Mọi chuyện bắt đầu từ một bài báo trên trang Vietnam Investment Review (VIR, thuộc Báo Đầu tư), với nghi vấn về những nhà đầu tư bí ẩn đứng đằng sau hai thương hiệu gọi xe gốc Việt lớn bậc nhất là be và FastGo.
Theo bài viết, giới quan sát biết rất ít thông tin về cơ cấu cổ đông của cả be và FastGo. "Với be, sau khi một số cố đông rút vốn vào tháng 3/2019, hiện có rất ít thông tin về cơ cấu sở hữu công ty. Trong khi tháng 1/2019, một nhà đầu tư từ quần đảo Virgin bơm vốn vào FastGo để sở hữu 25,23% cổ phần. Tuy nhiên, sau đó tỉ lệ sở hữu của các cổ đông không được tiết lộ", bài báo viết.
Sau đó, VIR tiếp tục viết bài về vấn đề nếu be và FastGo sát nhập, họ có thể cạnh tranh với Grab ở thị trường gọi xe trực tuyến. Trong một bài viết trên trang cá nhân, ông Nguyễn Hữu Tuất (giám đốc điều hành FastGo) đã nói nửa đùa nửa thật rằng: "Nếu be và FastGo sáp nhập thì đặt tên là gì?".
Bài viết của ông Tuất xuất hiện trong bối cảnh có nhiều thông tin cho thấy hai sàn thương mại điện tử gốc Việt là Tiki và Sendo có khả năng sáp nhập.
Những bài viết như thế đã dấy lên những nghi vấn về việc be và FastGo có thể "về chung một nhà". Tuy nhiên, trong khi FastGo chưa có phản hồi, be phủ nhận thông tin ấy.
"Ngoài ra, tôi không có bình luận gì về phát ngôn của anh Tuất", người đại diện truyền thông của Be tuyên bố.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường ABI Research, be đang là hãng gọi xe công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam về thị phần (16%), chỉ sau Grab (73%). Trong khi đó, thị phần của FastGo chỉ là 1%.