Trên những nhóm cộng đồng tài xế công nghệ, những bài viết rao bán, rao mua hay thuê tài khoản khá phổ biến. Mức giá cho thuê/bán tài khoản rất đa dạng, tùy thuộc vào chất lượng tài khoản, cũng như những chính sách mà công ty dành cho tài xế, từ hai bánh đến bốn bánh.
Dù đây là một dịch vụ theo kiểu "có cầu, có cung", nhưng cũng có thể phát sinh nhiều vấn đề về quan hệ nhân sự, nhất là khi xảy ra các trường hợp khiếu nại từ người dùng.
Anh Tiệp, một tài xế rao thuê tài khoản GrabBike, kể: "Thời gian trước tôi từng chạy Grab nhưng sau đó công ty khóa tài khoản. Sau chạy một số hãng khác nhưng giờ muốn chạy lại Grab. Thuê tài khoản không phải việc khó, người ta rao nhiều lắm", anh Tiệp cho biết.
Cũng theo anh Tiệp, phí thuê tài khoản xe ôm công nghệ không cao, dao động từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/ngày tùy hãng. Dịch bệnh làm giảm doanh thu của cánh tài xế, do đó anh thuê tài khoản của công ty có nhiều khách, dù phải trả một mức giá cao hơn.
Do nhiều hãng xe công nghệ hoạt động tại Việt Nam, kinh doanh ở cả mạng giao đồ ăn lẫn gọi xe cho tới giao hàng, các shipper, xe ôm sẽ có thêm sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, đa số họ vẫn ưu tiên lựa chọn các hãng quen thuộc. Anh Dũng, một người từng chạy xe ôm truyền thống, là một trường hợp như vậy.
"Chạy xe ôm công nghệ tôi mới biết vi phạm bị khóa tài khoản trong 2 tuần. Mấy ngày đó tôi thuê tạm tài khoản của một đồng nghiệp, chứ lại đăng kí hãng mới lại mất công", anh Dũng nói.
Nhu cầu thuê tài khoản khá lớn nên nhiều người sẵn sàng cho thuê. Thậm chí một số người còn đầu cơ tài khoản bằng cách đăng kí ở nhiều hãng khác nhau và cho thuê lại. Cũng như nhiều hình thức đầu cơ khác, đầu cơ tài khoản cũng có những rủi ro riêng.
Ngay ban đầu khi đăng kí, thường các hãng sẽ yêu cầu tài xế nộp một khoản lệ phí (đăng kí, mua đồng phục hoặc kí quĩ...). Mức lệ phí của các công ty không giống nhau. Do đó, nếu đầu cơ mà không có khách thuê, chủ tài khoản sẽ hứng chịu tổn thất tài chính.
Rủi ro tiếp theo với những "nhà đầu cơ" chính là mất tài khoản. Giao tài khoản cho một người lạ trong khi không/chưa có hình thức kiểm soát rõ ràng sẽ phát sinh những vấn đề ngoài dự liệu. Đây cũng chính là nguyên nhân nhiều bài "bóc phốt" hành vi lấy cắp tài khoản xuất hiện trên mạng xã hội.
Một tài xế đăng tin rao bán tài khoản xe ôm công nghệ cho biết chính anh cũng là một tài xế, việc cho thuê các tài khoản khác chỉ là cách để tạo thu nhập thụ động.
"Tháng trước có vụ một tài xế công nghệ cho thuê tài khoản rồi người thuê hiếp dâm một cô gái. Vụ việc sau đó được làm rõ nhưng người cho thuê tài khoản cũng trải qua một phen hú hồn", tài xế này kể.
Cũng theo người bán tài khoản, anh đã đầu tư vài triệu cho việc đăng kí tài khoản ở các công ty gọi xe công nghệ. Nếu thuận lợi, anh có thể thu hồi vốn sau 2 tháng nếu đủ khách.
Trường hợp mua tài khoản khá hiếm vì thông tin tài khoản thuộc về người đăng kí. Chủ tài khoản có thể khiếu nại để lấy lại vì các công ty gọi xe công nghệ không có qui định về mua bán tài khoản giữa tài xế.
"Nếu lỡ gặp khách không tốt, họ lừa mất tài khoản thì người cho thuê có thể liên hệ lên tổng đài. Tuy nhiên việc xử lí không thể hoàn thành sớm. Nếu khách thuê tài khoản rồi phối hợp gian lận, người cho thuê mất luôn tài khoản. Hãng sẽ khóa vĩnh viễn tài khoản", tài xế nhấn mạnh.