Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất ô tô tải của ông Hùng (Hưng Yên) tiêu thụ khoảng 1.000 xe, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lượng xe bán ra giảm một nửa. Phần do thị trường ảm đạm, nhưng chủ yếu thiếu nguyên liệu, phụ tùng sản xuất do "tắc" từ thị trường cung cấp chính - Trung Quốc.
Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỉ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó gần 18% từ Trung Quốc (0,7 tỉ USD), xấp xỉ 29% từ Hàn Quốc với kim ngạch trên 1,1 tỉ USD... Riêng với sản xuất ô tô tải, hơn 70% linh kiện phụ tùng nhập từ Trung Quốc, nên các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này gặp khó khăn hơn cả.
Chủ doanh nghiệp sản xuất xe tải ở Hưng Yên ước tính doanh nghiệp hiện chỉ còn nguồn nguyên liệu sản xuất trong kho cho một tháng tới. Sau thời điểm này, nếu nguồn cung nguyên liệu không "thông", ông chủ doanh nghiệp này sẽ buộc phải tạm dừng sản xuất một phần. Kế hoạch ra mắt mẫu xe mới vào đầu quý II của doanh nghiệp theo đó cũng có thể phải lùi lại vô thời hạn.
Dịch corona bùng phát và lan rộng ngoài Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô chịu ảnh hưởng lớn. Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) dự báo, đến cuối quý I, các doanh nghiệp này sẽ "thiếu hụt nguồn linh phụ kiện sản xuất".
Trong lúc thị trường cung cấp linh kiện sản xuất chính gặp khó, không ít ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần lập tức tìm thị trường thay thế. Nhưng, việc tìm kiếm nguồn hàng trong ngắn hạn không dễ.
"Ai nói có thể tìm nguồn thay thế ngay là không đúng. Hiện tại khó có lối thoát. Tìm được các nguồn cung ứng với các ngành đơn thuần khác dễ hơn, chứ ngành ô tô không đơn giản như vậy", ông Hoài nhận xét.
Cục trưởng Công nghiệp phân tích, các nguyên phụ liệu cao cấp hoặc các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô rất khó có thể tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia.
Chưa kể, việc nhập khẩu linh phụ liện, nguyên vật liệu đầu vào từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc khó khăn, do họ cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc có xu hướng thận trọng trong giao thương hàng hóa vì lo ngại dịch bệnh (Ấn Độ).
Ông lấy ví dụ, hiện nay có doanh nghiệp Việt xuất khẩu bộ dây điện cho doanh nghiệp ôtô Philippines, hàm lượng kĩ thuật chỉ chiếm 8-10% trong chuỗi sản phẩn, nhưng nếu thiếu thì cũng không thể có được sản phẩm hoàn chỉnh.
"Chỉ một chi tiết động cơ không có là đứt chuỗi. Tính phụ thuộc các quốc gia với nhau rất lớn", ông Hoài cho biết.
Thực tế trên thị trường toàn cầu, hàng trăm nhà sản xuất lớn có liên kết mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạm ngừng sản xuất tại Trung Quốc như Rober Bosh GmbH (nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới), Honda Motor, Nissan Motor... đã phải chấp nhận kịch bản doanh số sẽ sụt giảm ít nhất trong nửa đầu năm 2020.
Số công ty khác có cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc nhưng phụ thuộc đầu vào từ nước này cũng phải giảm công suất, thậm chí tạm ngừng sản xuất. Đầu tháng 2, Hyundai và Renault cũng buộc phải tạm ngừng hoạt động tại Hàn Quốc, trong khi ba nhà máy ở Anh của Jaguar Land Rover chỉ có thể chạy thêm khoảng 14 ngày nữa trước khi hết linh kiện. Tesla đã đóng cửa nhà máy tại Thượng Hải và thông báo chậm giao nhiều đơn hàng trong thời gian tới.
Với cơ cấu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và sự phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi chuỗi này đứt gãy nhiều lo ngại sẽ tác động tiêu cực lên ngành ôtô nội địa.
Trước thực tế này, ông Trương Thanh Hoài cho rằng Chính phủ cần trực tiếp đàm phán với chính quyền các tỉnh, địa phương Trung Quốc, xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất.
Cùng đó, sớm ban hành các chính sách mới về thuế nhập khẩu CKD cho sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất trong nước nhằm duy trì ngành công nghiệp ôtô nội địa trong dài hạn.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020