Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã chứng khoán: DIG) vừa công bố bộ tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thương niên, dự kiến tổ chức vào tháng 6 tới.
Đánh giá về môi trường kinh doanh năm nay, DIC Group cho rằng bên cạnh các yếu tố như chiến tranh Nga - Ukraine, lãi suất, lạm phát, khó khăn về huy động vốn, thời gian tới, các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn cũng sẽ tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính mạnh, phải bỏ ra nguồn tiền đáng kể mới có thể bán hàng để tái đầu tư.
Trong khi đó, sức mua bất động sản năm nay được đánh giá là rất yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Dự báo nguồn cung mới năm nay cho thị trường ít, nguồn cung mới chịu ảnh hưởng bởi quy trình thủ tục pháp lý khiến các chủ đầu tư khó triển khai dự án mới.
DIC Group cho biết, định hướng năm nay của công ty là không đề cao tăng trưởng đầu tư phát triển mà chú trọng bảo toàn vốn, hạn chế sản phẩm dở dang, hàng tồn kho, vốn lưu động bị chiếm dụng.
Công ty đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 98% so với năm 2022. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, tăng trưởng 604%.
Đối với mục tiêu tăng doanh thu, công ty cho biết sẽ thực hiện song song chiến lược kinh doanh bán sỉ và bán lẻ sản phẩm các dự án, kêu gọi các nhà đầu tư cấp 2 trong và ngoài nước để thực hiện các dự án thành phần tại các dự án do công ty làm chủ đầu tư cấp 1 để đẩy nhanh tiến độ,
Về các nguồn thu, DIC Group cho biết sẽ tiếp tục thu hồi công nợ tại các dự án Gateway, CSJ giai đoạn 1, Đại Phước, Nam Vĩnh Yên,... Công ty cũng sẽ kinh doanh khai thác các quỹ đất tại dự án Nam Vĩnh Yên, dự án Vị Thanh,... cũng như hoàn thành các thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuận và mở bán sản phẩm dự án Lam Hạ Center Point.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tập trung đầu tư các dự án trọng điểm có nguồn thu, doanh thu 2023 - 2024 bằng vốn tự có, vốn tái đầu tư, nguồn tín dụng lãi suất hợp lý. Đối với các dự án chưa có doanh thu trong ngắn hạn, phải dãn tiến độ.
Công ty cũng sẽ ưu tiên triển khai đầu tư các công trình nhà ở xã hội tại các dự án của DIC Group.
Kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm nay của công ty là 4.138 tỷ đồng, gồm gần 2.760 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai; 95,97 tỷ đồng cho các dự án nghiên cứu đầu tư; gần 1.253 tỷ đồng cho tiền thuê đất/sử dụng đất và 30 tỷ đồng cho đầu tư tài chính.
Trong đó, dự án đang triển khai dự kiến được đầu tư lớn nhất trong năm nay là Lam Hạ Center Point tại tỉnh Hà Nam (rót 918,75 tỷ đồng), bên cạnh các dự án khác như Vị Thanh tại tỉnh Hậu Giang (714,34 tỷ đồng), Long Tân tại tỉnh Đồng Nai (692,55 tỷ đồng), Bắc Vũng Tàu (595,3 tỷ đồng), Nam Vĩnh Yên tại tỉnh Vĩnh Phúc (435,48 tỷ đồng),...
Các dự án nghiên cứu đầu tư của DIC Group gồm Khu phức hợp đô thị - nghỉ dưỡng - sân golf DIC Quảng Bình; Khu đô thị Tây Bắc - Thuận Thành - Bắc Ninh; Khu đô thị Quảng Xương, Thanh Hóa; Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Sông Cầu - Phú Yên;...
Giai đoạn 2023 - 2027, công ty đặt kế hoạch các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, vốn đầu tư phát triển, cổ tức tăng trưởng 15 - 30% so với giai đoạn 2018 - 2022.
Giai đoạn này, định hướng của công ty là đầu tư phát triển bất động sản các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng có khả năng phát triển trong trung và dài hạn ở cả ba miền, ưu tiên phát triển các dự án lân cận các thành phố lớn; đầu tư các công trình nhà ở xã hội tại các dự án có quỹ đất nhà ở xã hội do công ty làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, công ty cũng dự kiến tiếp cần lĩnh vực trò chơi giải trí có thưởng và các lĩnh vực như y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, công nghiệp,... mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty chỉ trích lập quỹ phúc lợi 5% lợi nhuận sau thuế và không chia cổ tức.
Tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới của DIC Group, công ty cũng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch vay vốn cho hoạt động đầu tư năm nay.
Theo đó, DIC Group sẽ chuyển tiếp kế hoạch thu xếp vốn năm 2022 sang năm 2023 cho 4 dự án CSJ giai đoạn 2 (khối khách sạn C3), Khách sạn và Hội nghị DIC Star Vị Thanh, Chung cư DIC Emera (A5) - Khu trung tâm Chí Linh, Nhà ở xã hội thuộc dự án Nam Vĩnh Yên.
Kế hoạch thu xếp vốn cho các dự án trên đã được cổ đông thông qua tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái với tổng hạn mức vốn vay dự kiến thu xếp trong năm 2022 khoảng gần 1.640 tỷ đồng. Song, do các dự án trên chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý dẫn đến chưa thể thực hiện theo kế hoạch.
Chuyển tiếp sang năm nay, tổng hạn mức vốn vay dự kiến thu xếp cho 4 dự án trên sẽ tăng lên gần 2.188 tỷ đồng, do tăng hạn mức vay đối với dự án DIC Emera (A5).
Mặt khác, DIC Group cũng lên kế hoạch huy động vốn bổ sung cho các dự án, tùy thuộc vào tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý và sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Cụ thể, các dự án/hạng mục dự kiến bổ sung vốn vay gồm đầu tư khối condotel C4 thuộc dự án CSJ (250 tỷ đồng); đầu tư khu thấp tầng thuộc dự án Bắc Vũng Tàu (250 tỷ đồng); đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án Long Tân (1.000 tỷ đồng); đầu tư dự án Lam Hạ và dự án điểm du lịch Hồi Ba Hang tại tỉnh Hà Nam (500 tỷ đồng); đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại dự án Hiệp Phước (Đồng Nai) và dự án Vị Thanh (Hậu Giang) (200 tỷ đồng); đầu tư Chung cư A4 thuộc Khu trung tâm Chí Linh (1.000 tỷ đồng),...