Thị trường gọi xe công nghệ đang chuyển sang hệ sinh thái nền tảng hơn là cuộc chơi đốt tiền

Dường như việc đốt tiền chiếm thị phần đã không còn là xu thế trong năm 2020 khi đánh dấu việc hàng loạt các hãng gọi xe công nghệ thu thêm phí nền tảng, phí đơn hàng nhỏ từ khách.

Hàng loạt các hãng gọi xe công nghệ thu thêm phí

Cuối tháng 3/2020, Grab Việt Nam thông báo sẽ bắt đầu triển khai phí dịch vụ và phí đơn hàng nhỏ đối với mảng Grabfood. Mức phí này sẽ do khách hàng chịu và tài xế sẽ thu hộ (trong trường hợp thanh toán tiền mặt) hoặc Grab sẽ trừ trực tiếp từ ví điện tử Moca của khách hàng trong trường hợp thanh toán phi tiền mặt.

Theo định nghĩa của Grab, các đơn hàng dưới 50.000 đồng sẽ được xác định là đơn hàng nhỏ và sẽ phải chịu 3.000 đồng phí (với các đơn hàng ở Hà Nội và TP HCM) hoặc 2.000 đồng nếu ở các tỉnh thành còn lại.

Theo ban truyền thông của Grab, ban đầu hai mức phí sẽ được triển khai ở Đà Nẵng trước khi mở rộng ra các địa phương khác. Ngoài ra, ở các thị trường khác ở Đông Nam Á đều đã áp dụng.

Thị trường gọi xe công nghệ không còn là cuộc chơi đốt tiền - Ảnh 1.

Sau Grab, tới BAEMIN thu thêm phí đơn hàng nhỏ. Ảnh: Baemin.

Trong khi đó, mới đây BAEMIN, một ứng dụng gọi món khác đến từ Hàn Quốc cũng ra quyết định thu thêm 3.000 đồng phí đơn hàng nhỏ. Theo định nghĩa của BAEMIN, đơn hàng dưới 30.000 đồng mới được xác định là đơn hàng nhỏ.

Ứng dụng BAEMIN cũng đang được xem là khá được giới trẻ ưa chuộng cho chiến dịch "Ăn ở nhà cũng ngon" nhằm đem đến những trải nghiệm ẩm thực đa dạng cho khách hàng, đồng thời chung tay hỗ trợ các đối tác nhà hàng trong mùa Covid-19. 

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 4 thì hai hãng gọi xe công nghệ lớn khác ở Việt Nam là Go-Viet và Be cũng đều có những chính sách thu phí nền tảng từ khách hàng. Chính sách với từng hãng có sự khác biệt. Tuy nhiên, nhìn chung mức phí không cao, dao động từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng trên một cuốc xe.

Grab thậm chí đã triển khai phí nền tảng từ tháng 2/2020. Hầu hết các dịch vụ của hãng gọi xe công nghệ lớn nhất Việt Nam (trừ Grabfood) đều thu phí nền tảng từ khách hàng.

Theo lí giải của các công ty, việc thu phí nền tảng nhằm phục vụ việc hỗ trợ tăng cường chính sách đảm bảo quyền lợi cho tài xế, khách hàng và cộng đồng. Tuy nhiên về bản chất, mức phí này vẫn được cộng dồn vào số tiền khách hàng thanh toán cho mỗi cuộc xe/đơn hàng.

Cuộc chơi đốt tiền gọi xe công nghệ đang dần đi vào hồi kết?

Từ lâu, mảng gọi xe công nghệ được coi là một trong những mô hình startup "đốt tiền" nhanh nhất. Các hãng mới liên tục xuất hiện, sử dụng khuyến mãi để lôi kéo khách hàng mới. Theo lí thuyết, đến khi lượng khách hàng đủ lớn thì bằng một cách nào đó (giảm khuyến mãi, tăng giá, giảm chiết khấu của tài xế...) để thu về lợi nhuận.

Câu chuyện được đặt ra là khi đạt đến một thị phần đủ lớn, lại tiếp tục có những đối thủ mới xuất hiện và sẵn sàng "đốt tiền" để cạnh tranh. Grab và Uber từng tạo ra một câu chuyện tương tự về lí thuyết trò chơi: Chúa sơn lâm chỉ có một, một núi hai hổ tất cả hai cùng bại.

Grab sau đó đã nhanh chóng thâu tóm thị phần của Uber tại Đông Nam Á vào năm 2018. Tuy nhiên ngay sau đó, hàng loạt các hãng gọi xe công nghệ với mô hình tương tự xuất hiện tại thị trường Việt Nam, từ Go-Viet, Be, FastGo, Tada đến MyGo, Vato. 

Thị trường gọi xe công nghệ không còn là cuộc chơi đốt tiền - Ảnh 2.

Grab thâu tóm thị phần Uber ở Đông Nam Á, nhưng nhiều tay chơi mới hơn đã xuất hiện. Ảnh: Vietnam Insider.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 tới nay, hầu như chưa xuất hiện thêm một hãng gọi xe công nghệ mới nào. Có thể một phần vì tác động của dịch COVID-19 nhưng phải chăng thị trường đã quá chật chội?

Thời điểm cuối năm 2019, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo từng gây sốc khi phát biểu rằng Grab và Go-Viet đang đốt rất nhiều tiền để lấy khách hàng và dừng đốt tiền sẽ chết. Trong khi đó ông khẳng đinh chiến lược lâu dài của công ty là không hề đốt tiền vẫn có lãi.

Về việc Grab và Go-Viet dừng đốt tiền có "chết" như ông phân tích hay không thì vẫn còn là một giả định chưa có thực. 

Tuy nhiên, việc gần đây các hãng gọi xe công nghệ thu thêm phí nền tảng hay phí đơn hàng nhỏ từ khách hàng cũng là một dấu hiệu cho thấy nhiều công ty đã "thu" nhiều hơn thay vì chỉ đốt tiền.

Dịch COVID-19 gây tác động lên nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện là nhóm đông đảo nhất, nhưng lại gặp khó khăn nhất trong khâu tiếp cận vốn để sống sót qua mùa dịch. 

Từ đó các startup gọi xe công nghệ, nếu muốn gia nhập thị trường ở thời điểm này cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng.

Một số tổ chức tài chính đã bắt đầu có thể xem xét việc cho startup công nghệ vay tiền với tài sản thế chấp là lịch sử giao dịch. Chính vì thế, việc có một lịch sử giao dịch tốt (có lãi trên mỗi đơn hàng) sẽ là lợi thế để các startup này có thể tiếp cận nguồn vốn trong và sau đại dịch.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.