé tại nhà với sự hỗ trợ hết mình của ông xã. Hai bé nhà chị hiện gần 20 tháng tuổi và được mẹ giáo dục theo phương pháp Montessori. Cùng trò chuyện với chị Trúc về tâm huyết của chị trong việc dạy con theo phương pháp nổi tiếng này.
Chị Trúc tự làm giáo cụ Montessori cho hai con sinh đôi. |
- Chào chị Trúc, được biết chị tự làm giáo cụ Montessori cho con, từ đâu chị có ý tưởng này, tại sao lại là Montessori chứ không phải một phương pháp nào khác?
Mình phần lớn tự làm giáo cụ cho con nhờ theo chương trình được hướng dẫn trong group “Dạy con ở nhà cùng Nguyễn Thắm”. Đây là group mà mình tham gia từ khi hai bé được tầm 12 tháng.
Thật ra trước đây mình có tham khảo về Montessori và Glenn Doman từ khi thai giáo cho con và quyết định lựa chọn Glenn Doman vì cách dạy flashcard có vẻ đơn giản và mẹ chủ động được nhiều thứ. Do đó mình đã áp dụng Glenn Doman cho con từ khi mới sinh với các hoạt động kích thích vận động, thị giác và học flashcard.
Nhưng một thời gian thì mẹ phát hiện là mẹ cũng bí chủ đề để dạy cho con và nhận ra rằng mỗi khi con học thì bắt buộc mẹ phải tham gia vào việc dạy nên thời gian con học đồng nghĩa với việc mẹ cũng không có thời gian rảnh. Nói cách khác, phương pháp này đòi hỏi ba mẹ phải cố gắng nhiều hơn con nhiều lắm để con có thể học được nội dung muốn truyền tải. Đó là chưa kể kết quả dạy Glenn Doman thường đến rất chậm nên không phải bố mẹ nào cũng kiên nhẫn được đến khi con thể hiện những hiểu biết của con.
Hai bé nhà chị Trúc say mê chơi với những giáo cụ Montessori mẹ tự tay làm. |
Sau đó, may mắn qua chia sẻ của một người thân mình được biết đến cô Nguyễn Thắm với hướng dẫn dạy Montessori cho phụ huynh thực hành ở nhà và được hiểu sâu hơn về phương pháp này cũng như việc áp dụng là đơn giản và ưu việt hơn phương pháp Glenn đang theo đuổi. Đó là con hoàn toàn có thể tự học bài, ôn bài, làm các hoạt động kích thích trí não của con mà không phụ thuộc vào sự tương tác với bố mẹ. Hơn nữa, kỹ năng và các giác quan của con cũng được trau dồi và kích thích phong phú, đầy đủ hơn nên mình đã chuyển đổi phương pháp và áp dụng cho con thành công.
Trong Montessori có 1 từ khóa mà mình rất tâm đắc đó là “Thời kỳ nhạy cảm”. Đó là các giai đoạn mà tại thời điểm đó trẻ có thể dễ dàng học tập được các kỹ năng hay kiến thức dựa theo sự hướng dẫn của nhu cầu nội tại mà không tốn quá nhiều công sức. Do đó, ba mẹ chỉ cần kiên nhẫn quan sát, chờ đợi thời kỳ nhạy cảm của con đến và thiết kế các giáo cụ, hoạt động phù hợp với nhu cầu đó của con để hỗ trợ con tự học tập và rèn luyện và thỏa mãn nhu cầu của mình. Như vậy, việc học của trẻ sẽ thật nhẹ nhàng, vui vẻ và hiệu quả hơn gấp bội so với học theo chương trình hay kỳ vọng sẵn có của ba mẹ.
"Tinh thần chung của Montessori chính là yêu thương, tôn trọng, tự do trong khuôn khổ". |
Chị Trúc tự tay làm các giáo cụ Montessori cho con. |
- Tinh thần chung của Montessori là gì? Nó cũng là một phương pháp giáo dục sớm, vậy chị kỳ vọng gì ở con khi áp dụng Montessori cho con ngay từ bé như vậy?
Tinh thần chung của Montessori chính là yêu thương, tôn trọng, tự do trong khuôn khổ. Con được tự do làm mọi điều mình thích với điều kiện con tuân thủ nội quy vì vậy mà không những con được thỏa mãn, tự do khám phá nhưng vẫn là 1 em bé nề nếp, có kỷ luật. Mọi sự đều phải được dạy, và mọi sự phải được gắn liền với đời sống; nhưng điều này không có nghĩa là các hành động mà trẻ đã học thực hiện và đưa vào đời sống thực tiễn của chúng phải bị loại bỏ hoặc bị điều khiển bởi chúng ta trong từng chi tiết. Trẻ sẽ trở nên một cá thể độc lập, ổn định, hài hòa và lành mạnh.
Thông thường mọi người nói đến Montesssori như 1 phương pháp giáo dục sớm, nhưng khi tìm hiểu về Montesssori, mình thấy rằng nó đích thực không phải một phương pháp giáo dục sớm, mà phải nói là giáo dục đúng thời kỳ, dạy trẻ đúng theo phương châm "thuận tự nhiên" - không phải bố mẹ dạy con theo cách của bố mẹ: học chữ, học toán hay gì đó để mong con thông minh hơn người. Mà quan sát sự phát triển của con theo từng giai đoạn để thiết kế hoạt động phù hợp cho con.
Ví dụ: khi con giai đoạn tập đi, thì thiết kế nhiều hoạt động để con được thỏa mãn nhu cầu vận động, con thích vẽ thì mẹ thiết kế hoạt động để con học vẽ....
"Mục đích cuối cùng của Montesssori là rèn sự tập trung, tự lập, tự giác và các kỹ năng dành cho trẻ để làm nền tảng cho các cấp học cao hơn". |
Và mục đích cuối cùng của Montesssori theo mình hiểu là rèn sự tập trung, tự lập, tự giác và các kỹ năng dành cho trẻ để làm nền tảng cho các cấp học cao hơn.
Ví dụ: nhiều mẹ khi con lên lớp 1 hay trước khi con vào lớp 1 một thời gian ngắn mới bắt đầu cho con đi học các lớp luyện viết, luyện chữ đẹp hay học chữ để có thể dễ dàng vào lớp 1. Nhưng trẻ đang chơi quen suốt cả 5,6 năm, đến vào lớp 1 sẽ khó để trẻ có thể tự giác và tập trung ngồi vào bàn học mà không phải quát nạt. Điều này sẽ tạo stress cho cả mẹ và con khi học.
- Sau một thời gian áp dụng, chị nhận thấy Montessori có những ưu điểm gì, và tất nhiên bên cạnh đó có những nhược điểm gì?
Ưu điểm của phương pháp Montessori theo mình thấy là phương pháp toàn diện phát triển cả nhân cách và trí tuệ, nên những em bé Montessori thì vẫn rất tự lập nhưng lại rất thông minh, tự tin. Con được rèn luyện trí thông minh và nhân cách thông qua các hoạt động đơn giản như thực hành cuộc sống, giác quan, toán học, thực vật, động vật, địa lý, lịch sử, khoa học. Vì vậy trí thông minh, tư duy logic của con được hình thành ngay từ bé. Do đó khi vào lớp 1 hay các cấp học cao hơn cho dù phải tiếp cận kiến thức như thế nào,khó đến mấy hay chưa từng được học, thì con cũng dễ dàng tiếp thu.
Toàn diện phát triển cả nhân cách và trí tuệ là ưu điểm của Montessori. |
Giáo dục thẩm mỹ và đạo đức cũng liên kết chặt chẽ với việc huấn luyện các giác quan. Bằng cách nhân rộng những trải nghiệm giác quan và phát triển khả năng thẩm định các khác biệt nhỏ nhất trong những kích thích khác nhau, sự nhạy bén của ta thêm tinh tế và sự cảm thụ được gia tăng.
Cái hay của Montessori so với các phương pháp khác là phát triển toàn diện nhân cách và trí tuệ chứ không phải chỉ có trí tuệ vì một em bé có thông minh tài giỏi đến mẫy nhưng không ngoan ngoãn, hay không có nề nếp, nội quy, vô tổ chức, không biết tự phục vụ chính bản thân mình thì cũng không thể hạnh phúc được khi bước vào xã hội.
Nếu tự làm giáo cụ handmade cho con, thì tiết kiệm được khá nhiều chi phí. |
Về nhược điểm, trước đây mình áp dụng Glenn thay vì Montessori vì thấy giáo cụ Montessori quá nhiều, quá đắt đỏ, tốn kém. Nhưng từ khi có sự dẫn dắt của chị Nguyễn Thắm, mình hiểu sâu hơn về triết lý Mon thì thấy, nhược điểm ấy không còn là vấn đề nữa. Mà do cách mình hiểu và áp dụng. Montessori chính là cuộc sống chứ không phải chỉ là giáo cụ, và tùy từng điều kiện sống mà chúng ta có thể thiết kế giáo cụ phù hợp để cho trẻ. Và từ đó mà mình biết cách tự làm các giáo cụ handmade, giá rất rẻ nhưng vẫn đáp ứng được tinh thần và rèn sự tập trung cho con.
- Điều chị hài lòng nhất về phương pháp này? Qua quá trình, chị nhận thấy con có những tiến bộ gì?
Điều mình hài lòng nhất về phương pháp này là việc con tự lập như một người lớn thu nhỏ trong việc làm hàng ngày nhưng tâm hồn thì vẫn là một đứa trẻ vô tư, hạnh phúc.
Việc học Mon không phải để con trở thành thiên tài, mà con trở thành em bé tự lập, ngoan ngoãn, lễ phép, biết cách bảo vệ bản thân, đồng thời có tư duy logic tốt để có thể dễ dàng tiếp thu các thông tin mới ở các cấp học cao hơn. Quan trọng nhất là con tự giác trong việc học tập, nên mẹ sẽ không mất thời gian cho việc học hành của con sau này nữa, mà có nhiều thời gian chăm sóc em bé nhỏ (mình đang mang bầu bé 7 tháng) hoặc phục hồi sức khỏe và theo đuổi các sở thích của bản thân.
Hai bé chơi trò pha màu. |
- Bé nhà chị hợp tác với phương pháp này chứ? Có khi nào bé chán hoặc tỏ thái độ không hứng thú không?
Thật ra đối với phương pháp nào cũng vậy, bé sẽ bắt đầu bằng sự tò mò nhưng không hợp tác tốt như kỳ vọng được. Việc của mẹ là kiên trì theo đuổi phương pháp, kiên nhẫn với con và quản lý tốt cảm xúc của mình để định hướng cho con, khơi gợi hứng thú và khuyến khích động viên con đúng cách để tăng độ tập trung dần dần cho con qua mỗi hoạt động được sắp đặt mỗi ngày.
Việc bé chán hay không hứng thú với hoạt động nào đó là rất thường xuyên xảy ra, vấn đề xuất phát từ việc hoạt động đó không phù hợp với nhu cầu và giai đoạn nhạy cảm hiện tại của con hoặc là quá khó so với trình độ của con. Nên việc của mẹ là cần quan sát con mỗi ngày để phát hiện và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp nhằm hỗ trợ con tốt hơn trong giai đoạn phát triển tương ứng.
Bé chơi trò hân biệt màu sắc kết hợp bóc dán bằng băng dính. |
- Mỗi ngày chị dành ra bao nhiêu phút để chơi/dạy con? Theo chị việc bố mẹ chơi, tương tác với con sẽ mang lại những lợi ích gì?
Do mình ở nhà với con toàn thời gian nên có lợi thế hơn các mẹ phải đi làm 1 chút là mình dành thời gian dạy con khoảng 2 tiếng/ngày (buổi sáng 1h, buổi chiều 1h).
Về lợi ích khi tương tác với con thì thật ra trẻ con học vô tình trong sự hữu ý của người lớn nên dù bố mẹ không dạy gì, không tương tác gì với con, con vẫn quan sát và học tập từ bố mẹ. Việc sắp xếp thời gian dạy con làm cho bố mẹ ý thức được mình đang ảnh hưởng tới con thế nào và đặt sự quan tâm của mình vào đúng mức cần thiết để không lãng phí thời gian khi ở bên con. Trẻ con khi được hướng dẫn đúng, phù hợp sẽ phát triển tốt hơn, hiểu biết đúng đắn hơn và cảm giác được yêu thương nhiều hơn. Khi con thỏa mãn được nhu cầu yêu thương và nhu cầu học hỏi, tâm tính con sẽ có tâm tính dễ chịu hơn so với việc con đòi hỏi nhưng bố mẹ không đáp ứng.
"Việc của mẹ là cần quan sát con mỗi ngày để phát hiện và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp nhằm hỗ trợ con tốt hơn trong giai đoạn phát triển tương ứng". |
- Với những bố mẹ cũng muốn áp dụng phương pháp này, thì nên bắt đầu từ đâu, chuẩn bị như thế nào?
Với các bố mẹ cũng muốn áp dụng phương pháp này, bố mẹ nên dành thời gian đọc qua một số sách về nguyên lý cơ bản của phương pháp để hiểu đúng tinh thần Montessori, hiểu một số hoạt động Montessori được hình dung như thế nào và chuẩn bị giáo cụ ra sao. Và tất nhiên nếu có thể thì nên có 1 người hướng dẫn hoặc đồng hành trong các hoạt động hàng ngày, tốt nhất là người có chuyên môn vững để hỗ trợ, giải thích cho mình trong những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát hay hiểu biết của mình.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
(Ảnh: NVCC)